Thứ tư, 24/04/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 06:00 (GMT+7)

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của điện gió ngoài khơi

Theo dõi KTMT trên

Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, những năm gần đây, làn sóng đầu tư các dự án điện gió đã thực sự bùng nổ với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió

Chia sẻ tại toạ đàm "Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới", ngày 8/12, về tiềm năng phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn, với tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377GW, trong đó điện gió trên bờ khoảng 217GW, và 160GW điện gió ngoài khơi.

Cũng theo ông Vy, trọng tâm chuyển đổi phát triển năng lượng giai đoạn 2030-2050 của Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển điện sạch, kết hợp với công nghệ số giúp tận dụng tối đa năng lượng tái tạo với chi phí thấp ngày càng tăng. Đồng thời, gia tăng nhanh việc sử dụng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió là giải pháp tối ưu.

Hiện tại cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW, đã có hồ sơ đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD).

Tuy nhiên, tính đến ngày 1/11/2021 mới chỉ có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.298 MW được công nhận COD. 37 nhà máy điện gió còn lại trong danh sách chưa được công nhận COD đến thời điểm đó, hiện vẫn tiếp tục tiến trình hoàn thiện xây dựng, lắp đặt và tiến tới được thẩm định để đóng điện, hòa lưới điện.

Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của điện gió ngoài khơi - Ảnh 1
Thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) nhận định điện gió đang trên đà phát triển ở Việt Nam, với chi phí thấp và nguồn tài nguyên dồi dào. Tiến độ triển khai các dự án điện gió tiềm năng sẽ đáp ứng được các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh cho năm 2020 và 2025.

Trước đó, tại công văn số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung thêm 7.000 MW từ các dự án điện gió mới vào quy hoạch tổng thể ngành điện của Việt Nam trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Bộ Công Thương tại các công văn số 1931/BCT-ĐL ngày 19/03/2020 và số 3299/BCT-ĐL ngày 08/05/2020 về việc xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió.

Điều này cho thấy Chính phủ cũng nhìn nhận điện gió sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới và thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển và tương lai là xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và vùng lân cận.

Chia sẻ thêm ở góc độ của nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Cường – chuyên gia cao cấp về năng lượng của tập đoàn T&T – cho biết, với nhu cầu điện của Việt Nam sẽ ngày càng tăng trong tương lai, đặc biệt, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 nhằm thực hiện Net Zero vào 2050 đã đặt ra bài toán cơ cấu nguồn điện của Việt Nam để thích ứng.

Và việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong đó ưu tiên phát triển điện gió là giải pháp quan trọng tạo công ăn việc làm mới, góp phần đa dạng nguồn cung, an ninh năng lượng, giảm phải khí nhà kính, và có vai trò thiết thực trong giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030 ở Việt Nam.

Ông Cường khẳng định, với công nghệ mang tính chuyển đổi, hệ số công suất cao (45-55%), tương đương Tmax nhiệt điện khí/than, sản lượng điện đầu ra ổn định theo thời gian- có thể chạy nền… điện gió ngoài khơi sẽ sớm hình thành một ngành công nghiệp công nghệ cao mới trong nước. Đây cũng là cơ hội hình thành, phát triển khu/ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo.

"Đặc biệt, với sự phát triển công nghệ, giảm giá thành cùng với xu thế chuyển dịch năng lượng, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ sớm phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Do đó, quy mô điện gió ngoài khơi đến 2030 cần đạt khoảng 10GW. Với quy mô này sẽ giúp định hình ngành công nghiệp phù trợ nội địa, giảm chi phí đầu tư" - ông Cường cho hay.

Nhiều điểm "nghẽn" còn tồn tại

Bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ, thì ông Nguyễn Văn Vy đánh giá ngành điện gió hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều nhiều “điểm nghẽn”.

Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng việc khai thác ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế.

Ngoài ra, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các dự án điện gió, do giãn cách xã hội đã hạn chế sự di chuyển và đi lại. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 diễn ra ở nhiều tỉnh thành khiến cho các dự án bị chậm tiến độ một cách đáng kể.

Trong khi đó, giá FIT chỉ áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11, điều này khiến các doanh nghiệp dù có “vắt chân lên cổ” cũng không kịp hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến cho các dự án gặp một số khó khăn như: Quá trình giải phóng mặt bằng bị đình trệ; khó khăn trong huy động nguồn nhân lực làm việc tại công trường dự án; chuỗi cung ứng bị gián đoạn do tình trạng khó khăn và tắc nghẽn trong quá trình nhập khẩu và vận chuyển trang thiết bị.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh gây ra, do thời gian đầu tư điện gió kéo dài nên đã gặp nhiều rủi ro về chính sách và thủ tục đầu tư. Đặc điểm của điện gió là chi phí dự án phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời của dự án tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đầu tư của điện gió.

Nhưng hiện nay, hợp đồng mua bán điện theo mẫu của Bộ Công Thương còn tồn đọng một số lỗ hổng, khiến các nhà đầu tư đứng trước nhiều rủi ro. Điều này cũng khiến các ngân hàng và định chế tài chính từ chối cho các nhà đầu tư tiếp cận vốn.

Ngoài ra còn tồn tại các khó khăn về quy hoạch biển, các địa phương và nhà đầu tư còn lên những phương án khai thác, sử dụng diện tích mặt biển chưa phù hợp. Do đây là dòng năng lượng mới, nên nhiều địa phương còn thiếu quy hoạch không gian biển và kinh nghiệm trong khai thác dòng năng lượng này. Từ đó, dẫn đến các khó khăn về thủ tục xin cấp phép sử dụng biển.

Cần có giải pháp toàn diện

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết hiện nay Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió. trong thời gian tới, theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực.

“Theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh của ngành", ông Khoa lý giải.

Cũng theo ông Khoa, việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này.

Để giảm thiểu các rủi ro về đầu tư điện gió, ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex cũng cho rằng cần cập nhật chính sách giá mua điện, đấu nối lưới điện quốc gia, chính sách thuê mặt biển, chính sách thuế cacbon của quốc gia một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Cùng với đó phải sớm có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Kế hoạch hành động quốc gia về lộ trình các bước phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần có Chương trình nghiên cứu khoa học về điện gió, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề cho người dân cũng như địa phương khai thác năng lượng mới hiệu quả.

Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển điện gió, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió.

Ngoài ra cần tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ nguồn điện tái tạo mới; đồng thời, tham khảo các quốc gia đã và đang làm tốt trong công cuộc khai thác điện gió trên thế giới để đưa ra những giải pháp kịp thời, linh động và có tính khả thi cao.

Theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh, tương đương 2.223 đồng và trên bờ là 8,5 cent/kWh, tương đương 1.927 đồng. Được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1.11.2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của điện gió ngoài khơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.