Hà Nội lên phương án xử lý các dự án đầu tư công chậm tiến độ
Sáng 8/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội đã thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.
Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội, theo nhiều đại biểu, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, nên công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được triển khai hiệu quả. Các doanh nghiệp, người dân dần thích nghi với tình hình dịch bệnh để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố cần tập trung tháo gỡ những điểm “nghẽn” về giải phóng mặt bằng, tập trung vào các dự án còn chậm tiến độ, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thí điểm tách hạng mục GPMB ra khỏi dự án đầu tư
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đàm Văn Huân (tổ đại biểu huyện Gia Lâm) cho rằng, thực hiện đầu tư công trên địa bàn thành phố còn hạn chế do giải phóng mặt bằng. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thử nghiệm tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng ra khỏi dự án đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ.
Lấy ví dụ về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng như Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, đại biểu Đàm Văn Huân đề nghị thành phố cần kiến nghị với Chính phủ để thực hiện thí điểm việc tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng với dự án đầu tư để tăng hiệu quả.
Cùng với đó, ông Huân nêu ý kiến thành phố cần công bố sớm giá vật liệu xây dựng, nếu chậm công bố giá vật liệu xây dựng trong tình hình lạm phát hiện nay cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (tổ đại biểu quận Cầu Giấy) cũng bày tỏ lo ngại đến việc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng. Ngoài đồng tình với các nguyên nhân trên, bà Thủy cho rằng còn cả nguyên nhân một số thủ tục hành chính còn bất cập, vì thế, thành phố cần có đánh giá về việc thích ứng linh hoạt trong công tác cải cách hành với tình hình dịch.
Cần thêm những chính sách, giải pháp đột phá
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ huyện Mê Linh) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đang mong đợi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, trong đó cần có thêm những chính sách, giải pháp mang tính đột phá hơn. Để phát triển Thủ đô bền vững, vấn đề quy hoạch chung cần phải đi trước một bước, nhưng thành phố chưa làm được. Vì thế, tại các vùng nông thôn, các khu đô thị, công nghiệp…, tình trạng ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép vẫn diễn ra. Để phát triển các khu đô thị thông minh theo mục tiêu, Hà Nội cần chú trọng quy hoạch đi trước một bước và có thể thuê các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
“Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nay, có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp từ 5 đến 10 năm chưa được giải quyết dứt điểm, liên quan đến cả những dự án đầu tư. Tôi cho rằng, chính quyền thành phố cần có giải pháp sớm giải quyết dứt điểm, để người dân tin tưởng vào các chính sách của thành phố”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh.
Trả lời kiến nghị của các đại biểu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2021, Chính phủ giao phân bổ, giao cho thành phố nguồn vốn sau điều chỉnh là 41.688,2 tỷ đồng. Cụ thể, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến ngày 26-11 là 21.329 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng chí Hà Minh Hải cho biết, trong báo cáo của UBND thành phố đã đề cập đến các nguyên nhân, hạn chế liên quan đến công tác cải cách hành chính và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm nội dung này trong báo cáo.
“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố sẽ ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thành phố cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách. Đặc biệt sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Hà Lan