Chủ nhật, 13/04/2025 04:57 (GMT+7)
Thứ tư, 09/04/2025 07:06 (GMT+7)

Xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Nền dòng chảy mùa khô năm 2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang ở mức thấp, dự báo nước mặn sẽ còn xâm nhập mạnh hơn vào trong nội đồng.

Xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng ĐBSCL trong tháng 4

Theo thông tin từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam, nền dòng chảy mùa khô năm 2025 ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang ở mức thấp, dự báo nước mặn sẽ còn xâm nhập mạnh hơn vào trong nội đồng.

Vì vậy, các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp, bảo vệ sản xuất.

Theo Ủy ban sông Mekong Việt Nam, tổng lượng mưa trong tháng 4 trên lưu vực sông Mekong sẽ ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, chênh lệch so với trung bình nhiều năm từ 5-20%, tùy từng tiểu lưu vực.

Trong đó, các khu vực thượng lưu sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm; khu vực Đông bắc Thái Lan, Trung và Nam Lào có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm. Các hồ trên sông Lan Thương đang chứa ở mức tương đối cao khoảng 60% tổng dung tích hữu ích. Các hồ ở hạ lưu vực sông Mekong cũng đang chứa ở mức khoảng 40% dung tích hữu ích và có thể sẽ tiếp tục phát điện như hiện nay.

Dự báo dòng chảy qua trạm Kra-chê (Campuchia) trong tháng 4/2025 biến động trong khoảng từ 9,2 tỷ m3 đến 11,3 tỷ m3. Tuy nhiên, do lượng nước trữ ở Biển Hồ vào thời điểm cuối tháng Ba vừa qua ở mức khá thấp (1,4 tỷ m3) nên khả năng đóng góp vào dòng chính sông sông Mekong trong tháng Tư này sẽ rất hạn chế.

Kết hợp các thông tin trên với dự báo xu thế thủy triều, tài nguyên nước, Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhận định mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) trong tháng Tư sẽ biến động theo thủy triều trong khoảng từ 1,1-1,5m.

Lưu lượng trung bình ngày qua trạm Tân Châu trong tháng 4 sẽ biến động trong khoảng 3.000 m3/s đến 5.000 m3/s, ở mức cao hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm và năm 2024 từ 5 đến 8%. Tổng lượng dòng chảy trong tháng Tư tại trạm Tân Châu sẽ ở mức từ 10,1 tỷ m3 đến 11,7 tỷ m3, chênh lệch so với trung bình nhiều năm từ dưới 6% đến hơn 9% và cao hơn cùng kỳ 2024 khoảng từ 1-17%.

Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Châu Đốc (tỉnh An Giang) trong tháng 4 được nhận định sẽ biến động trong khoảng từ 1,2-1,6 m. Lưu lượng trung bình ngày qua trạm Châu Đốc trong tháng này sẽ biến động trong khoảng 280 m3/s đến 800 m3/s ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 25%.

Tổng lượng dòng chảy qua trạm Châu Đốc được dự báo ở mức từ 1,3-1,6 tỷ m3 ở mức tương đương trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm 2024 từ 23-53 %.

Trên cơ sở kết quả dự báo dòng chảy và dự báo triều tháng 4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam dự báo đường ranh mặn 1 g/l vào sâu nhất trên ba nhánh sông lớn (là sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây) lần lượt từ 45-54 km, 47-55 km và từ 50-62 km; mức độ xâm nhập mặn có xu thế thấp so với cùng kỳ tháng 4/2024.

Tương tự, đường ranh mặn 4g/l trên ba nhánh sông sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây lần lượt từ 42-49 km; 41-50 km và từ 45-55 km; mức độ xâm xâm nhập mặn có xu thế thấp so với cùng kỳ tháng 4/2024.

Theo các phân tích ở trên, nền dòng chảy mùa khô năm 2025 vẫn đang ở mức thấp. Do vậy, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh để chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, tránh hiện tượng cạn kiệt cục bộ.

Ngoài ra, mặn sẽ xâm nhập mạnh hơn vào trong nội đồng, nên các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng mặn cần theo sát các thông tin giám sát mặn và các bản tin dự báo xâm nhập mặn để vận hành công trình ngăn mặn phù hợp bảo vệ sản xuất.

Các huyện thường xuyên bị nhiễm mặn bao gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và thành phố Tân An (tỉnh Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang); Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). 

Thu Cúc

Bạn đang đọc bài viết Xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng Đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Không khí lạnh cuối mùa: Nơi nào lạnh nhất?
Không khí lạnh tràn về khiến Bắc Bộ chuyển lạnh từ đêm 12/4, trời rét rõ hơn từ 13/4. Đợt không khí lạnh này cũng kéo theo mưa dông trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh

Tin mới