Lâm Đồng công bố sáp nhập và bổ nhiệm lãnh đạo tỉnh mới
Sáng nay (30/6), tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ công bố nghị quyết sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, hình thành tỉnh Lâm Đồng mới.

Buổi lễ đồng thời công bố quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo và chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng 124 xã, phường, đặc khu. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, mở ra giai đoạn phát triển mới cho khu vực.
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, cùng các lãnh đạo Trung ương bao gồm đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, đồng chí Phạm Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, và đồng chí Nguyễn Thái Học - Phó Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Về phía địa phương, đồng chí ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, và ông Ngô Thanh Danh - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Thành lập tỉnh Lâm Đồng mới
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Ban Chính sách đã công bố 9 nghị quyết, quyết định quan trọng, bao gồm việc sáp nhập ba tỉnh, thành lập Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng mới, và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích 24.233,07 km², dân số 3.872.999 người, giáp các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Campuchia và Biển Đông. Trung tâm hành chính đặt tại TP Đà Lạt.
Đảng bộ tỉnh mới hợp nhất từ ba Đảng bộ tỉnh cũ, với Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và Ban Thường vụ 29 đồng chí. Bộ máy chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cũng được tổ chức đồng bộ để chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Về nhân sự lãnh đạo, thường trực Tỉnh ủy gồm: Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng chí Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng chí Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng chí Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đồng chí Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đồng chí Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng mới cũng đã chính thức ra mắt, hệ thống chính quyền cấp xã, phường và đặc khu với 124 đơn vị hành chính mới đã được thành lập, bố trí nhân sự phù hợp và sẵn sàng vận hành ngay sau lễ công bố, tạo nền tảng hành chính vững chắc để triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Mở ra kỳ vọng mới cho vùng đất giàu tiềm năng
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình khẳng định: việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ đơn thuần là thay đổi về địa giới hành chính mà là chiến lược lớn nhằm tái cấu trúc không gian phát triển, tạo nền tảng cho một tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái.
“Đây là cơ hội để hình thành các chuỗi giá trị mới, quy hoạch lại vùng sản xuất, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, nâng cao đời sống nhân dân và phát huy thế mạnh của cả cao nguyên và vùng duyên hải”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng đặc biệt kỳ vọng đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới sẽ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, nhanh chóng ổn định bộ máy, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.
Cũng tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm tiếp thu, nhận nhiệm vụ mới, khẳng định việc hợp nhất ba tỉnh là dấu mốc lịch sử, mở ra cơ hội phát triển mới. Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, tận dụng lợi thế ba vùng sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù, đầu tư hạ tầng trọng điểm và chuyển đổi số.
“Chúng tôi cam kết đoàn kết, chủ động, sáng tạo để xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm phát triển năng động, hiện đại và bền vững của khu vực và cả nước”, đồng chí nhấn mạnh.

Tại điểm cầu các xã, phường, đặc khu trên toàn tỉnh, hàng ngàn cán bộ, đảng viên và người dân đã theo dõi trực tiếp buổi lễ. Đại diện các địa phương mới sáp nhập đã bày tỏ sự đồng thuận và cam kết nỗ lực cao nhất để nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm hoạt động thông suốt của bộ máy và đời sống nhân dân.
Tỉnh Lâm Đồng mới không chỉ có quy mô lớn hơn mà còn hội tụ đa dạng địa hình, sinh thái và tiềm năng liên kết vùng – điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và du lịch bền vững.
Lâm Đồng hiện sở hữu nhiều thế mạnh như TP Đà Lạt – trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái nổi tiếng; vùng duyên hải Bình Thuận với tiềm năng điện gió, điện mặt trời; Đắk Nông với tài nguyên khoáng sản và du lịch sinh thái rừng đặc sắc.
Việc hợp nhất ba tỉnh còn mở ra cơ hội kiến tạo một mô hình phát triển liên kết vùng kiểu mẫu, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống.
Hoàng Việt - Cao Hiếu