Chủ nhật, 13/04/2025 05:37 (GMT+7)
Thứ tư, 09/04/2025 11:33 (GMT+7)

Đột phá theo Nghị quyết 57: Nền kinh tế tri thức sẽ trở thành mục tiêu quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Phó Chủ tịch Liên hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam Lương Hoàng Hưng cho rằng: Với Nghị quyết 57, nền kinh tế tri thức sẽ trở thành mục tiêu quốc gia.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số phát triển ngày càng mạnh mẽ, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW Nghị quyết ra đời như một bước đi chiến lược nhằm khẳng định vai trò then chốt của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm rõ hơn về những đột phá nổi bật của Nghị quyết 57, cùng với những thách thức trong quá trình thực hiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Hoàng Hưng - Phó Chủ tịch Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Nền kinh tế tri thức sẽ trở thành mục tiêu quốc gia - Ảnh 1
Ông Lương Hoàng Hưng, Phó Chủ tịch Liên hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam.

Nghị quyết 57 được xem là “cánh cửa” rộng hơn để phát triển nền kinh tế tri thức, vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về những đột phá mới của Nghị quyết này?

Trước hết phải nói, Nhà nước vẫn quan tâm đến việc phát triển khoa học công nghệ bằng nhiều quy định, chính sách đặc thù khác nhau. Điển hình như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên sau nhiều năm, các chủ trương, chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế, khoa học công nghệ nước ta còn chậm phát triển, trong khi đó tăng trưởng kinh tế gần như phụ thuộc vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng và bất động sản là chủ yếu.

Chính vì vậy, Nghị quyết 57 ra đời với quan điểm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó có những đột phá mới rất quan trọng như xác định phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số bằng việc bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm.

Nghị quyết cũng quy định ngân sách được dùng để chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ. Hiện nay, ngân sách chi cho khoa học công nghệ chỉ được cấp khi đã được phê duyệt trước đó, thường là từ năm trước. Chính vì vậy, nếu năm nay các nhà khoa học được giao nhiệm vụ khoa học công nghệ thì phải “xếp hàng” chờ tới sang năm mới được cấp kinh phí.

Đặc biệt, Nghị quyết 57 đã chấp nhận rủi ro đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ được Nhà nước tài trợ khi quy định “có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Như vậy, có thể khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm mà không sợ bị quy kết là gây thất thoát ngân sách khi nhiệm vụ không thành công.

Từ những bước đột phá mới đó, chúng ta cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể là đến năm 2045, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Như vậy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ trở thành “kiềng ba chân” của nền kinh tế?

Sắp tới Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 sẽ được sửa đổi tên thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trước đây, khái niệm đổi mới sáng tạo đã được định nghĩa trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và nhiều Nghị định, thông tư khác.

Tuy nhiên, các thành tố liên quan như các quỹ đầu tư tài chính, các cơ quan Nhà nước, tổ chức trung gian, các tổ chức về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, cũng như các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đổi mới sáng tạo - vẫn chưa được quy định rõ ràng. Cho nên có thể nói, đây là lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đặt ngang hàng với khoa học công nghệ, làm nổi bật khía cạnh “ứng dụng” của khoa học công nghệ.

Trước đây chúng ta có thói quen cứ nghiên cứu khoa học rồi mới phát triển công nghệ, sau mới ứng dụng vào thực tiễn. Trong ngữ cảnh hiện nay thì khác, khi thế giới đang hình thành phong trào đổi mới sáng tạo thì chuyển đổi số cũng thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, mà muốn đổi mới sáng tạo thì phải lao vào nghiên cứu khoa học.

Điển hình, hiện Việt Nam đang áp dụng chuyển đổi số trong hệ thống hành chính công. Tất cả các loại giấy tờ hay thủ tục hành chính đều được đưa lên hệ thống hồ sơ điện tử, chỉ cần mở ứng dụng là chúng ta có thể thực hiện từ việc nộp thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký thường trú,… Muốn làm được thì đặt ra nhu cầu phải phát triển công nghệ. Chuyển đổi số giờ đây chính là mảnh đất tốt để phát triển nhanh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp, nhà nước muốn đổi mới sáng tạo thì phải tìm đến gặp giới khoa học.

Khi lấy kinh tế tri thức làm trọng tâm thì vai trò của nhà khoa học rất quan trọng, nhưng để giữ chân được nhân tài thì không dễ?

Thu hút nhân tài, trọng dụng các nhà khoa học không phải là vấn đề mới, mà nhiều năm nay Đảng và Nhà nước vẫn luôn có các chính sách đặc thù để giữ chân nhân tài. Nhưng vẫn phải nói chúng ta có quá nhiều rào cản, quy định này vướng mắc vào quy định khác nên về thực tế vẫn để tình trạng “chảy máu chất xám”.

Để nhà khoa học thật sự là nhân tố then chốt phát triển kinh tế tri thức, Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng, các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ tốt và khả thi hơn. Cụ thể như có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất.

Nhà nước cũng ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các "tổng công trình sư" trong và ngoài nước.

Theo ông, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thế nào thưa ông?

Tất cả các ngành nghề đều sẽ được hưởng lợi từ Nghị quyết 57, đặc biệt là những doanh nghiệp tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, công nghệ Blockchain úng dụng trong công nghệ tài chính (Fintech) đang dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của Blockchain trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy những năm qua, hệ sinh thái Blockchain và doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đang từng bước hình thành và phát triển.

Nhưng nước ta vốn là quốc gia nông nghiệp, xuất phát điểm từ kinh tế nông thôn. Vậy nên dù phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tài chính thì cần hiện đại hóa nông nghiệp, để nông nghiệp luôn là “hậu phương” vững chắc cho nền kinh tế. Để phát triển nông nghiệp bền vững, thì không chỉ hô hào ứng dụng công nghệ cao mà nên bắt đầu bằng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua công nghệ Blockchain. Từ đó, người nông dân tiến dần đến nền “nông nghiệp số”, gia tăng từ sản lượng đến chất lượng nhờ ứng dụng công nghệ.

Chúng ta thường nghe về việc nông sản của Việt Nam bị trả về từ các thị trường khó tính như Nhật Bản hay EU vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, điều này bắt nguồn từ việc không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản. Chỉ khi ứng dụng Blockchain, những hồ sơ truy xuất nguồn gốc như vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, hệ thống phân phối, chứng nhận hữu cơ,… không bị chỉnh sửa, không bị giả mạo, các nhà quản lý và doanh nghiệp hoàn toàn có thể xác định được những thực phẩm ô nhiễm đến từ đâu và loại bỏ nó ra khỏi thị trường ngay lập tức.

Hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đang ứng dụng Blockchain để cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giảm gian lận. Từ đó tạo dựng niềm tin với khách hàng, mở rộng cánh cửa xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Như vậy phát triển khoa học nghệ có phải sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ta hiện nay?

Phải nói rõ, không một tập đoàn lớn nào trên thế giới hiện nay không bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp. Đổi mới sáng tạo không chỉ đơn thuần là việc thay thế cái cũ bằng cái mới, mà còn là khởi nghiệp sáng tạo, một quá trình đòi hỏi tầm nhìn, sự đột phá và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề lớn. Đây chính là nền tảng đã tạo nên những gã khổng lồ toàn cầu và Việt Nam cần nhìn nhận lại khái niệm này để thúc đẩy sự phát triển của các startup.

Hiện nay, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam thường được hiểu là những doanh nghiệp mới ra đời và phát triển nhanh về quy mô, nhưng lại thiếu đi yếu tố đột phá mang tính cách mạng. Trong khi đó, ở Mỹ, các công ty như Google Apple, Facebook, Amazon (gọi chung là GAFA), Tesla,… – những doanh nghiệp đạt giá trị hàng nghìn tỷ USD – đều xuất phát từ ý tưởng đổi mới sáng tạo. Tesla đã tái định hình ngành công nghiệp ô tô bằng xe điện và công nghệ tự lái, Amazon thay đổi cách con người mua sắm qua thương mại điện tử, còn Google cách mạng hóa truy cập thông tin bằng công cụ tìm kiếm.

Điểm chung của họ là sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và tầm nhìn vượt khỏi giới hạn truyền thống, điều mà các startup Việt Nam vẫn còn thiếu.

Bản chất của người Việt vốn dĩ rất thích khởi nghiệp, từ những gánh hàng rong đến các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Nếu biết tận dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các startup Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng vươn xa.

Ví dụ như Blockchain đang trở thành một công nghệ quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn trong quản lý chuỗi cung ứng, y tế và giáo dục. Việc ứng dụng Blockchain có thể giúp các startup tạo ra những mô hình kinh doanh mới, minh bạch và hiệu quả hơn, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Doanh nghiệp truyền thống, với tư duy bảo thủ và quy trình cũ kỹ, khó có thể sinh ra những “gã khổng lồ” trong thời đại mới. Chỉ khi thay đổi cách nhìn nhận về khởi nghiệp sáng tạo, kết hợp với công nghệ tiên tiến như Blockchain, Việt Nam mới có thể nuôi dưỡng các startup tỷ USD đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Đổi mới không chỉ là xu hướng, mà là con đường tất yếu để các doanh nghiệp nhỏ hôm nay trở thành những tập đoàn lớn ngày mai.

Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được ứng dụng thế nào?

Trong phát triển công nghệ, AI được xác định sẽ là một trong những công nghệ mũi nhọn và và đang ứng dụng dần phổ biến. Trước mắt, AI có thể ứng dụng trong việc xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thông minh, giám sát và phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định chính sách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, AI có tiềm năng hỗ trợ được hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội và kinh tế.

Trong các lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính số, logistics thông minh, AI sẽ giúp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc sử dụng AI trong phân tích dữ liệu lớn, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường, khách hàng và đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác hơn.

Để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, AI được ứng dụng trong lĩnh vực y tế để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, phát triển thuốc mới, quản lý hồ sơ bệnh nhân và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Trong lĩnh vực giáo dục, AI có thể được sử dụng để cá nhân hóa quá trình học tập, cung cấp các khóa học trực tuyến thông minh và hỗ trợ đánh giá năng lực học sinh.

Ngoài ra, AI có thể hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc phân tích dữ liệu, mô phỏng các hiện tượng phức tạp và phát triển các vật liệu, công nghệ mới. Việc ứng dụng AI trong nghiên cứu khoa học sẽ giúp rút ngắn thời gian và chi phí, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới. AI còn có thể được sử dụng để giám sát, dự báo và ứng phó với các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.

Mặc dù đã có những giải pháp, mục tiêu cụ thể nhưng chúng ta vẫn gặp thách thức, theo ông nó là gì?

Theo tôi thách thức đầu tiên là về hạ tầng kỹ thuật, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi vẫn còn khá lớn. Ở vùng nông thôn, miền núi thiếu các trung tâm dữ liệu, thiết bị số hóa và mạng internet chưa phủ sóng rộng rãi dẫn tới việc người dân khó tiếp cận các dịch vụ trực tuyến. Trong khi đó, ở thành phố dù hạ tầng có hiện đại nhưng chưa đồng bộ.

Thứ 2 là về nhân lực, chúng ta thường nói về nguồn chất lượng cao nhưng thực tế hiện nay năng lực công nghệ của người lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn lực lượng lao động chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng công nghệ thông tin, trong khi đó nhân lực trong các ngành chuyên sâu về công nghệ còn rất ít. Việc thu hút nhân tài từ nước ngoài còn gặp nhiều rào cản, do đó thời gian triển khai các kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ bị kéo dài.

Tiếp theo là giáo dục vẫn còn nặng tính hô hào, những khái niệm như giáo dục khởi nghiệp đa số chỉ là các hội nghị, hội thảo, ít được ứng dụng vào thực tiễn. Các chương trình đào tạo trong giáo dục phổ thông và đại học chưa cập nhật kịp thời với yêu cầu của chuyển đổi số.

Cuối cùng là về kinh phí cho nghiên cứu khoa học, mặc dù mục tiêu là đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, chuyển đổi số,… nhưng nhìn thực tế nhiều năm qua, chi ngân sách Nhà nước cho khoa học và công nghệ lại giảm dần. Mặc dù Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, trong đó doanh nghiệp Nhà nước buộc phải trích tối thiểu 3% thu nhập tính thuế để đầu tư cho R&D thông qua quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhưng do nhiều bất cập của cơ chế quản lý nên hầu hết doanh nghiệp không thực hiện quy định này.

Quá trình thực hiện chắc sẽ còn khó khăn thưa ông?

Đúng là các mục tiêu của Nghị quyết 57 đặt ra khá cao và thách thức, nhưng vẫn có tính khả thi. Vì chúng ta đã có quá trình dài triển khai các nghị quyết, chương trình chuyển đổi số quốc gia, tức là đã có bước đệm ban đầu thuận lợi.

Đặc biệt, lần đầu tiên Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chỉ trong quý 1/2025, Tổng Bí thư đã chủ trì hai cuộc họp của Ban chỉ đạo và đề nghị khẩn trương ngay trong quý 2/2025 hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực triển khai Nghị quyết số 57. Điều đó đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được đặt lên ưu tiên hàng đầu, khắc phục nhược điểm của các giai đoạn trước đây.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.

Ông Lương Hoàng Hưng là Phó Chủ tịch Liên hiệp khoa học Doanh Nhân Việt Nam đồng thời cũng đang giữ nhiều cương vị trong các tổ chức như:

Phó Chủ tịch Hội Sáng Chế Việt Nam

Cố vấn Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM

Thành viên Hội đồng trường Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM

Phó Chủ tịch Hội Trí Thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam

Tổng Biên tập Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo

Chủ tịch Viện Khởi Nghiệp Thực Tế

Đồng chủ tịch Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNGO

M.T

Bạn đang đọc bài viết Đột phá theo Nghị quyết 57: Nền kinh tế tri thức sẽ trở thành mục tiêu quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giỗ Tổ Hùng Vương và khát vọng hóa rồng
Từ huyền thoại con Rồng, cháu Tiên đến khát vọng vươn mình hùng cường, thịnh vượng - dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát khẳng định chính mình ở tầm vóc lớn hơn.
Cõi về, thật...!
Thời gian trôi đi, vẫn lạnh lùng trôi không đợi chờ ai, và tôi cùng bạn cũng trôi theo thời gian, chúng ta giờ đây không còn trẻ nữa như ngày ấy, ngày mới trở về cố hương tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển trên mảnh đất còn nhiều vùng trũng.

Tin mới