Thứ sáu, 22/11/2024 22:49 (GMT+7)
Thứ ba, 16/08/2022 05:00 (GMT+7)

Bình Dương: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Để xây dựng thành công hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng KCN xanh, tạo nền tảng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Sau khi hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xây dựng mô hình công nghiệp tập trung, Bình Dương đang tiếp tục hướng tới những giá trị lớn hơn. Cụ thể, để xây dựng thành công “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững”, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) xanh, tạo nền tảng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, để sự dịch chuyển kinh tế này diễn ra nhanh chóng và thành công, từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện đồng thời nhiều nhóm nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ thứ nhất là xây dựng thành công mô hình điều hành, quản lý nhà nước thông minh, công khai, minh bạch đặt dưới sự quản lý, giám sát trực tiếp của lãnh đạo tỉnh.

Tiếp đến, nhiệm vụ thứ hai là tăng cường thu hút đầu tư đối với các nhóm doanh nghiệp chú trọng phát triển khoa học công nghệ, những mô hình kinh tế có hàm lượng chất xám cao.

Cuối cùng, nhiệm vụ thứ ba là tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, tham gia các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, từng bước xây dựng và hình thành nên một đô thị thông minh.

Đồng hành cùng quá trình chuyển giao trên, tỉnh Bình Dương cũng nhận định vấn đề bảo vệ môi trường có vai trò vô cùng quan trọng, thiết thực để phát triển bền vững. Do đó, khi xây dựng các KCN gắn liền với các khu đô thị được quy hoạch hài hòa, bố trí các mảng xanh hợp lý.

Bình Dương: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Tỉnh Bình Dương xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững

Trong đó, điển hình là các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP). Các KCN VSIP được xây dựng theo chuẩn của Singapore với hệ thống xử lý nước thải tập trung ứng dụng những công nghệ xử lý hiện đại nhất, kết hợp quản lý xử lý nước thải thông minh ứng dụng công nghệ IoT, dữ liệu lớn bảo đảm quá trình xử lý sự cố diễn ra nhanh chóng.

Từ điểm tựa thành công của KCN VSIP đầu tiên tại TP. Thuận An, đến nay, VSIP đã phát triển thành 11 khu ở khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Từ mô hình KCN truyền thống, VSIP đã hình thành mô hình Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Đặc biệt, sự ra đời của VSIP III tại Bình Dương đã trở thành hình mẫu mới về phát triển KCN xanh gắn liền với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết: “Với tầm nhìn là mô hình của một KCN thông minh và bền vững, VSIP III được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động, từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải, đến quản lý giao thông và an ninh. Đặc biệt, tại VSIP III dành 50ha làm trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ, mang lại lợi ích về độ tin cậy và tính bền vững về việc cung cấp điện cho các khách hàng lớn tại KCN này”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Teo Ban Seng, Giám đốc điều hành SembCorp Development, đồng Chủ tịch VSIP Group cho biết: “VSIP III đánh dấu sự thay đổi đáng kể cho VSIP Group qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn. Các thiết bị thông minh sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả cho các khách hàng cùng người lao động trong KCN. Những tính năng bền vững một khi đưa vào vận hành sẽ giúp VSIP III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững bậc nhất Việt Nam”.

Về phía các cấp chính quyền, ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua Sở đã giao Thanh tra sở phối hợp với Thanh tra Nhà nước tỉnh thực hiện nhiều cuộc thanh, kiểm tra lĩnh vực TN&MT đến nhiều tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, ngành chức năng đã có kết luận và tham mưu cấp thẩm quyền đưa ra những quyết định xử lý đúng quy định.

Bên cạnh đó, riêng đối với những trường hợp doanh nghiệp có xu hướng cố tình vi phạm, tái phạm các quy định về xử lý, gìn giữ và bảo vệ môi trường, ngoài việc tham mưu phương án xử phạt, ngành TN&MT còn tham mưu cấp thẩm quyền xem xét phương án vận động di dời ra khỏi khu vực dân cư và có phương án quản lý, giám sát chặt chẽ hơn trước. Kết quả quan trắc chất lượng không khí, nước tại các trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước.

Có được thành quả này là sự kiên trì, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trên địa bàn. Trong đó, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT các cấp được xem là hạt nhân quan trọng, tạo nên sự thành công chung. Điều này cũng phản ánh rõ nét những chuyển biến tích cực về nhận thức của doanh nghiệp và người dân.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới