Thứ năm, 25/04/2024 12:09 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 14:00 (GMT+7)

Đồng Nai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nhằm giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức toạ đàm “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020”.

Tại buổi tọa đàm “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020”, đại diện Bộ TN&MT, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Kỹ thuật TN&MT đã giải đáp các vướng mắc của hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến các điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Các vướng mắc mà doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai quan tâm nhất là vấn đề giấy phép môi trường, ĐTM, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; doanh nghiệp tự tái sử dụng chất thải không phải làm thủ tục cấp phép nhưng tái chế nước thải và chất thải nguy hại phải đăng ký với cơ quan chức năng; quy định cũ, doanh nghiệp chỉ cần lắp đặt quan trắc nước thải đầu ra nhưng quy định mới là quan trắc cả đầu vào lẫn đầu ra; hạ tầng bảo vệ môi trường KCN được đầu tư theo tiến độ dự án đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư phải xin giấy phép môi trường thành phần hoặc hoàn thiện rồi xin 1 xin phép,…

Đồng Nai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp - Ảnh 1
Đồng Nai tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020”.

Trước những ý kiến thắc mắc và đóng góp của các doanh nghiệp, Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xem xét báo cáo Chính phủ, Bộ TN&MT và các bộ, ngành xem xét phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương trong việc phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo ĐTM nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường.

Từ đó giao Bộ TN&MT và Bộ KH&ĐT hướng dẫn rõ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết các quy định khuyến khích việc tái sử dụng chất thải; xác định quy mô, thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, giấy phép môi trường; tiêu chí xác định dự án đã vận hành chính thức và thay đổi nội dung so với báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt…

Theo Vụ pháp chế, Bộ TN&MT, Luật Bảo vệ môi trường mới đã có hiệu lực từ đầu năm 2022 với 9 nội dung mang tính đột phá, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp trong KCN như: mở rộng đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí nước thải bằng 10%/m3 giá nước sạch; phải có giấy phép mới được xử lý chất thải nguy hại; chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị công khai thông tin… Hiện các thông tư, nghị định hướng dẫn cũng đã ban hành, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Đồng Nai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp - Ảnh 2
Đồng Nai hướng tới phát triển các KCN xanh, thân thiện với môi trường.

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thiết lập được 5 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, 2 trạm quan trắc môi trường không khí tự động cố định và 1 xe quan trắc môi trường không khí tự động di động. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở TN&MT đầu tư, lắp đặt 25 hệ thống quan trắc nước thải tự động tại 25 KCN có đủ lượng nước thải vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và được lấp đầy trên 50% diện tích.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo triển khai xây dựng Kế hoạch BVMT trên địa bàn tỉnh năm 2022; tập trung thực hiện Kế hoạch số 7729 ngày 6/7/2021 của UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BVMT do HĐND, UBND tỉnh ban hành không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới về môi trường. Ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT Đồng Nai tiếp tục giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải lớn khẩn trương thực hiện đầu tư, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường. Riêng đối với các cơ sở có nguồn phát sinh khí thải lớn chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp sản xuất thép, nhiệt điện, hóa chất, xử lý rác,... cần xây dựng kế hoạch thực hiện lắp đặt quan trắc khí thải tự động, liên tục theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tùng Anh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến các doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.