Thúc đẩy tiến trình chấm dứt nuôi nhốt gấu lấy mật tại Hà Nội
Trong những năm gần đây, việc giải cứu và đưa các cá thể gấu về trung tâm cứu hộ đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã.
Do bị thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật đã dẫn tới số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Hiện nay loài gấu, đặc biệt là gấu ngựa và gấu chó đang bị nuôi nhốt để khai thác mật tại các cơ sở tư nhân hoặc làm cảnh trong điều kiện tồi tàn.
Trên mạng xã hội, khi tra cụm từ “mật gấu”, có thể dễ dàng tìm kiếm được hàng chục fanpage, bài đăng liên quan đăng bán các sản phẩm từ gấu. Mỗi một túi mật được bán ra thị trường là mỗi lần gấu bị tổn thương. Đây là những hành động tàn nhẫn, và không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Đến nay, đã có nhiều bản án nghiêm khắc cho những hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã nói chung và loài gấu nói riêng. Đây có thể nói là những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bắt giữ, khởi tố những nhóm đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán mật gấu và các sản phẩm từ gấu. Qua đó, cũng là hình thức răn đe, giáo dục để phòng và chống các tội phạm dạng này.

Trong môi trường tự nhiên, loài gấu có thể sống được 30-35 năm, việc giải cứu gấu không chỉ tránh cho gấu không bị lấy mật mà còn giúp gấu có thể được sống sống trong an toàn và tự do những năm tháng cuối đời. Những nỗ lực giải cứu và phục hồi những cá thể gấu này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo, mà còn giúp chấm dứt hoàn toàn hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật, từ đó giúp bảo vệ quần thể gấu còn lại trong tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Trao đổi với đại diện Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trên địa bàn còn 107 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 19 cơ sở. Các cá thể này nằm rải giáp ở các địa bàn như huyện Mê Linh và huyện Phúc Thọ, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Phúc Thọ với 76 cá thể với 16 cơ sở.
Đại diện Chi cục Kiểm Lâm Hà Nội cũng cho biết. Những năm vừa qua, Chi cục luôn phối hợp với các đơn vị vận động các hộ dân đưa gấu về tự nhiên. Chi cục đã vận động được các cơ sở nuôi nhốt thả 44 cá thể về tự nhiên.
“Lần gần nhất là tháng 4/2025, chi cục đã vận động giao 3 cá thể gấu của 2 hộ dân trên địa bàn huyện Phúc Thọ về vườn Quốc gia Bạch Mã. Hằng năm, Hạt kiểm lâm tại các địa bàn đều tới các cơ sở, vận động ký cam kết không trích, hút mật gấu. Nếu như người dân vi phạm sẽ phải giao các cá thể gấu ấy cho Nhà nước. Năm 2024, Chi cục cũng đã xây dựng kế hoạch về tuyên truyền, bảo vệ gấu, kế hoạch ấy đang được thực hiện trong năm 2025”, vị đại diện chi cục thông tin thêm.
Theo thống kê, tính đến đầu năm 2015, có khoảng 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước. Đến cuối năm 2023, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn khoảng 200 cá thể, giảm hơn 95% so với thời điểm 2015. Hoạt động nuôi nhốt gấu đang dần đi đến hồi kết. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, nuôi nhốt gấu trái phép, trích hút, quảng cáo, buôn bán mật gấu và các sản phẩm khác từ gấu vẫn đang diễn ra trong âm thầm.
Trong 20 năm qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đồng hành cùng với các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn thực hiện nhiều chương trình vận động để thúc đẩy nhanh tiến trình chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Trong năm 2025, ENV đang tập trung triển khai nhiều hoạt động tập trung tại địa bàn xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội - điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu ở Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV cho biết thêm: “Đã có 46/63 tỉnh thành không còn gấu nuôi nhốt. Cộng đồng đang kỳ vọng vào một Hà Nội không còn gấu nuôi nhốt trong tương lai gần. Chúng tôi tin rằng hơn lúc nào hết, giờ là thời điểm để Hà Nội hành động quyết liệt. Các tỉnh thành khác đã làm được, và tôi tin Hà Nội với nguồn lực, vị thế, và sự đồng thuận đang ngày càng lớn, hoàn toàn có thể chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu. Giải pháp tiên quyết là chính quyền thành phố cần thể hiện rõ cam kết thúc đẩy tiến trình chấm dứt nuôi nhốt gấu qua việc ấn định thời hạn thực hiện mục tiêu này. Đừng để Hà Nội bị tụt lại phía sau trong nỗ lực chung của cả nước để đạt được mục tiêu chấm dứt hoạt đông nuôi nhốt gấu được Chính phủ cam kết từ năm 2005.”

Ngoài việc hưởng ứng bảo vệ loài gấu, hay khuyến khích vận động chủ gấu chuyển giao gấu về trung tâm cứu hộ, thì việc nói không với các sản phẩm từ gấu cũng là một cách để người dân có thể bảo vệ gấu trước những nguy cơ bị nuôi nhốt lấy mật và các sản phẩm từ gấu. Cộng đồng có thể thông báo tới cơ quan chức năng địa phương hoặc ENV qua đường dây nóng 1800-1522 ngay khi phát hiện các vi phạm liên quan tới gấu như mua bán, nuôi nhốt gấu không có nguồn gốc hợp pháp; quảng cáo, trích hút và buôn bán mật gấu; giết, mổ, tiêu thụ các sản phẩm từ gấu.
PV