Thứ sáu, 22/11/2024 21:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 17/11/2019 16:30 (GMT+7)

Phương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng, giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch không thể giải quyết dứt điểm vấn đề nếu chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt.

Nguy cơ dồn nước thải làm ô nhiễm vùng hạ lưu

Mới đây, tại hội thảo khoa học “Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch”, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã đề xuất biện pháp dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho hồ Tây, từ đó dẫn nước từ Hồ tây vào sông tô Lịch để cải thiện chất lượng nước trên sông.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc làm sống lại sông Tô Lịch vốn là dòng sông đẹp giữa Thủ đô là cần thiết, tuy nhiên cần có giải pháp hợp lý.

“Mỗi một nhà khoa học có một quan điểm, các giải pháp cũng đều có ưu nhược điểm, cũng không thể cứ nghiên cứu mãi mà không quyết. Nên làm thí điểm với quy mô vừa và nhỏ, nếu thấy hiệu quả thì tiếp tục triển khai, nếu không hiệu quả thì ta rút ra kinh nghiệm và cho dừng. Việc này cần phải được tính toán kỹ càng, tránh lãng phí mà không thu lại hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ.

Phương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm? - Ảnh 1
Hồ Tây được xem là điểm đến lãng mạn nhất của Hà Nội.

Theo ông Tiến, song song với việc lấy nước sông Hồng thau rửa cho hồ Tây, sau đó dẫn nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch cần phải triển khai dự án thu gom nước thải, làm cống bao tách dòng, thu nước thải từ các khu dân cư về cống bao, xử lý trước khi đổ ra sông Tô Lịch. Nếu không xử lý, mà để pha loãng với nước từ sông Hồng vào hồ Tây, rồi dẫn ra sông Tô Lịch sẽ dồn nước thải, gây ảnh hưởng đến khu vực phía Nam của Hà Nội.

Chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, chuyên gia Nguyễn Trọng Dương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam ủng hộ việc làm sạch sông Tô Lịch, tuy nhiên ông lo ngại giải pháp này sẽ làm ô nhiễm vùng hạ lưu.

"Chúng ta rửa sông Tô lịch thì rất tốt cho Hà Nội nhưng chưa có biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm của hạ lưu, thau rửa sông Tô Lịch nhưng nước ấy chảy về đâu? Chảy về hạ lưu sông Tô Lịch chính là sông Đáy, chảy qua địa phận phía Nam Hà Nội, chảy qua Ninh Bình, rồi chảy ra biển. Các nhà khoa học, đơn vị đề xuất cần tính toán, giải quyết vấn đề này", chuyên gia Nguyễn Trọng Dương nói.

Thay nước là cần thiết, nhưng đừng hủy diệt hệ sinh thái hồ Tây

Theo chuyên gia Nguyễn Trọng Dương, hiện nay hồ Tây bị tù đọng, nhiều năm nay hệ sinh vật phát triển tại đây tạo thành màu xanh do rong tảo, vi sinh vật, phù du… nước hồ Tây không còn được trong xanh. Do đó, việc dẫn nước sông Hồng tự nhiên thay nước hồ Tây là việc cần thiết.

Phương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm? - Ảnh 2
Chuyên gia Nguyễn Trọng Dương.

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, việc thay nước cần phải tính toán tương đối là cẩn thận, vì nếu thay nhiều sẽ hủy diệt hệ sinh thái của hồ Tây.

“Nhiều nhà khoa học về sinh vật muốn duy trì hệ sinh thái để sau này làm nghiên cứu. Những người thay nước lại là nhà kỹ thuật công trình, không phải nhà khoa học về sinh vật, do đó 2 bên cần tính toán hợp lý”, chuyên gia Nguyễn Trọng Dương kiến nghị.

Hà Nội cần phát triển đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị

Các chuyên gia cho rằng, việc dẫn nước thau rửa hồ Tây, sông Tô Lịch chỉ là giải pháp tình thế, trong khi vấn đề ô nhiễm nước sông Tô Lịch chủ yếu là do phải tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt không qua xử lý.

Chuyên gia Nguyễn Trọng Dương đánh giá, quá trình đô thị hóa, phát triển của Hà Nội diễn ra nhanh chóng, tuy nhiên phát triển không đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị.

Phương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm? - Ảnh 3
Tô Lịch nhiều năm nay được ví như dòng sông chết.

Theo lý thuyết, hệ thống thoát nước đô thị phải là hệ thống riêng, tức là nước thải từ các hộ gia đình, chung cư, từ các quận huyện nội ngoại thành phải được thu gom vào một hệ thống riêng, đưa về các nhà máy xử lý nước thải, sau đó mới cho ra các nguồn tiếp nhận.

Tại Hà Nội, hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống chung, nước thải sinh hoạt và nước mưa chung một cống, do đó sông Tô Lịch là nơi tiếp nhận nhiều nước thải, dẫn đến tình trạng như hiện nay.

“Chúng ta thau rửa sông Tô Lịch đồng thời cũng phải tính đến phân tách nước thải, nước mưa riêng, nước mưa có thể dẫn trực tiếp vào sông vì khá sạch. Tôi cho rằng giải pháp pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch có nhiều ưu điểm, tuy nhiên cần loại trừ được những điểm trừ để có thể giải quyết tận gốc vấn đề”, chuyên gia Nguyễn Trọng Dương cho biết.

Tại hội thảo khoa học “Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch”, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã đề xuất biện pháp dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho hồ Tây, từ đó dẫn nước từ Hồ tây vào sông tô Lịch để cải thiện chất lượng nước trên sông.

Cụ thể, xây dựng trạm bơm và đường ống áp lực để lấy nước từ sông Hồng bổ cập nước cho hồ Tây. Xây dựng bể lắng cát thô, bể lắng cát tinh để xử lý nước trước khi đưa nước vào hồ Tây.

Tiếp đó, xả nước từ hồ Tây thông qua cửa điều tiết A, B đưa nước vào sông Tô Lịch.

Đồng thời, xây dựng đập dâng nước bằng đập tràn cao su tại thượng lưu cầu Dậu (cách thượng lưu sông khoảng 11,7km để dâng mực nước sông và tạo dòng chảy trên sông)...

Về kinh phí thực hiện, đại diện doanh nghiệp cho rằng, ngoài kinh phí ngân sách của thành phố thì còn nhiều nguồn vốn khác có thể huy động như đầu tư ở nước ngoài, kêu gọi các đại gia trong nước tham gia.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đề xuất một loạt những ý tưởng như, sẽ nối sông Tô Lịch với hồ Tây, đào thêm 1km nối sông Tô Lịch với hồ Thủ Lệ, nối sông Tô Lịch với hồ Yên Duyên, Yên Sở. Sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay) trở thành giao thông đường thủy.

Các cầu trên sông sẽ cải tạo thành cầu vòm bằng dầm bê tông cốt thép chịu ứng lực. Kiến trúc phía trên cầu đẹp và khác nhau (hình dáng kiến trúc cầu có thể lấy các cầu đẹp đặc thù đã xây dựng ở các tỉnh).

Đồng thời, doanh nghiệp gợi ý cải tạo 3 công viên lớn: Công viên nước Hồ Tây là nơi vui chơi giải trí của thanh thiếu niên với nhiều công trình vui chơi nước cảm giác mạnh; Công viên Thủ Lệ đầu tư trở thành một Venice của Ý thu nhỏ trong lòng Hà Nội; Công viên Yên Sở sẽ là Disneyland với nhiều khu vui chơi giải trí.

Du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây, đến đền Voi Phục, chùa Láng…

Bạn đang đọc bài viết Phương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới