TP.HCM kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án PPP
Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội bổ sung quy định, hướng dẫn dùng vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư phần việc đã làm và triển khai tiếp khối lượng còn lại công trình sớm hoàn thành tại các dự án PPP.
10 dự án PPP chậm tiến độ
Các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021 đã chính thức đưa vào sử dụng bao gồm: Tuyến đường nối đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (hợp đồng BOT, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), đường D3 nối vào cảng Hiệp Phước (hợp đồng BT, xây dựng - chuyển giao), 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (hợp đồng BOO, xây dựng - sở hữu - kinh doanh), đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu (hợp đồng BOT), nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương giai đoạn 1 (hợp đồng BT) và cụm rạp chiếu phim tại Trung tâm văn hóa quận 12 (hợp đồng BT).
Trong báo cáo vừa qua, UBND TP.HCM cho biết, hiện còn sót lại 10 dự án PPP chưa hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 và phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, vào đầu tháng 5/2022, tình hình hoạt động công trường cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) rơi vào trạng thái im lìm, không một bóng người. Hàng rào tôn cao khoảng 2m khóa kín, phía trong cỏ dại um tùm phủ quanh các khối bê tông, ống thoát nước, sắt thép ngổn ngang...
Phần chính của cầu đã bắc ngang kênh Tham Lương - Bến Cát, nhiều đoạn bê tông xám xịt vì phơi nắng mưa lâu ngày. Hai bên, mỗi nhánh cầu thép rộng chừng 3 m xây tạm, mỗi lần ôtô đi qua lại rung bần bật.
Đối với dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý khởi công cách đây hơn 4 năm theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) làm nhà đầu tư. Cầu dài hơn 80m cùng đoạn đường dẫn 225m được xây nhằm thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Công trình ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 312 tỉ đồng, sau nâng lên 668 tỉ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí hoàn vốn.
Cuối năm 2018 - thời điểm công trình dự tính hoàn thành, nhưng mới đạt 70% khối lượng rồi ngưng trệ. Ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm trễ, Kiểm toán Nhà nước kết luận dự án triển khai theo hình thức BOT không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội. Nghị quyết này chỉ cho phép hình thức BOT đầu tư tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án nâng cấp, tuyến đường độc đạo hiện hữu. Cơ quan kiểm toán đề nghị TP.HCM kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo công bằng cho người dân trả phí.
Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc để dự án triển khai trở lại đang bị bế tắc. Thành phố chưa có tiền lệ cho việc chuyển dự án từ hình thức PPP sang đầu tư công và dừng hợp đồng BOT trước thời hạn nhưng lại chưa được hướng dẫn cụ thể. Hiện, công trình bị "trùm mền" ngoài gây lãng phí còn ảnh hưởng đi lại, ô nhiễm, bởi nhiều điểm xung quanh bị tận dụng để tập kết rác.
Tương tự, tại dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn hai), hợp đồng BOT giữa TP.HCM và Tổng công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) ký năm 2018, tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng. Do làm trên đường hiện hữu nên dự án cũng phải dừng, chờ chuyển hình thức đầu tư. Công trình gồm hạng mục nâng cấp một số đường quanh bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), mở rộng cầu Ông Dầu ở quốc lộ 13 (TP Thủ Đức)... Trong đó, CII đã hoàn thành nhánh cầu Ông Dầu và chi một phần đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm. Doanh nghiệp này đã có thời gian làm việc các sở ngành của thành phố nhưng giải quyết chưa xong.
Không chỉ các công trình BOT, nhiều dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đang làm dở dang ở thành phố cũng vướng mắc khi phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án để phù hợp thực tế hoặc thực hiện theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Bao gồm: đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ khu Cổ đại thuộc Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (Q.9), đường nối Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu đường Bình Triệu 2…
Điển hình là một trong các đoạn thuộc Vành đai 2, dự án đường nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng đang ngưng trệ sau 5 năm khởi công.
Theo thông tin, dự án này được triển khai từ cuối năm 2017, nhưng đến tháng 3/2020 phải tạm dừng khi đạt gần 44% khối lượng. Cuối năm 2021, lãi phát sinh tại dự án được tính toán hơn 230 tỷ đồng sau thời gian tạm dừng, thành phố sẽ phải chi trả.
Nguyên nhân do đâu?
Lý giải cho việc các dự án kéo dài hoặc phải tạm dừng, hủy bỏ, UBND TP.HCM nêu 3 nguyên nhân chính gồm: Bàn giao mặt bằng chậm, thủ tục hành chính phức tạp và chậm giải ngân nguồn vốn vay tái cấp vốn. Đáng chú ý, trước khi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành, việc triển khai một dự án được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật liên quan (khoảng 15 luật, nghị định và 28 thông tư liên quan). Các quy định về PPP cũng chưa nhất quán, đôi khi chưa rõ ràng, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết, Thành phố đã giao sở ngành liên quan đàm phán với nhà đầu tư hai dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý và cầu đường Bình Triệu để chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, ngoài các thủ tục chưa được hướng dẫn cụ thể, quá trình giải quyết cũng tốn nhiều thời gian, bởi cần xác định rõ chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra trong dự án trước khi tiến hành các thủ tục thanh, quyết toán.
"Việc này đang được thành phố dự tính hoàn tất trong năm nay để khởi động lại các dự án", ông Phúc nói.
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án sẽ được quyết định các vấn đề liên quan, bao gồm cả việc dừng hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, trình tự thủ tục, cùng các bước thực hiện chưa được hướng dẫn chi tiết, do vậy thành phố vẫn phải chờ.
Để giải quyết cho vấn đề này, UBND TP.HCM đã kiến nghị, yêu cầu đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc tồn đọng. Đối với các dự án PPP trọng điểm đang chuẩn bị đầu tư, HĐND Thành phố đã thông qua nguồn vốn để thực hiện nghiên cứu tiền khả thi, lên kế hoạch kêu gọi đầu tư... Trong đó, các dự án sẽ được thành phố ưu tiên như cầu Thủ Thiêm 4, Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái, Bình Tiên...
Riêng các dự án BT đang triển khai dang dở, thành phố đã lập tổ công tác riêng để cập nhật tình hình hàng tuần, từ đó tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Ngoài ra, các cấp lãnh đạo sẽ bổ sung thêm nhiều quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp phép dùng vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư phần việc đã làm và triển khai tiếp khối lượng còn lại công trình sớm hoàn thành.
Huỳnh Huỳnh