Thứ sáu, 18/07/2025 12:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/06/2025 10:53 (GMT+7)

Chính thức thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Theo dõi KTMT trên

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua sáng 27/6, bổ sung nhiều quy định mới về an toàn hạt nhân, xử lý chất thải và cơ chế cho điện hạt nhân.

Tại phiên họp sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sau quá trình rà soát, tiếp thu và chỉnh lý kỹ lưỡng. Dự luật bao gồm 8 chương, 73 điều, làm rõ các đặc thù của lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong bối cảnh Việt Nam đang định hướng mở rộng ứng dụng công nghệ hạt nhân.

Chính thức thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) - Ảnh 1
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý. Một trong những điểm đáng chú ý là các nội dung chính sách về đào tạo nhân lực, chế độ đãi ngộ và xã hội hóa nguồn lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử được quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật.

Luật sửa đổi cũng thiết lập khung pháp lý rõ ràng về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân, trong đó có việc thành lập cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, Chương III của Luật quy định riêng về công tác an toàn, xử lý và lưu giữ chất thải phóng xạ, trong đó yêu cầu các địa điểm xử lý, chôn cất chất thải phải được xác định trong hệ thống quy hoạch từ cấp quốc gia tới địa phương, gắn với quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử và môi trường.

Về nhà máy điện hạt nhân, Luật đã được chỉnh sửa theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, làm rõ trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời dự án – từ đầu tư, xây dựng, vận hành đến chấm dứt hoạt động. Đồng thời, quy định cụ thể việc giám sát an toàn và bảo đảm an ninh xuyên suốt quá trình khai thác.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chuyển tiếp đối với các dự án điện hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu đã được phê duyệt trước thời điểm Luật có hiệu lực, giao Chính phủ ban hành các văn bản kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ triển khai đúng tiến độ.

Việc Quốc hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) là bước đi quan trọng để hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới phát triển an toàn và bền vững lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Luật mới không chỉ củng cố nền tảng pháp lý để đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân trong thời gian tới, góp phần vào mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

BN

Bạn đang đọc bài viết Chính thức thông qua Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0937 68 8419 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Đào tạo kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Sinh thái và Môi trường (EEI) cùng Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo về kinh tế tuần hoàn và sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Định vị trụ cột công nghiệp mới cho Khánh Hòa
Chiến lược thu hút FDI của Khánh Hòa cần được chuyển đổi từ tư duy thụ động sang chủ động, không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận dòng vốn, mà cần xác định rõ đối tác theo từng ngành, từng quốc gia.

Tin mới