Thứ tư, 08/05/2024 19:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/04/2024 12:00 (GMT+7)

Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Ứng dụng chuyển đổi số vào kinh tế cho phép chúng ta thu thập thông tin về toàn bộ quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh, sau đó tổng hợp xử lý dữ liệu nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động hướng tới kinh tế tuần hoàn...

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Cụ thể hơn, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Biểu đồ so sánh khái quát giữa kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn. Nguồn: VGP.

Ở nước ta hiện nay, nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn chưa đầy đủ. Một nghiên cứu công bố năm 2021 về nhận thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ về kinh tế tuần hoàn cho thấy, nhận thức về vấn đề này chỉ ở mức trung bình (3,57/5 điểm). Đáng chú ý, nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ ý kiến doanh nghiệp bày tỏ thái độ trung lập (không đồng tình cũng không phản đối) áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là khá cao về các hiệu quả mà kinh tế tuần hoàn mang lại cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp được khảo sát đều hiểu những thách thức gây ra bởi sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và tăng trưởng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào trong số này cho biết rằng họ có những kế hoạch để nâng cao nhận thức và áp dụng thực hành sản xuất theo hướng phát triển bền vững.

Giới chuyên môn chỉ ra rằng, điều này một phần là do một số doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc tái chế, chia sẻ năng lực dự phòng và cung cấp dịch vụ, sản phẩm tuần hoàn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng.

Theo chuyên gia, việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ giúp khắc phục một số trở ngại, hạn chế nhằm tận dụng cơ hội của nền kinh tế tuần hoàn thông qua khả năng giám sát, kết nối và quản lý các đối tượng trong mô hình kinh tế tuần hoàn và giải phóng tiềm năng của nó.

Theo đó, các luồng thông tin được tạo ra bởi công nghệ số như AI, Block chain, cloud computing, Phân tích dữ liệu lớn… có thể coi là động lực chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Nó cho phép thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu, thông tin về toàn bộ hoạt động (thành phần nguyên liệu của sản phẩm, nguồn gốc, tính chất, vị trí, tình trạng, tính sẵn có cũng như các điều kiện về sản xuất, bảo trì, tháo dỡ và tái chế…), công nghệ cũng có thể cho phép đưa ra quyết định tự động, chia sẻ, tối ưu hóa nguồn lực… Qua đó giúp vượt qua rào cản của việc mở rộng nền kinh tế tuần hoàn.

Ở Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời, một công ty chế biến và xuất khẩu gạo lớn đã thực hiện những bước chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hành canh tác lúa gạo bền vững.

Cụ thể, công ty đã ứng dụng bản đồ số trong tổ chức cánh đồng lớn; ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong hoạt động canh tác; ứng dụng công nghệ số của vệ tinh, chẩn đoán bằng dữ liệu lớn (data machine learning) thông qua việc thu thập dữ liệu liên tục để hình thành nguồn dữ liệu lớn (big data) tạo nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI, machine learning) trong dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại, năng suất và hiệu quả.

Việc sử dụng các drone chụp hàng ngàn bức ảnh mỗi ngày về các loại sâu và sau vài mùa vụ sẽ có hàng triệu bức ảnh để làm dữ liệu cho máy học, từ đó tính toán được cụ thể với mật độ sâu bệnh như thế có cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không. Điều này giúp cho người nông dân tránh phải sử dụng thuốc không cần thiết góp phần giảm chi phí sản xuất cũng như bảo vệ môi trường.

Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2
Áp dụng công nghệ vào sản xuất lúa gạo. Ảnh: Lộc Trời.

Việc áp dụng công nghệ trong cân bằng chuỗi cung ứng, sự linh hoạt trong quản lý năng suất và hàng tồn kho, các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kịp thời điều chỉnh sự biến động về nhu cầu chung của thị trường đối với sản phẩm, qua đó không bị ảnh hưởng bởi sự biến thiên của nguồn cung mà có thể giảm tối thiểu các chi phí, tồn kho…

Từ dẫn chứng trên cho thấy, sự kết hợp giữa kinh tế tuần hoàn và số hóa tạo nên một chuỗi cung ứng số với đặc điểm linh hoạt, phi tập trung. Việc kết hợp này tập trung vào tối ưu hóa nguồn tài nguyên sẵn có và sự linh hoạt hoạt động sản xuất kinh doanh trước biến động của thị trường.

Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ quan điểm, mục tiêu cũng như đưa ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, có tính “dài hơi” mà các bộ, ngành cần phải thực hiện đồng bộ. Để sớm cụ thể hóa các định hướng này. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định về Cơ chế thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá cà phê hôm nay 8/5: Đi ngang
Cập nhật giá cà phê thế giới và trong nước mới nhất hôm nay ngày 8/5. Giá cà phê hôm nay 8/5 tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên và Miền Nam.

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.