Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh
Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) sẽ tổ chức Hội thảo “Ứng dụng và phát triển công nghệ Hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh.
Hội thảo diễn ra vào ngày 7/3/2023 tại TP Đà Nẵng, với sự tham gia của đại diện các Sở Công thương, Sở KH&CN các chuyên gia, giảng viên Trường Đại học và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng, dầu khí, điện tái tạo,… Dự kiến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam – Đỗ Thắng Hải sẽ dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
Thông qua việc đánh giá tổng thể việc sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng hydro xanh ở Việt Nam; các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và chuyên gia… Hội thảo kỳ vọng sẽ có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, giúp cho quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả, từ đó hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydro xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.
Hydrogen xanh được sản xuất từ quá trình điện phân nước (H20) sử dụng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu trung hòa carbon Net Zero mà thế giới đang theo đuổi theo đúng những cam kết trong COP 26.
Ông Võ Thanh Tùng - chuyên gia dự án, chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ cho biết, hiện công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, điều đó mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh phát triển.
Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược phát triển nghành hydrogen xanh, đưa ra những mục tiêu cụ thể trong trung, dài hạn và tham vọng nhằm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt một số quốc gia như như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, và các nước EU còn có kế hoạch nhập khẩu hydrogen từ các nước láng giềng và trong khu vực.
Ngoài ra một yếu tố địa chính trị quan trọng đang diễn ra tại Ukraina cũng đã thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển do hydrogen xanh có khả năng lưu trữ năng lượng sạch trong thời gian dài, giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Nó cũng được coi là yếu tố rất quan trọng hiện nay tại Châu Âu.
“Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào về điện mặt trời và điện gió trên bờ hay điện gió ngoài khơi, nên được đánh giá có tiềm năng rất lớn để sản xuất hydrogen xanh phục vụ các ngà̀nh công nghiệp trong nước cũng như có tiềm năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế đóng góp vào việc giảm phát thải nhà kính và thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen xanh phát triển trong tương lai”, ông Tùng khẳng định.
Việt Nam cũng được đánh giá là có nhiều khu vực có thể xuất hiện hydro tự nhiên, đó là các khu vực có nhiều hoạt động núi lửa, các bể trầm tích liên quan đến thành tạo than, các thành tạo móng granite…
Hydro trong tự nhiên ở Việt Nam được cho là sẽ có ở bể Phú Khánh, nơi quan sát có nhiều hoạt động núi lửa, thậm chí khối mantle nhô cao, gần đới tách giãn biển Đông.
Bể Cửu Long, nơi có các thành tạo móng granite, cũng có thể có liên quan đến các phản ứng giải phóng Hydro ở dưới sâu. Bể trầm tích liên quan đến thành tạo than ở một số khu vực cũng có khả năng hấp thụ khí hydro.
Ngoài ra, qua quan sát một số khu vực như Ninh Thuận, Vĩnh Hy, Cổ Định Thanh Hóa và mốt số khu vực miền Trung cho thấy có thể khai thác hydro tự nhiên.
Theo ông Võ Thanh Tùng, Việt Nam cần tiến hành tham khảo, học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển như Đức, Nhật Bản là những nước đã có chiến lược và công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nghành công nghiệp hydrogen xanh.
Việt Nam cần bắt tay vào thử nghiệm tiến tới làm chủ việc phát điện sử dụng hydrogen xanh và ammonia ở tỷ lệ phối trộn thích hợp cũng như xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng hydrogen xanh phù hợp, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế.
“Bên cạnh thách thức về công nghệ, kỹ thuật, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà sản xuất điện sẵn sàng chuyển sang sử dụng hydrogen xanh và các dẫn suất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp. Việc tạo ra một thị trường hydrogen xanh phát triển bền vững là một yếu tố quan trọng mà Nhà nước cần tính đến để thu hút các nhà sản xuất hydrogen xanh tham gia đầu tư phát triển”, ông Tùng chia sẻ.
Ngọc Minh