Yên Bái: Có nên để tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn ô nhiễm trên hồ Thác Bà?
Tiềm năng du lịch của hồ Thác Bà ngày càng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Yên Bái, tuy nhiên, việc tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn làm ô nhiễm môi trường sẽ khiến cho hồ Thác Bà bị ảnh hưởng.
Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà. Hồ nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên với tổng diện tích gần 20 nghìn ha mặt nước gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.

Với tiềm năng vốn có của nó, Hồ Thác Bà là niềm tự hào của người dân Yên Bái, mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội như du lịch, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình…
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân Tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, trên hồ Thác Bà vẫn còn tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn gây ảnh hưởng tới môi trường và nguồn nước trong xanh của hồ.
Chia sẻ với phóng viên, gia đình bà D. (ở gần cơ sở sản xuất tinh bột sắn) bức xúc khi cơ sở sản xuất tinh bột sắn có mùi hôi thối nồng nặc, khó thở ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình. Cơ sở này hoạt động cả ngày, sáng thì thu gom tinh bột, tối đến thì chạy máy ầm ầm.
Qua ghi nhận của phóng viên, cơ sở sản xuất tinh bột sắn nằm trên khu đất ngay sát hồ Thác Bà, thuộc làng mới của Tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
Máy móc sản xuất tinh bột sắn của cơ sở này không chỉ ô nhiễm mà còn không đảm bảo vệ sinh an toàn trong sản xuất thực phẩm tinh bột. |
Bước vào cơ sở sản xuất tinh bột sắn này, mùi hôi thối nồng nặc do bã sắn lên men, bột sắn ủ và rãnh thoát nước có màu đen. Không những vậy, máy móc thiết bị sản xuất tinh bộ sắn cũng thô sơ có đủ các loại màu đen, nâu, đỏ, xám xịt lẫn vào nhau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời điểm phóng viên ghi nhận, có chừng gần 10 công nhân, chân đeo ủng sử dụng xẻng xúc gom tinh bột sắn đã khô lên xe rùa cũ kỹ.
Không những vậy, đường thu gom nước thải lại được chảy trực tiếp ra ngoài hồ Thác Bà, khiến có một vùng ven hồ có màu đen, vàng, nâu lẫn lộn. Tại bể lắng thải của cơ sở sản xuất tinh bột sắn này được đặt ngay sát hồ, nguy cơ rò rỉ ra ngoài hồ Thác Bà sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.

Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thị Hồng - Tổ trưởng Tổ 3, thị trấn Yên Bình cho hay, có nhiều hộ dân đã có ý kiến về chỗ này, nhưng cơ sở chỉ hoạt động vài tháng rồi nghỉ nên chưa kiến nghị lên UBND thị trấn Yên Bình.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình - ông Lã Tuấn Hưng cho biết: “Tôi sẽ cho Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình vào kiểm tra, xử lý”.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
Cơ sở sản xuất tinh bột sắn vẫn tồn tại ngang nhiên mà không có biện pháp xử lý của chính quyền địa phương. |
Đại diện cơ sở sản xuất (một người tên Giáp) nói rằng: “Chỗ tôi sản xuất có ít sắn không có gì to tát cả, nó chỉ hơi mùi một tý, mấy hôm là hết ấy mà. Từ đầu năm ra mới làm được vài chục ngày. Mà tôi nghĩ chẳng có gì là ghê gớm lắm”.
Vậy liệu việc tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn tại Tổ 3, thị trấn Yên Bình ảnh hưởng tới môi trường có nên tồn tại để đánh đổi môi trường sinh sống của người dân quanh khu vực này và cảnh quan, tiềm năng du lịch hồ Thác Bà?
Theo thống kê, có đến 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém. Có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém. Khảo sát 37 xã mang tên "làng ung thư" đã có 1136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Ô nhiễm môi trường nước, nguyên nhân chính được chỉ ra là do tình trạng xả thải trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Bàn về vấn đề này, GS.TS. Đặng Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng, trong cơ chế chính sách thiếu sự đồng bộ từ nguồn phát sinh, khâu xử lý, kiểm soát trước khi xả thải và kiểm soát chất lượng nguồn tiếp nhận.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên để triển khai có hiệu quả hay không thì không cần phải có sự đồng bộ từ Nhà nước, cộng đồng, cá nhân hay các tổ chức hiệp hội. Bởi chính sách pháp luật đi trước để định hướng các quy định thực hiện, trong đó quy hoạch các khu xử lý nước thải, các khu sản xuất công nghiệp có khả năng sinh ra nguồn nước ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, phải kiểm soát khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận nguồn nước xả thải.
Đức Mậu