Thứ bảy, 23/11/2024 18:09 (GMT+7)
Thứ ba, 16/08/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/8

Theo dõi KTMT trên

Giá thép giảm 14 lần liên tiếp; Giá xăng nhập vừa lao dốc mạnh, về mức 22.000 đồng/lít... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 16/8.

Giá thép giảm 14 lần liên tiếp

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thông báo tiếp tục hạ giá sản phẩm lần thứ 14 liên tiếp. Theo đó, thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, miền Nam, Pomina... đồng loạt giảm giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 310.000-510.000 đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo đó, giá thép cuộn CB240 hiện phổ biến quanh mức 14,4-15,4 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 chủ yếu có giá 15,1-15,7 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, lần điều chỉnh này, thép miền Nam là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, thương hiệu này điều chỉnh giảm giá thép thanh vằn D10 CB300 tới 510.000 đồng/tấn xuống còn 15,73 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 hạ 360.000 đồng/tấn xuống còn 15,12 triệu đồng/tấn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/8 - Ảnh 1
Giá thép giảm 14 lần liên tiếp.

Thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và D10 CB300, xuống 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, doanh nghiệp này điều chỉnh giảm hai loại thép trên ở mức tương tự xuống còn 14,67 triệu/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thép Việt Ý giảm lần lượt 340.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn với thép , CB240 và D10 CB300 xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn. Thép Việt Đức, 2 loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn xuống còn còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Với đợt giảm mới nhất, các mặt hàng thép trong nước đã ghi nhận lần giảm giá thứ 14 liên tiếp kể từ ngày 11/5, tổng mức giảm trên dưới 5 triệu đồng/tấn tùy từng thương hiệu và loại thép. Hiện, giá mặt hàng này đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm nay nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021 khoảng 3-4 triệu đồng/tấn.

Việc giá thép giảm, nhu cầu suy giảm lại đè nặng lên biên lợi nhuận nhiều doanh nghiệp. Trong quý II, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đã giảm còn 4.023 tỷ đồng, thấp hơn 59% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ quý IV/2020. Tương tự, lợi nhuận Gang thép Thái Nguyên - Tisco (TIS) - bốc hơi 90%, Thương mại SMC (SMC) mất 70% hay Thép Thủ Đức (TDS) còn ghi lỗ 2 tỷ đồng trong quý gần nhất.

Nhận định về triển vọng cuối năm, lãnh đạo Hòa Phát nhận định việc Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách Zero Covid và ngành xây dựng vào mùa cao điểm từ tháng 9 là những yếu tố khả quan làm nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trên thế giới cao trở lại. Cầu thép trong nước thông thường cũng tăng vào quý cuối năm do yếu tố mùa vụ.

Giá xăng nhập vừa lao dốc mạnh, về mức 22.000 đồng/lít

Giá dầu thô toàn cầu hiện đã rớt xuống dưới mốc 90 USD/thùng. Cụ thể dầu WTI rớt xuống 88 USD/thùng, bằng mức giá của tháng 2-2022. Tương tự, dầu Brent cũng giảm chỉ còn 93 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Giá dầu giảm vì dữ liệu kinh tế Trung Quốc vừa công bố khá thất vọng. Điều này đã làm dấy lên lo ngại mới về một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/8 - Ảnh 2
Giá xăng nhập vừa lao dốc mạnh.

Ngân hàng trung ương của Trung Quốc cũng vừa phải cắt giảm lãi suất cho vay để kích cầu. Lý do giảm lãi suất là vì dữ liệu cho thấy nền kinh tế bất ngờ chậm lại trong tháng 7, vì các hoạt động sản xuất và bán lẻ bị ảnh hưởng bởi chính sách zero COVID cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản.

Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết, sản lượng dầu đá phiến Mỹ dự báo tăng lên hơn 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 3-2020. Nguồn cung dầu này đã giúp giải quyết rất nhiều nhu cầu dầu.

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Công thương, giá xăng nhập hiện giảm còn 111 USD/thùng, tương đương mức giá ngày 16-2. Giá xăng trong nước khi đó là 25.320 đồng/lít. Nếu không tính thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng còn khoảng 22.000 đồng/lít.

Nửa cuối tháng 7, xuất siêu 2,12 tỷ USD

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7/2022 (từ ngày 16/7 đến ngày 31/7/2022) đạt 30,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6% (tương ứng giảm 189 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2022.

Kết quả này đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng tính từ đầu năm 2022 đạt 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 57,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 299,26 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 39,81 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 134,34 tỷ USD, tăng 15,1% (tương ứng tăng 17,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa kỳ 2 tháng 7/2022 thặng dư 2,12 tỷ USD; tính chung trong 7 tháng đầu năm, cán cân thương mại thặng dư 1,08 tỷ USD.

Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 năm 2022 đạt 16,26 tỷ USD, tăng 13,8% (tương ứng tăng 1,97 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 7/2022.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/8 - Ảnh 3
Nửa cuối tháng 7, xuất siêu 2,12 tỷ USD.

Trong đó, trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 7/2022 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 7/2022 ở một số nhóm hàng: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 640 triệu USD, tương ứng tăng 34,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 618 triệu USD, tương ứng tăng 37,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 410 triệu USD, tương ứng tăng 22,3%; sắt thép các loại tăng 154 triệu USD, tương ứng tăng 62,8%...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 217,34 tỷ USD, tăng 16,6%, tương ứng tăng 30,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 7/2022 đạt 12,2 tỷ USD, tăng 20% tương ứng tăng 2,04 tỷ USD so với kỳ 1 của tháng, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến hết tháng 7/2022 của nhóm các doanh nghiệp này lên gần 159 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 22,23 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7/2022 đạt 14,14 tỷ USD, giảm 13,2% (tương ứng giảm 2,16 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 7/2022 giảm so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 799 triệu USD, tương ứng giảm 20,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 197 triệu USD, tương ứng giảm 9,4%; xăng dầu các loại giảm 179 triệu USD, tương ứng giảm 38,8%...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 216,26 tỷ USD, tăng 14% (tương ứng tăng 26,53 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,26 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 1,31 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng/2022, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 140,26 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Đức có thể áp thuế khí đốt, 1/3 doanh nghiệp phải giảm công suất

Chính phủ Đức ngày 15/8 cho biết các hộ gia đình ở nước này sẽ phải trả thêm tới 290 Euro, tương đương 296 USD, trong hóa đơn khí đốt hàng năm, khi gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng được san bớt từ doanh nghiệp và nhà nước sang người tiêu dùng.

Theo Công ty kinh doanh khí đốt Trading Hub Europe, thuế khí đốt của Đức đã được đặt ở mức 2,419 xu Euro (khoảng 2,47 xu Mỹ)/kWh. Như vậy, với một gia đình trung bình 4 thành viên, mức thuế này sẽ khiến chi phí hằng năm tăng thêm khoảng 480 Euro. Lạm phát tại Đức đang ở mức 8,5% và sự gia tăng trong hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình như vậy sẽ đẩy chi phí sinh hoạt lên cao hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Commerzbank, ông Joerg Kraemer cho biết mức thuế khí đốt nói trên được dự đoán sẽ làm tăng lạm phát, trong đó có thuế giá trị gia tăng, thêm gần 1 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, lạm phát tại Đức có thể lên mức hai con số vào mùa Thu 2022, theo giáo sư kinh tế học Jens Suedekum của Đại học Duesseldorf's Heinrich Heine University.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã trấn an người dân rằng chính phủ đang xây dựng các biện pháp hỗ trợ, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ ban hành một gói hỗ trợ bổ sung trong cuộc họp báo tuần trước.

Mức thuế khí đốt nói trên, được Chính phủ Đức lên kế hoạch nhằm giúp công ty năng lượng Uniper và các công ty nhập khẩu khác ứng phó với giá khí đốt tăng mạnh do nguồn cung từ Nga sụt giảm, sẽ được áp dụng từ ngày 1/10 tới và có hiệu lực đến tháng 4/2024.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới