Thứ bảy, 27/04/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ hai, 18/05/2020 12:29 (GMT+7)

Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Kỳ 1)

Theo dõi KTMT trên

Tư tưởng, đạo đức và phong cách, phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá cho Đảng và dân tộc ta. Theo Người, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, cán bộ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cần phải có phương pháp làm việc khoa học: Việc lớn hay việc nhỏ đều phải được xem xét, nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác, xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch, biện pháp sát thực và tổ chức hoạt động thực tiễn một cách khoa học.

Đề cao, mở rộng tính dân chủ

Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Kỳ 1) - Ảnh 1
Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là sự phản ánh bản lĩnh, trí tuệ trong cuộc đời, sự nghiệp của Người, vừa là yêu cầu về cách thức, biện pháp làm việc của đội ngũ cán bộ cách mạng. Với mục đích hành trình “năm châu bốn biển” của Người, “muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào tôi sẽ trở về giúp đỡ đồng bào chúng ta”.

Thực tiễn 30 năm tìm đường cứu nước, đã thể hiện phương pháp làm việc khoa học sâu sắc của Người. Đó là, sự kết hợp giữa tri thức, tình cảm, ý chí và thực tiễn cách mạng với quan điểm biện chứng khoa học (khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể ...) trong các hoạt động. Trong lãnh đạo, quản lý, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải đề cao, mở rộng dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân; mọi cán bộ, đảng viên phải gắn bó, tôn trọng và đặt mình trong tập thể, năng đi xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của cấp dưới và quần chúng. Cán bộ phải biết động viên, khuyến khích “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình, cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, bàn bạc tập thể thông suốt, cùng quyết tâm thực hiện, tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” và “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Dân chủ đi đôi với tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cá nhân phải hoàn thành tốt nhiệm vụ khi tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Những tinh thần này đã mang lại những giá trị sâu sắc về nhận thức và hành động, phải coi trọng thực hành dân chủ, phát huy cao trí tuệ tập thể, tính sáng tạo của quần chúng và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân.

Làm cách mạng, theo Hồ Chí Minh cần đề cao tính mục đích, tính kế hoạch trong công việc. Mục đích phải rõ, giống như: “Người bắn cung phải hướng đích”. Kế hoạch làm việc phải cụ thể, sát thực, có trọng tâm, trọng điểm không chung chung dàn trải, có sự phân công, trách nhiệm cụ thể. Người viết: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng”; biết lựa chọn phương pháp phù hợp với tinh thần sáng tạo “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ những vấn đề có tính minh triết Hồ Chí Minh trên đây đã mang lại những giá trị đặc sắc về phương pháp luận trong hoạt động, đó là tính mục đích, chương trình, kế hoạch sát thực và thực hành sáng tạo.

Thường xuyên đi sâu vào thực tế

Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Kỳ 1) - Ảnh 2
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7/1960. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đi sâu vào thực tế, bám sát cơ sở, tôn trọng tập thể; nắm chắc toàn diện tình hình, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe ý kiến và học hỏi kinh nghiệm của dân. Người yêu cầu cán bộ phải sâu sát nắm bắt cái ăn, cái mặc; nắm tâm tư, nguyện vọng, niềm vui, nỗi buồn của quần chúng. Muốn vậy, cán bộ ở cơ quan hay ở cơ sở phải luôn cụ thể, tỉ mỉ, phải kết hợp giữa “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, chứ không chỉ nói suông, ngồi viết mệnh lệnh”.

Người đã nghiêm khắc phê phán các cán bộ coi mình là “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, quan liêu, mệnh lệnh xa rời nhân dân. Cán bộ cần thực hiện lời nói đi đôi với việc làm; phương pháp cơ bản trong tuyên truyền, vận động cách mạng theo Người, “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; biết đặt lợi ích tập thể, lợi ích giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, Người viết, “nhất là đối với chữ Cần, chữ Kiệm, chữ Hi Sinh, chữ Công Bằng thì các bạn phải thực hành trước, phải làm gương cho dân chúng theo”.

Từ những triết lý sâu sắc của Hồ Chí Minh có thể rút ra giá trị đặc biệt có tính nguyên tắc phương pháp luận đó là, nhận thức và hành động phải thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, nêu gương trong công việc.

Có thể nói, những giá trị đặc sắc về phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh được rút ra từ minh triết, quan điểm, triết lý và kinh nghiệm hoạt động cách mạng của Người. Đó là những nội dung mang tính cơ bản về lý luận - thực tiễn trong huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cách mạng.

(Còn tiếp)

PGS, TS Bùi Mạnh Hùng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Bạn đang đọc bài viết Phương pháp làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới