Thứ sáu, 22/11/2024 23:58 (GMT+7)
Thứ năm, 12/11/2020 08:50 (GMT+7)

Các chuyên gia hiến kế để đầu tư PPP hiệu quả

Theo dõi KTMT trên

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tiễn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, khiếm khuyết cần giải quyết.

Lâu nay, khi triển khai các dự án, thông thường, chỉ cơ quan nhà nước mới được quyền yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, chất lượng,… Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng, sẽ bị xử lý vì vi phạm hợp đồng, nhưng ngược lại, khi cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết, ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì lại chưa có chế tài xử lý.

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, hiện nay, việc phát triển hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho hạ tầng quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. 

Các chuyên gia hiến kế để đầu tư PPP hiệu quả - Ảnh 1
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trong 5 năm tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung một số dự án đường cao tốc trọng điểm như hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, khi hoàn thành sẽ liên kết được với nhiều cảng biển. Bên cạnh đó, ở khu vực phía bắc, sẽ nghiên cứu lại hệ thống đường cao tốc kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng để tạo hệ thống cao tốc thông suốt với cảng Lạch Huyện.

Tuy nhiên, trong vòng năm năm trở lại đây, đã không có dự án PPP giao thông mới nào dưới dạng hợp đồng BOT hoặc BT được triển khai. Đây là khoảng thời gian đủ dài để đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng đóng băng thị trường PPP giao thông.

Tại cuộc trao đổi thông tin về các dự án giao thông đường bộ Việt Nam đầu tư theo hình thức PPP do VCCI phối hợp Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) mới đây, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu ba vấn đề cần phải tháo gỡ: Bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư; thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư chưa sòng phẳng.

Theo PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu, đầu tư theo phương thức PPP đã thể hiện được vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Có trường hợp, phần vốn tham gia của Nhà nước chưa thực hiện theo cam kết, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT cũng không được điều chỉnh theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án. Việc chưa điều chỉnh mức phí theo lộ trình, chưa bố trí đủ vốn hỗ trợ của Nhà nước thuộc trách nhiệm của phía cơ quan Nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký.

TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị: Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, hạn chế cũ của các dự án đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, phù hợp thực tiễn. Đó là việc phải xử lý dứt điểm khiếm khuyết của các dự án PPP đã triển khai, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của cơ quan Nhà nước, bảo đảm các quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư nhằm tránh các hệ lụy và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án mới.

Xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã/đang thực hiện để xử lý các vướng mắc cho dự án đang bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách pháp luật hoặc cơ quan Nhà nước không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng.

Không những vậy, những năm gần đây, các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi như quy định về thuế; về giá/phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.

Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa làm rõ phạm vi cơ chế, cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, kể cả các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai khi Luật PPP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021.

Dựa trên phân tích các yếu tố thực tiễn với nhiều khó khăn vướng mắc, cho thấy cơ hội để các nhà đầu tư tiếp cận được các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là rất thấp. Chỉ khi nào, cơ chế của phương thức đối tác PPP là các bên cùng có lợi, cùng phát triển, tạo dựng được niềm tin, thì mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng làm PPP. Đây cũng là điều mà cộng đồng các nhà đầu tư rất mong đợi khi những điều khoản trong Luật PPP vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới.

Tham gia ý kiến về vấn đề này, PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng: Chúng ta không bàn đến lợi ích kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp hay ngân hàng với doanh nghiệp, phải đứng trên tinh thần vì lợi ích chung để xử lý. Nếu ứng xử với nhà đầu tư PPP như hiện nay thì rất khó khơi thông ách tắc, giải quyết triệt để các vấn đề. Ông cho rằng đây không chỉ đơn thuần tháo gỡ bất cập mà còn là câu chuyện thay đổi cách tiếp cận để xử lý vướng mắc về cơ chế.

Ông cũng rất mừng khi dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Nhà nước đã quyết định để cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Điều đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên bằng những dự án có quy mô lớn. Nhưng tạo cơ hội mà không tạo điều kiện thì khả năng rất cao doanh nghiệp Việt Nam cũng không làm được, đã tạo cơ hội thì phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp mới được.

Minh Trang

Bạn đang đọc bài viết Các chuyên gia hiến kế để đầu tư PPP hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới