Thủ tướng Chính phủ: Huy động mọi nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ tình hình tháng 10 đã có những chuyển biến tích cực và nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước.
Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 12/11, các ĐBQH đã đặt nhiều câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về giải pháp đột phá, nhất là các giải pháp từ nay đến cuối năm để phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tình hình kinh tế, xã hội có chuyển biến tích cực
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ tình hình tháng 10 đã có những chuyển biến tích cực và nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước, sau khi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế.
Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.
“Chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước”, Thủ tướng cho biết. “Đồng thời, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro.
Triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, triển khai các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động.
Các cơ chế, chính sách này và sự chia sẻ của toàn xã hội đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch Covid-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Huy động mọi nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Nói về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch bệnh, góp phần quan trọng trong việc duy trì, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh phù hợp, như nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá.
Hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Thủ tướng nhận định đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ đang nghiên cứu các chính sách tiền tệ, tài khóa dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nợ công được kiểm soát chặt chẽ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phân tích, đánh giá kỹ, lựa chọn phù hợp các công cụ, chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực và đánh giá tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực để trình Quốc hội xem xét.
Trong đó, rà soát, tính toán, cân nhắc kỹ các phương án, điều chỉnh linh hoạt và phối hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để huy động hiệu quả các nguồn lực và chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp. Đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hà Lan