Thứ sáu, 22/11/2024 12:36 (GMT+7)
Thứ năm, 02/11/2023 12:00 (GMT+7)

Xây dựng “bệ đỡ” pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng

Theo dõi KTMT trên

Trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng cần xây dựng khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang quyết tâm chính trị cao được Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp đã được Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đó là: Quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP26 và Tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen và hoàn thành khảo sát, đánh giá năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Theo bà để đạt được mục tiêu đề ra quyết tâm chính trị thôi chưa đủ. Cần có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của công nghiệp hydrogen.

Xây dựng “bệ đỡ” pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng - Ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; nghiên cứu, xây dựng Luật năng lượng tái tạo, trong đó có chương riêng quy định về hydrogen/amoniac xanh. 

Hai là, nghiên cứu, quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cho năng lượng hydrogen để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng. 

Ba là, quy định về sản xuất hydrogen từ các nguồn khác nhau và lưu trữ an toàn hydrogen.

Bốn là, quy định về hệ thống phân phối và vận chuyển từ nơi sản xuất, lưu trữ đến nơi sử dụng, bao gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trữ và các phương tiện vận chuyển. 

Năm là, xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định; hỗ trợ thị trường….

Chính phủ cần sớm đề xuất với Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho ngành hydrogen từ các nguồn tài chính hợp pháp, kể cả hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để kích thích, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư theo phương thức đối tác công tư vào phát triển ngành hydrogen.    

Ngoài ra bà Phạm Thúy Chinh còn góp ý mô hình PPP ở nước ta đã khá thành công với các dự án điện, cung cấp nước sạch, cảng hàng không, nhưng khi áp dụng với các dự án đường bộ hay y tế, đăng kiểm… thì còn nhiều bất cập như Quốc hội đang thảo luận, trong đó có việc xin thí điểm tăng tỷ trọng vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Bên cạnh đó, cách thức nhà nước tham gia trong các dự án PPP cũng chưa phát huy lợi thế của mô hình: từ việc quy định phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP ở mức 50% tổng mức đầu tư dự án, thì nay lại đề xuất tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước tham gia lên tới trên 70% hay có dự án phải đề nghị vốn trung ương hỗ trợ một phần hoặc chuyển toàn bộ sang đầu tư công do nhà đầu tư tư nhân không thể thu xếp vốn vay thương mại.

Vì vậy, trong khâu chuẩn bị, lựa chọn dự án PPP cần xác định rõ các nghĩa vụ tham gia của khu vực công để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của phương thức đầu tư.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng “bệ đỡ” pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới