Nhiều đề xuất góp ý cho dự thảo Nghị định về các dự án đường sắt
Sáng ngày 8/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt.
Toạ đàm do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức với sự tham dự đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu tại TP.HCM, Lâm Đồng, Hải Phòng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận được văn bản số 306/KTQLXD-QLXD4 ngày 28/3/2025 của Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đề nghị góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt”.
“Nhằm thu thập các ý kiến góp ý từ các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực liên quan, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tiến hành tổ chức Tọa đàm để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo” - TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Tại toạ đàm, các diễn giả và khách mời đã đưa ra những đánh giá, phân tích dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt, các chuyên gia cho rằng Nghị định có bố cục logic, nội dung tương đối đầy đủ và bắt kịp xu thế hiện đại (như tích hợp BIM/GIS, FEED thay thế thiết kế cơ sở, cơ chế đặc thù). Tuy nhiên, một số nội dung còn khái quát, thiếu hướng dẫn chi tiết; còn bất cập trong phân quyền thẩm định – phê duyệt – điều chỉnh; chưa nêu rõ cơ chế giám sát rủi ro, tiêu chí minh bạch hóa lựa chọn tư vấn quốc tế. Một số thuật ngữ chuyên ngành chưa thống nhất hoặc cần làm rõ hơn để tránh cách hiểu khác nhau.
Ths. Lê Tùng Lâm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở nội dung thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) quy định trong dự thảo ở các Điều 3, Điều 4, Điều 10 đến Điều 13 cơ quan soạn thảo cần làm rõ giới hạn áp dụng FEED trong các loại hình dự án (đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghệ đặc thù). Cần Bổ sung quy định/phụ lục hướng dẫn quy trình triển khai thiết kế 2 bước(FEED và thiết kế thi công) với sơ đồ, tiêu chí, biểu mẫu đi kèm.

Với mô hình thông tin công trình (BIM) cần bổ sung quy định mức độ BIM tối thiểu (ví dụ: LOD 300 cho FEED, LOD 400 cho thiết kế thi công). Đồng thời cần yêu cầu định dạng mở (IFC, XML...) và lưu trữ BIM tập trung (CDE – Common Data Environment).
Trong vấn đề chỉ định thầu và lựa chọn tư vấn quốc tế, Ths. Lê Tùng Lâm đề nghị cần làm rõ tiêu chí minh bạch khi lựa chọn tư vấn quốc tế hoặc chỉ định nhà thầu EPC. Đặc biệt cần quy định bắt buộc công bố hồ sơ năng lực tư vấn quốc tế và lập danh sách ngắn (shortlist) có tư vấn độc lập. Đối với EPC, yêu cầu công bố hồ sơ giá trị kỹ thuật, ràng buộc trách nhiệm hợp đồng.
Liên quan đến nội dung thẩm định – phê duyệt – điều chỉnh dự án quy định từ (Điều 14 đến 21 dự thảo Nghị định), Ths Lê Tùng Lâm cho rằng,thẩm quyền giữa Thủ tướng, Bộ chuyên ngành và địa phương chưa rõ trong trường hợp điều chỉnh nhỏ hoặc cục bộ. Ông Lâm đề xuất bổ sung bảng phân quyền xử lý theo các tình huống: điều chỉnh tổng mức đầu tư, thay đổi công nghệ, điều chỉnh tuyến, chia gói thầu…Cho phép cơ quan chuẩn bị dự án có thể tự điều chỉnh nếu nằm trong ngưỡng giá trị nhất định.

Gửi đến Toạ đàm văn bản góp ý, ông Nguyễn Phước Thọ nguyên Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng: Nội dung quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị định có điểm không phù hợp với tên của dự thảo Nghị định. Theo ông Nguyễn Phước Thọ tên của dự thảo Nghị định nêu 2 vấn đề là “quy định chi tiết” và “biện pháp thi hành” các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh chỉ nêu là quy định chi tiết, không quy định các biện pháp thi hành.
Mặt khác, trên thực tế Nghị quyết số 188/2025/QH15 không có quy định nào giao Chính phủ quy định chi tiết (chỉ giao cho chính quyền địa phương Hà Nội và TP. Hồ Chí Mính quy định chi tiết một số nội dung). Nhưng nội dung quy định tại Điều 1 dự thảo Nghị định cho thấy Chính phủ quy định chi tiết cả Nghị quyết này.
“Theo tôi, để bảo đảm tính minh bạch, nếu giữ nguyên tên của dự thảo Nghị định thì Điều 1 dự thảo Nghị định nên thiết kế thành 2 khoản: Khoản 1, Quy định chi tiết khoản 19 Điều 3 Nghị quyết số 172/2024/QH15 và khoản 18 Điều 3 Nghị quyết số 187/2025/NQ15 của Quốc hội về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc - nam và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt lào cai - hà nội - hải phòng; Khoản 2, Quy định một số biện pháp thi hành 3 Nghị quyết của Quốc hội” - ông Thọ nêu quản điểm trong văn bản góp ý gửi đến Toạ đàm.
Theo ông Nguyễn Phước Thọ, nội dung của dự thảo Nghị định (cả quy định chi tiết và quy định biện pháp thi hành) chưa thể hiện tối đa, mạnh mẽ, rõ nét tính chất đặc thù, đặc biệt về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách được áp dụng riêng đối với 2 dự án mà Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể. Cơ chế đặc thù, đặc biệt mà Quốc hội cho phép thực hiện là cơ chế cho phép bứt phá, vượt ra khỏi khuôn khổ thể chế hiện hành để thực hiện dự án có chất lượng và hiệu quả nhất, vượt qua những vướng mắc, bất cập của cơ chế hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra đối với 2 dự án quan trọng này.

Góp ý trực tiếp tại Toạ đàm, TS. Phạm Văn Khánh - Trưởng ban Kinh tế Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng Bộ Xây dựng cho rằng, liên quan đến nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn trong thiết kế FEED, TS. Phạm Văn Khánh đề nghị cần bổ cung quy định: “Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn nước ngoài phù hợp, có thể áp dụng tiêu chuẩn của nhà sản xuất và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án”.
Về quy định nhiệm vụ khảo sát, phương án kỹ thuật khảo sát cần sửa đổi theo hưởng: Nhiệm vụ khảo sát xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu, mức độ chi tiết theo từng giai đoạn của thiết kế FEED quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Nghị định này. Phạm vi, nội dung khảo sát lập cho giai đoạn thiết kế FEED cơ bản là khảo sát phục vụ lập Thiết kế cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xây dựng, khảo sát lập cho giai đoạn thiết kế FEED tổng thể là khảo sát lập cho bước thiết kế kỹ thuật theo quy định tại Điều 80 Luật Xây dựng 2014.
Tại Điều 14 quy định về thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, TS Khánh đề nghị cần xem xét lại sự phù hợp của đề xuất thẩm tra đồng thời với lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong khi toàn bộ nội dung của Báo cáo chưa đầy đủ, hoàn thiện. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cần bổ sung quy định nhà thầu EPC có trách nhiệm lập thiết kế tổ chức thi công, biện pháp thi công tổng thể cho toàn dự án trình chủ đầu tư chấp thuận trước khi triển khai thi công.
Tại toạ đàm TS. Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt có nội hàm lớn quy định các vấn đề của đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam; Đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM và Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. TS. Trần Bá Việt cho rằng, nên tách thành từ nghị định cho từng tuyến đường sắt, trước hết là tập trung vào Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong khi đó theo ông Nguyễn Cao Lục - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho rằng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp vì thế Tổng hội không cần ngần ngại đưa mọi ý kiến đề xuất, kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước với tinh thần xây dựng, còn việc lắng nghe, tiếp thu ra sao là quyền cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng nhận định: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về thiết kế kỹ thuật tổng thể, cơ chế đặc thù, đặc biệt thực hiện các dự án đường sắt có nhiều vấn đề mới liên quan đến yếu tố kĩ thuật, kinh tế xây dựng. Nghị định lại được xây dựng trong khoảng thời gian ngắn vì thế đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, nhà chính sách góp ý sửa đổi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thay mặt lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, diễn giả, đồng thời, TS. Đặng Việt Dũng cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục góp ý bằng văn bản để Tổng hội tập hợp gửi Cục Kinh tế - Quản lý Đầu tư Xây dựng nhằm giúp Nghị định sớm đi vào thựctiễn với hiệu quả cao, đảm bảo đúng định hướng “đột phá hạ tầng – bứt phá công nghệ –tăng tốc phát triển”.
PV