Thứ sáu, 19/04/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ hai, 27/01/2020 10:28 (GMT+7)

Sự chia sẻ của người đứng đầu

Theo dõi KTMT trên

“Phải loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi đối thoại với 1.000 doanh nghiệp ngày 23/12/2019 trong nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh hơn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Sự chia sẻ của người đứng đầu - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại buổi đối thoại với doanh nghiệp sáng 23/12/2019.

Thay đổi một lối mòn trì trệ

Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp là sự kiện quan trọng thường niên và được tổ chức năm thứ 3 liên tiếp, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Như một dịp để các doanh nghiệp chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng tới người đứng đầu Chính phủ, ở đối thoại lần thứ 3 trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có “trách nhiệm của Nhà nước”.

Vì thế, Thủ tướng muốn nghe nhiều hơn nữa những ý kiến góp ý, phản hồi chính sách từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp… Từ đó, sẽ tiếp thu và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, trong đó việc cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, hoạt động thanh, kiểm tra và giám sát cần được tiến hành thường xuyên, thực chất hơn nữa...

“Lắng nghe và thực thi” có lẽ là điều được các doanh nghiệp, doanh nhân mong chờ nhất từ 3 lần Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp. Bởi lâu nay, tiếng nói góp ý, phản biện chính sách điều hành của Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành đã được nêu ra tại hàng nghìn hội nghị, hội thảo, diễn đàn lớn nhỏ… nhưng sau đó, dường như những vướng mắc, khó khăn về chính sách vẫn chưa được tháo gỡ, chưa thoả nguyện vọng của các doanh nghiệp. Không ít vấn đề nhức nhối lại rơi vào quên lãng, các kiến giải vẫn chỉ nằm trên giấy, bế tắc về đường hướng giải quyết cũng như thiếu một sự thống nhất trong thực thi chính sách...

Kể từ lần đầu đối thoại ngay khi vừa nhận chức năm 2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tới năm 2017, xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt hướng tới những mục tiêu như phát triển doanh nghiệp bền vững, dài hạn hơn.

Năm 2018, Thủ tướng chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ hai và sau đó, ban hành Chỉ thị tiếp tục triển khai Nghị quyết 35, cùng nhiều hội nghị chuyên đề, như hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một lĩnh vực lợi thế lớn của Việt Nam... Từ đó, khích lệ các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và tạo nên làn sóng thu hút vốn lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.

Và ở lần thứ 3 đối thoại để lắng nghe doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ, thông điệp của Chính phủ là khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất, kể từ đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đến nay (năm 2016 - 2019), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tục, trung bình hơn 126.000 doanh nghiệp ra đời mỗi năm. Năm 2019 dự kiến có thêm 136.000 doanh nghiệp lập mới, tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỉ đồng. Hiện cả nước có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự lạc quan về số doanh nghiệp không ngừng tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp vươn mình trở thành những tập đoàn lớn mạnh, sẽ tạo nguồn lực lớn nhưng cũng còn nhiều trở ngại trên đường phát triển. “Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản. Thậm chí nhiều doanh nghiệp tên tuổi bị đào thải”, Thủ tướng chia sẻ, và gửi gắm thông điệp: “Chúng ta sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp hơn nữa để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững”.

Sự chia sẻ của người đứng đầu - Ảnh 2
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng một nền kinh tế hùng cường.

Quyết sách cởi trói cho doanh nghiệp

Ðối thoại với 1.000 doanh nghiệp năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh Chính phủ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế (đạt hơn 7%), kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại của hai cường quốc, bất ổn chính trị leo thang ở nhiều quốc gia… Không chỉ lo sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp còn được khuyến khích góp ý cho các dự thảo Luật quan trọng về thu hút đầu tư, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, vận hành nền kinh tế theo thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

Mong muốn doanh nghiệp hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng cũng đề nghị chỉ rõ “địa chỉ” cơ quan nào gây phiền hà, văn bản của Bộ, ngành nào gây cản trở hay chỗ nào hù doạ doanh nghiệp.

“Phải loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhắc nhở.

Sự phát triển nào cũng cần tiếp nhận những cái mới, loại bỏ cái cũ không phù hợp, gây cản trở cái mới. Trong thực tế mối quan hệ doanh nghiệp và chính quyền lâu nay đang tồn tại một cơ chế “xin - cho”, đây là điều “khá tế nhị” thường ít được đề cập.

Muốn có sự thay đổi tích cực, xoá bỏ những cơ chế làm cản trở và suy yếu doanh nghiệp phát triển, vùi dập những ý tưởng mới… thì có lẽ cần bắt đầu từ sự lắng nghe và thấu hiểu doanh nghiệp của người đứng đầu.

Sự chia sẻ của người đứng đầu - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ KH&ÐT Nguyễn Chí Dũng:

Hiện nay đã có 800.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vẫn là thách thức lớn. Tỉ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2019 vẫn ở mức cao vào khoảng 58,1%. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy kinh doanh chụp giật, chỉ muốn giàu nhanh chóng mà không chịu đầu tư, nghiên cứu, nhất là các công nghệ mới, công nghệ lõi của sản phẩm, thiếu sự liên kết và phát triển bền vững.

Ðể Việt Nam có những tập đoàn kinh tế lớn mạnh, doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm, đóng góp Ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng, số doanh nghiệp vươn tầm ra khu vực và thế giới nhiều hơn nữa… thì rất cần cơ chế chính sách và những quyết sách khuyến khích doanh nghiệp dám nghĩ dám làm, kinh doanh vì sự phát triển bền vững và lợi ích chung của đất nước.

“Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu những cá nhân xuất sắc. Không thể có quốc gia hùng cường nếu thiếu những doanh nghiệp tầm cỡ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nhân mong muốn sự cải cách mạnh mẽ hơn trong việc định hướng, ban hành các quyết sách về đầu tư công, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thu hút vốn FDI, cùng với đó là chính sách “mềm mỏng”, thông thoáng trong thu hút đầu tư, huy động vốn, thị trường tiêu thụ… Nếu như trước đây doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung ở khu vực Nhà nước, thì đến nay sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân đã đạt yêu cầu về thay đổi tư duy làm kinh tế, đồng thời thách thức cải tổ mạnh mẽ hơn khối doanh nghiệp nhà nước lâu nay hoạt động yếu kém, thua lỗ mất vốn lớn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng… Chính sách cởi mở rõ ràng sẽ khuyến khích doanh nghiệp phát triển hiệu quả hơn, mà minh chứng là hình thành nên các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô vốn hàng tỉ USD, tỉ phú Việt Nam được xếp hạng ở thế giới…

“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh: “Không phải cái khó đẩy giao cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”.

Mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực vươn mình để ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên thương trường, vươn tầm ra thế giới. “Chính phủ kiến tạo” sẽ không chỉ là thông điệp từ hội nghị mà phải biến thành những hành động cụ thể, sự thực thi mạnh mẽ trong cải cách khi đưa ra chủ trương đúng đắn, chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ giúp cho môi trường kinh doanh, đầu tư được thông thoáng, thuận lợi, chính là nền tảng thúc đẩy sự phát triển.

Những chính sách mới về phát triển công nghiệp, công nghệ, bất động sản, tài chính, bảo hiểm… đã bám sát nhịp sống sôi động của thị trường, làm sao để hỗ trợ tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội, vẫn đảm bảo thu hút vốn ngoại, tăng trưởng cao phải đi liền với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ðiều không thể thiếu nữa là sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp với những chỉ đạo điều hành của người đứng đầu Chính phủ, niềm tin vào các quyết sách đúng đắn và cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Gửi thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không được đẩy cái khó cho doanh nghiệp, phải chấm dứt ngay tình trạng dùng quyền lực mềm hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của doanh nghiệp đều phải được lắng nghe và tôn trọng… Tất cả là để có một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, làm nền tảng cho một nền kinh tế hùng cường”.

Những con số ấn tượng của Kinh tế Việt Nam năm 2019

- Năm 2019 tăng trưởng kinh tế Việt Nam cán mốc trên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao 6,6 - 6,8%.

- Xuất khẩu hai chiều lần đầu tiên cán đích hơn 500 tỉ USD.

- Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể từ hơn 64% GDP năm 2016 xuống 56% GDP.

- Việt Nam thu hút được hơn 32 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2019.

Thu Hằng

Thu Hằng

Bạn đang đọc bài viết Sự chia sẻ của người đứng đầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới