Chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp
FTSE Russell đánh giá chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp do chưa đáp ứng các yêu cầu thanh toán, giao dịch không ký quỹ.
FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices, tạo cơ sở tham chiếu cho các nhà đầu tư quốc tế.
Mới đây, công ty này đã có đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” và “Thanh toán - chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công”. Cả hai tiêu chí này hiện đều được xếp hạng là “Hạn chế”. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp như mong đợi.
FTSE Russell ghi nhận cam kết liên tục của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong việc theo đuổi nhiều cải cách quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm nâng cấp nền tảng giao dịch.
Tổ chức phân hạng này cũng đánh giá cao mối quan hệ mang tính xây dựng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (SSC), các cơ quan quản lý thị trường khác và Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), những đơn vị hỗ trợ chương trình cải cách thị trường rộng hơn.
"Do đó, theo các khuyến nghị từ FTSE Equity Country Classification Adv của Ủy ban Isory và Ban Cố vấn chính sách FTSE Russell, Ban quản trị quyết định giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi như một phần của cập nhật tạm thời tháng 3/2025", FTSE Russell cho biết.
Các cơ quan quản lý vẫn cam kết theo đuổi các cải cách pháp lý khác nhau cần thiết để đạt được mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, bao gồm việc nâng cấp nền tảng giao dịch chính. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục được đánh giá xếp hạng vào tháng 9/2025.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, được xếp hạng thị trường mới nổi sẽ mở rộng đáng kể quy mô dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam.
Khi được nâng hạng, Việt Nam sẽ lọt vào "tầm ngắm" của các quỹ đầu tư quy mô lớn hơn nhiều. Các quỹ ETF và quỹ chỉ số mô phỏng thị trường mới nổi buộc phải phân bổ vốn vào Việt Nam khi thị trường được thêm vào rổ chỉ số; đồng thời, các quỹ chủ động cũng sẽ xem xét Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Kết quả là tính thanh khoản và định giá của thị trường có thể được cải thiện nhờ dòng tiền ngoại ổn định hơn.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng sẽ góp phần giảm chi phí vốn và thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển. Với việc thị trường chứng khoán được nâng hạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn quốc tế hơn, thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu với mức định giá cao hơn và lãi suất thấp hơn.
Thị trường mới nổi cũng đồng nghĩa rủi ro quốc gia trong mắt nhà đầu tư toàn cầu giảm bớt, khi dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường việc huy động vốn của các doanh nghiệp cũng sẽ bền vững và giảm thiểu rủi ro hơn. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực quản trị và tính minh bạch, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Quang Đức