Thứ bảy, 04/05/2024 22:08 (GMT+7)
Thứ năm, 25/04/2024 12:48 (GMT+7)

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Thực trạng ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Theo số liệu thống kê của Hà Nội, 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Vậy để giải quyết bài toán làng nghề ô nhiễm này ra sao?

LỜI TÒA SOẠN

Công nghiệp xanh (green industry) là nền công nghiệp sản xuất và vận hành theo hướng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của công nghiệp xanh là tạo ra các sản phẩm/dịch vụ bằng cách sử dụng các quy trình và công nghệ thân thiện với môi trường, từ việc khai thác nguyên liệu và sản xuất đến giai đoạn sử dụng và tái chế.

Trên thế giới khu công nghiệp truyền thống dần mất đi lợi thế cạnh tranh, thay vào đó khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh, bền vững ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Tại Việt Nam phát triển khu, cụm công nghiệp xanh là tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường nhằm mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải khí carbon đến năm 2050 về 0. Vì vậy, xây dựng khu, cụm công nghiệp “xanh” để thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp “xanh” là xu thế tất yếu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70% và 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường...Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Bảo vệ môi trường cho đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.

Từ thực tiễn trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường cùng với sự tham vấn của các chuyên gia là các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, môi trường xây dựng chuyên đề: Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh - Xu hướng để phát triển bền vững.

Loạt bài viết sẽ khái quát toàn bộ hiện trạng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, ghi nhận, phân tích và đánh giá những mặt đạt được, chưa đạt được. Đồng thời, qua góc nhìn của các chuyên gia, sẽ có những giải pháp, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý để các cụm, khu công nghiệp xanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.

Vùng đất trăm nghề

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội có 806 làng nghề, trong đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống, 493 làng có nghề và phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã. Có 6 nhóm nghề đang hoạt động là: Chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cơ khí; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, nguyên vật liệu; các dịch vụ phục vụ sản xuất nông thôn. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động với thu nhập ổn định. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 22-25 nghìn tỷ đồng/năm.

Bên cạnh những con số về kinh tế, thì vấn đề môi trường tại các làng nghề vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Bởi hiện nay ở Hà Nội có tới 139 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 91 làng nghề gây ô nhiễm… Kết quả điều tra cho thấy, trong nước thải ở các làng nghề có hàm lượng COD, BOD, Nitrat, Amoni vượt giới hạn nhiều lần; không khí có nồng độ bụi PM2.5, PM10 vượt giới hạn cho phép 1,4-6,7 lần…

Mặc dù trong những năm qua, TP.Hà Nội đã tập trung các nguồn lực cũng như đưa ra các chủ trương trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề. Cụ thể là Quyết định số 6163/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND TP Hà Nội phê duyệt: “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023: Ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Thực trạng ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội (Bài 2) - Ảnh 1
Hà Nội là vùng đất có hàng trăm làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đáng báo động khi các cơ sở sản xuất vẫn nằm đan xen trong các khu dân cư, nước thải chưa qua xử lý theo quy định được xả thẳng trực tiếp xuống môi trường tạo thành các “điểm đen” về ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống của nhân dân.

Trong khi đó, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc để tìm cách xử lý nhưng cho đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn, khiến dư luận vô cùng quan ngại. Thực tế, hầu hết các làng nghề truyền thống hiện nay đã và đang chịu những ảnh hưởng về môi trường như khói bụi, tiếng ồn… đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, khi không có khu xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất đều mang tính chất tự phát không có biện pháp bảo vệ môi trường.

Thực trạng ô nhiễm

Trong đó, nhiều làng nghề đã trở thành nỗi ám ảnh khi vào vụ sản xuất như tại các xã Dương Liễu, La Phù, Lại Yên huyện Hoài Đức, nước thải từ các hộ sản xuất nông sản khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng và sức khỏe của người dân luôn đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa. Hay như làng nghề mộc xã Liên Trung, Liên Hà, huyện Đan Phượng, Thanh Thùy, Phương Trung huyện Thanh Oai bụi bặm luôn trở thành căn bệnh nan y, khó có thể xử lý.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Thực trạng ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội (Bài 2) - Ảnh 2
Ô nhiễm từ nguồn rác thải tại làng nghề La Phù, Hoài Đức.

Cụ thể làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai. Bình quân, vào dịp cuối năm mỗi ngày sản xuất 80-100 tấn củ sắn và dong riềng, xả ra môi trường 50-70 tấn bã thải và hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý. Dù đã có Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà công suất 20.000m3/ngày đêm đi vào hoạt động nhưng mới chỉ xử lý được một phần nước thải của 3 làng nghề này.

Còn tại xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội), hiện có gần 1.000 hộ sản xuất quần áo, hằng ngày thải ra môi trường 700-800kg rác thải công nghiệp (vải vụn). Theo quy định, chất thải này phải được thu gom riêng, nhưng do phí thu gom cao (khoảng 2.000 đồng/kg) nên nhiều hộ dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường. Đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường. Nguyên nhân là do không ít làng nghề phát triển tự phát nằm xen kẽ trong các khu dân cư, cơ sở hạ tầng kém, hệ thống xử lý rác thải làng nghề không đầy đủ… gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh.

Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Thực trạng ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội (Bài 2) - Ảnh 3
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề Lại Yên, Hoài Đức.

TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai)… Đến nay, 21/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 49%. Hà Nội sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và mục tiêu đến năm 2025, chất thải của các làng nghề đều được xử lý…

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng: Các cơ sở làng nghề cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo vệ môi trường, trong đó có cả thu phí bảo vệ môi trường với các làng nghề gây ô nhiễm. Cùng với giải pháp của chính quyền, rất cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của người dân tại chính các làng nghề thì tình trạng ô nhiễm làng nghề mới sớm được khắc phục triệt để.

Theo GS,TS, Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam: Nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề…

Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề vẫn đang sở hữu quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp. Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt.

Còn nữa...

Hà Đông

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Khu, Cụm công nghiệp xanh: Thực trạng ô nhiễm làng nghề ở Hà Nội (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lãi suất ngân hàng Agribank tháng 5/2024
Tháng 5/2024, lãi suất Ngân hàng Agribank vẫn duy trì như tháng trước chưa có sự thay đổi. Mức cao nhất là 4,7% năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân tại kỳ hạn gửi 24 tháng.

Tin mới