Thứ tư, 02/04/2025 19:03 (GMT+7)
Thứ ba, 01/04/2025 09:59 (GMT+7)

Triển khai năng lượng tái tạo chậm khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu Netzero

Theo dõi KTMT trên

Theo Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Netzero) vào năm 2050 khó đạt bởi lộ trình này xây dựng dựa trên tiềm năng về năng lượng tái tạo, nhưng việc thực hiện đang quá chậm.

Vnexpress dẫn phát biểu của Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Phạm Văn Tấn tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam cho hay, Cục Biến đổi khí hậu đang rà soát và chuẩn bị xây dựng đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2035. Đây là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đã đề ra, lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu nhận định rằng Việt Nam có nguy cơ không đáp ứng được cam kết Netzero vào năm 2050.

Triển khai năng lượng tái tạo chậm khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu Netzero - Ảnh 1
Việc triển khai năng lượng tái tạo chậm khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu Netzero 2050.

Đánh giá sơ bộ này dựa trên 45% các biện pháp được đưa ra trong cam kết, chưa bao gồm giải pháp xây dựng điện hạt nhân (chưa được đề cập khi xây dựng NDC năm 2022).

Theo ông Tấn, Cục Biến đổi khí hậu sẽ hoàn thiện việc đánh giá các biện pháp còn lại trong hơn một tháng tới và trình báo kết quả với Thủ tướng.

Ông Tấn cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu Netzero gặp nhiều khó khăn vì lộ trình hiện nay chủ yếu dựa vào tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo, trong khi tiến độ thực hiện các giải pháp lại còn chậm.

Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Phó cục trưởng Biến đổi Khí hậu kỳ vọng rằng, nhờ có dự án điện hạt nhân cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có thể thực hiện lộ trình giảm phát thải một cách song song với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Các biện pháp được đề xuất bao gồm giảm sản lượng điện than và tăng gấp đôi công suất điện gió, điện mặt trời đạt từ 31-38 GW vào năm 2030, với tiềm năng được khai thác thông qua các cơ chế tài chính của Thỏa thuận Khí hậu Paris.

Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 84.360 MW, trong đó điện gió và mặt trời chiếm hơn 27%. Riêng với điện mặt trời, mặc dù công suất lắp đặt ước đạt khoảng 18.000 MW, nhưng do hạn chế về hạ tầng truyền tải nên chỉ khoảng 12.000 MW có thể kết nối vào lưới điện quốc gia.

Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và hướng tới mục tiêu Netzero, Quy hoạch Điện VIII đã điều chỉnh để tăng cường đáng kể công suất năng lượng tái tạo. Cụ thể, công suất điện gió trên bờ và gần bờ được dự kiến mở rộng lên 26.000-38.000 MW (tăng từ 4.100 đến 16.100 MW), trong khi công suất điện mặt trời sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt từ 46.400 đến 73.400 MW.

Với mục tiêu này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – ước tính rằng Việt Nam cần phê duyệt tới 640 dự án điện gió và 1.100 dự án điện mặt trời trong vòng 5,5 năm tới.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức liên quan đến xét duyệt đầu tư, nhân lực, công nghệ và thị trường. Hiện sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo đang chững lại.

Theo ông Tuấn Việt Nam phải nhanh chóng, dứt điểm và hợp lý giải quyết các rào cản về thủ tục đầu tư của các dự án năng lượng tái tạo đang được hưởng giá FIT (giá ưu đãi).

Mặc dù vậy, Việt Nam đang có lợi thế về chính sách khi chủ trương của Đảng và Nhà nước nhất quán về chuyển dịch năng lượng và hướng tới trung hòa carbon. Hàng loạt văn bản quy phạm mới như Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các nghị định hướng dẫn đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Không chỉ vậy, Chính phủ còn xem xét bổ sung 142 dự án điện mặt trời trước đây từng gặp vướng mắc pháp lý vào Quy hoạch Điện VIII, thể hiện nỗ lực tháo gỡ các khó khăn từ phía cơ quan chức năng.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Triển khai năng lượng tái tạo chậm khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu Netzero. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Áp lực chuyển đổi xanh buộc doanh nghiệp đổi mới
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, giúp thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, song hành với cơ hội là những thách thức đáng kể.

Tin mới

Vingroup tổ chức "Ngày hội Xanh 2025" tại Ocean City
Vingroup sẽ tổ chức Ngày hội Xanh thường niên 2025 tại Ocean City vào ngày 13/4/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên Xanh - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...