Thứ bảy, 18/05/2024 11:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/05/2024 11:00 (GMT+7)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích

Theo dõi KTMT trên

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực đã mang đến sự tiện lợi, giúp tiết kiệm điện, góp phần tiết giảm chi phí của người dân.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của ngành điện

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đến nay, chương trình này đã từng bước đi vào đời sống và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua ngành điện lực đã tập trung nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình từ các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó có những định hướng, quyết sách đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số.

Ngày 17/2/2021, Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-EVN với mục tiêu chung: Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và hướng tới doanh nghiệp số vào năm 2025.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 1
Phần lớn các trạm biến áp 110kV và 220kV trong EVN đã chuyển sang mô hình không người trực và được điều khiển xa. Ảnh: EVN.

Để đạt được mục tiêu đề ra, EVN đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

Về thuận lợi, lúc này, các hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin (VT&CNTT) của EVN đã cơ bản đáp ứng được công tác phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn. Đặc biệt, các hệ thống CNTT dùng chung đã cơ bản thống nhất nghiệp vụ trong từng lĩnh vực hoạt động, đáp ứng những nghiệp vụ lõi trong công tác quản lý điều hành. Tập đoàn cũng chuyển đổi các hệ thống ứng dụng từ phân tán sang vận hành và khai thác tập trung ở các Trung tâm dữ liệu. Hầu hết các hệ thống CNTT cơ bản đã chuyển sang ứng dụng công nghệ web, đáp ứng truy nhập bằng các phương tiện và từ vị trí địa lý khác nhau. Các nghiệp vụ hoạt động của Tập đoàn cơ bản được số hóa và thường xuyên được hiệu chỉnh bổ sung hoàn thiện.

Tuy nhiên, EVN cũng gặp không ít thách thức: Hệ thống thông tin quản lý có tính tích hợp và liên thông chưa cao; các tiện ích khai thác số liệu chưa được tập trung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày cao của Tập đoàn; công nghệ mới nhất liên quan đến CMCN 4.0 (trí tuệ nhân tạo, Big Data, công nghệ đám mây,...) mới được ứng dụng ở mức độ hạn chế hoặc đang trong quá trình nghiên cứu ứng dụng… Bên cạnh đó, trình độ nhân sự chưa đồng đều, đặc biệt, nhân lực đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới còn hạn chế, đặc biệt là công nghệ nền tảng như: IoT, Bigdata, AI, Cloud, mobile, BI,…

Thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, EVN  đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số do Chủ tịch HĐTV Tập đoàn làm Trưởng ban; các đơn vị trực thuộc cũng thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu đơn vị làm Trưởng ban.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số EVN khẳng định, sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm ý tưởng, công nghệ mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm đổi mới sáng tạo, làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy đổi mới, phát triển sáng tạo.

Là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, tích hợp theo chiều dọc, EVN đã xác định các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số gồm:

“Số hóa dữ liệu”: Với mục tiêu “Một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Tập đoàn 01 nền tảng chung, đồng nhất về công nghệ, về giải pháp kỹ thuật và quản trị cơ sở dữ liệu dùng chung. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu từ hiện trường, kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu của EVN, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số.

“Số hóa khách hàng”: Lấy khách hàng là trung tâm, phân tích hành vi để cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác “mọi lúc, mọi nơi” trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.

“Số hóa quy trình nghiệp vụ”: Đẩy mạnh cải cách quy trình nghiệp vụ phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong Tập đoàn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Trong công tác quản trị nội bộ lấy người lao động làm trung tâm để xây dựng các ứng dụng số, cải tiến công việc bằng giải pháp mới cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và tiết kiệm thời gian, sức lao động.

Tiếp tục lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tận dụng thành tựu nghiên cứu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhân rộng các Đề án mà EVN và các đơn vị đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng: Xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin và tự động hóa của EVN theo phương án hình thành Trung tâm điều hành an ninh bảo mật trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được HĐTV EVN thông qua; kịp thời cập nhật, điều chỉnh, báo cáo HĐTV các nội dung sửa đổi.

Giai đoạn 2021-2022, EVN tập trung chuyển đổi số trong 5 lĩnh vực: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin. Đến nay, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở 5 lĩnh vực trên đã cơ bản hoàn thành ở mức cao. Nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng, mang lại lợi ích cho khách hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, EVN là đơn vị tiên phong trong việc kết nối dịch vụ điện với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, các nền tảng công dân số của 1 số địa phương…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 2
Hướng dẫn khách hàng đăng ký trích nợ tự động thuận tiện và hiệu quả. (Ảnh: ENVNPC)

Những thành quả của EVN trong quá trình chuyển đổi số không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhận xét về quá trình chuyển đổi số của EVN, ông Hồ Đức Thắng - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, mặc dù không phải là một đơn vị chuyên về công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng EVN đã có mức độ chuyển đổi số rất cao. EVN sẽ nằm trong nhóm những đơn vị đi đầu, dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp khác triển khai chuyển đổi số.

Khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ cao

Thông tin từ EVN cho hay, tính đến hết quý 2/2023 đã có 94,2% khách hàng của EVN thanh toán không tiền mặt, tương ứng so với số tiền điện thanh toán đạt hơn 98%.

Một số đơn vị trực thuộc EVN có số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt cao như: Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội có khoảng 99,9% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cũng trên 99,8%; Tổng công ty Điện lực miền Trung gần 99,3%...

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 3
Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức cao. (Ảnh: EVN)

Hiện nay, theo thống kê của EVN, một số hình thức thanh toán hiện đại rất được khách hàng sử dụng điện ưa chuộng như: Ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi (hơn 43% tỷ lệ tiền điện được EVN thu theo hình thức này), ví điện tử (hơn 22%), trích nợ tự động (hơn 14%)…

Theo EVN, khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt còn được các nhà cung cấp dịch vụ mang lại nhiều tiện ích khác như: Thanh toán mọi lúc, mọi nơi với các phương thức thanh toán trực tuyến; thanh toán chính xác tới số lẻ tiền; thực hiện nhanh chóng; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo yếu tố an toàn; tránh rủi ro rơi, mất tiền mặt… Đối với hình thức thanh toán trích nợ tự động, khách hàng không cần phải nhớ lịch thanh toán hóa đơn hằng kỳ; không lo bị ngừng cung cấp điện và mất phí đóng lại điện do quên thanh toán tiền điện.

Nhằm tiếp tục thu hút khách hàng tham gia thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, các đơn vị trong EVN tích cực hợp tác cùng các ngân hàng, ví điện tử, tổ chức thanh toán trung gian tổ chức nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng. EVN cũng phối hợp cùng đối tác chú trọng phát triển nền tảng hạ tầng công nghệ thanh toán, quy trình dịch vụ ngày càng hoàn thiện, tạo ra những trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Khách hàng điện hưởng lợi từ chuyển đổi số

Những nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua đã mang lại cho ngành điện lực những đổi thay tích cực cả về chất lượng và dịch vụ điện, tối ưu hóa công tác quản lý, kinh doanh và chăm sóc khách hàng, mang đến sự tiện lợi, góp phần tiết giảm chi phí của người dân.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích - Ảnh 4
Hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến. (Ảnh: EVNNPC)

Nếu như trước đây, để biết tiền điện nhà mình hàng tháng sử dụng hết bao nhiêu, gia đình gia đình chị Vũ Thị Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) phải chờ nhân viên ngành điện đến thu tiền điện tại nhà. Giờ đây, nhờ đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số của ngành điện, chị Hồng không những có thể chủ động xem được số tiền điện nhà mình hàng tháng, mà còn thanh toán tiền điện bằng các thao tác trên điện thoại thông minh có kết nối internet.

Việc đăng ký dịch vụ điện, thanh toán, truy cập thông tin trực tuyến mọi lúc mọi nơi thông qua hệ thống quản lý trực tuyến giúp chị Hồng tiết kiệm được thời gian và nhiều chi phí khác, nên chị khá hài lòng.

Làm nghề lái xe thường xuyên vắng nhà, anh Nguyễn Quang Hùng (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, trước đây thỉnh thoảng nhà anh bị dừng cung cấp điện do quên không đóng tiền điện. Từ ngày có ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin thanh toán hóa đơn tiền điện trực tuyến, việc theo dõi số lượng điện đã tiêu thụ và thanh toán tiền điện trở lên dễ dàng hơn. Anh Hùng đã có thể lựa chọn các hình thức thanh toán phù hợp và chủ động thanh toán mọi lúc mọi nơi. Bây giờ có đi đâu anh cũng không phải lo gì về việc trả tiền điện hay các dịch vụ về điện.

Dịch vụ trực tuyến của ngành điện cũng giúp ông Phạm Duy Mạnh (huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) rút ngắn thời gian và thuận tiện hơn khi làm thủ tục hành chính. Chỉ cần đăng ký trực tuyến trên website chăm sóc khách hàng nhân viên tổng đài sẽ liên lạc, hỗ trợ thông tin tiện lợi và dễ dàng.

Nhờ những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại, hiện nay, khách hàng dùng điện có thể thực hiện tất cả các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và 24/7. Mọi thông tin về điện, bao gồm lịch ghi chỉ số công tơ, lịch cung cấp điện, gửi yêu cầu và theo dõi tiến độ thực hiện các dịch vụ điện như cấp mới hợp đồng mua bán điện, thay đổi/bổ sung thông tin hợp đồng, gia hạn/chấm dứt hợp đồng mua bán điện, tạm ngừng sử dụng điện; các dịch vụ kiểm tra, kiểm định thiết bị đo đếm, theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ… đều được cung cấp trực tuyến thông qua App.

Nhiều khách hàng dùng điện cho biết họ rất hài lòng với dịch vụ điện hiện nay, vì dễ dàng kiểm soát được thông tin về tiền điện, nợ tiền điện, lịch ghi chỉ số công tơ, cũng như lịch cắt điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, sử dụng điện tiết kiệm…

H.A

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực: Khách hàng hưởng nhiều lợi ích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới