Thứ năm, 28/03/2024 19:03 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 11:00 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa quyết định phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Theo Quyết định số 1871/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quyết định phân công đảm nhiệm chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (8/11/2021) và thay thế Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước. (Ảnh: Đức Tuân)

Được biết, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng về tài nguyên nước.

Ủy viên Hội đồng thường trực bao gồm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, các Ủy viên không thường trực gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng.

Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có nhiệm vụ tổ chức hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, các cơ chế chính sách, chiến lược, chương trình mục tiêu, chương trình hành động quốc gia liên quan đến bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước; Phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Bên cạnh đó, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước; chuyển nước giữa các nguồn nước liên tỉnh; Giám sát sử dụng các nguồn nước liên quốc gia và giải quyết các tranh chấp phát sinh; Các chương trình, đề án, dự án lớn về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Trên cơ sở đó, đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Quản lý phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, quy hoạch tài nguyên nước và phải được chuyển đổi số nhằm điều hòa, phân bổ và phát triển nguồn nước theo thời gian thực.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. 

Theo nhiều chuyên gia, việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chịu trách nhiệm điều phối chung, bảo đảm thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Việc quản lý phải thống nhất về số lượng và chất lượng nước; Giữa nước mặt và nước dưới đất; Nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; Giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.