Dân không còn sức kêu than, chỉ mong sông Tô Lịch hết hôi thối
Người dân Thủ đô không còn sức kêu than, không quan tâm đến chỉ số, chỉ mong giải quyết hết mùi hôi, thối.
Tháo dỡ khu thí điểm làm sạch sông Tô Lịch
Mới đây, sau thời gian phân tích từ các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và cả phía Nhật Bản cho thấy: Chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây 36/36 chỉ tiêu đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần nhờ Công nghệ Nhật Bản. Nước khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.coli giảm 1100 lần.
Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm ve 15cm bùn Hồ Tây giảm nhiều nhất về 0 cm.
Sau khi thăm quan, thả cá ở khu thí tại Hồ Tây (Hà Nội) và nghe báo cáo kết quả thí điểm 2 tại cả 2 khu (Tô Lịch và Hồ Tây), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: “Công nghệ này đảm bảo, không có vấn đề gì phải suy nghĩ cả. Một số chất ảnh hưởng sức khỏe như ecoli, mùi họ làm được. Các chất thải khác thì cần xem xét dựa trên chất thải từng kênh, từng hồ của chúng ta, nó có thể khác nhau. Khi có đầy đủ các thông tin thì chúng ta sẽ đưa ra đánh giá một cách đầy đủ. Nhưng với phương pháp này đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận về mức độ an toàn, tính tin cậy thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được. Việc Nhật Bản tiến hành thử nghiệm về công nghệ thì chúng tôi không nghi ngờ, quan trọng nhất là tính phù hợp với Việt Nam bao gồm kinh tế, nguồn nước thải chưa xử lý”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thăm quan, thả cá ở khu thí điểm tại Hồ Tây (Hà Nội) và nghe báo cáo kết quả thí điểm 2 tại cả 2 khu (Tô Lịch và Hồ Tây). |
Sau khi kết quả thí điểm đặt kết quả khả quan, từ ngày 9/11 đến ngày 12/11 Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt JVE bắt đầu tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch và tiếp tục duy trì việc kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiễm trở lại tại khu thí điểm một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Theo ghi nhận, sau gần 2 tháng kể từ ngày thả cá Koi và cá chép Việt Nam xuống khu thí điểm trên sông Tô Lịch, cá sống rất khỏe và Công ty JVE (đơn vị phối hợp thực hiện) đã chuyển toàn bộ số cá Koi và cá chép này sang khu vực thí điểm tại Hồ Tây.
Tháo dỡ khu thí điểm tại sông Tô Lịch. |
Trong khi đó, tại khu thí điểm ở Hồ Tây vẫn được tiếp tục duy trì để chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm. Theo đơn vị thực hiện dự án, việc giữ lại như vậy để chứng minh việc đạt quy chuẩn Việt Nam thì không cần vận hành máy nano, nhưng nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết mặc dù thời tiết có thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt như đã xảy ra tại bên ngoài khu thí điểm tại Hồ Tây và một số Hồ khác trên địa bàn Thành phố trong suốt vài năm gần đây.
Ngoài ra, để du khách, các tỉnh khác của Việt Nam có nhu cầu xử lý ô nhiễm ao hồ có thể trực tiếp đến thị sát, thăm quan và đánh giá trực quan, so sánh sự khác nhau rõ rệt giữa chất lượng nước bên trong và bên ngoài khu thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản.
Sau gần 2 tháng được thả, cá Koi vẫn sống khỏe mạnh. |
Như tin đã đưa, vào ngày 16/5, UBND TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.
Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, đơn vị thực hiện dự án sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, do sự cố xả nước Hồ Tây bất ngờ ngày 9/7 do mưa bão khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 16/9.
Trong quá trình triển khai dự án, để chứng minh việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch, 1 góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đem lại hiệu quả, nguồn nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam, ngày 8/8 chuyên gia Nhật Bản đã tắm bằng nguồn nước đã được xử lý bằng công nghệ này ở sông Tô Lịch. Ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả cá Koi Nhật Bản (cá chép Nhật Bản), cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm ở sông Tô Lịch và Hồ Tây.
Khi tháo dỡ, cá Koi được chuyển sang thả tại khu thí điểm ở Hồ Tây. |
Dân chỉ mong hết mùi hôi, không quan tâm chỉ số
Mặc dù việc thí điểm có các chỉ số đạt kết quả khả quan như vậy nhưng người dân sống cạnh sông Tô Lịch vẫn không mấy vui mừng. Theo tìm hiểu, người dân nơi đây, họ không biết hoặc không mấy quan tâm về các chỉ số kỹ thuật như COD, BOD5 ... là bao nhiêu mà điều họ mong mỏi nhất đó là cơ quan quản lý nhà nước xử lý được triệt để vấn đề mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông ô nhiễm đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Nước sông Tô Lịch đen kịt, bốc mùi hôi thối độc hại. |
Ông Nguyễn Hữu Hà (nhà ở đường Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho sẻ: “Gia đình tôi sống cạnh sông Tô Lịch đến nay cũng đã được 41 năm. Trước đây sông chưa ô nhiễm nặng như mấy năm gần đây nên cuộc sống còn đỡ vất vả. Nay nước sông ô nhiễm rất nặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là mấy ngày trời nắng nóng như đổ lửa làm cho mùi hôi bốc lên cảm giác như muốn ngộp thở. Một phần vì nước sông cạn, gọi là sông nhưng không có dòng chảy, mà hầu như nước sông toàn là nước thải nên gọi là sông chết thì chính xác hơn. Sống chung với mùi hôi thối nhưng người dân chúng tôi cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa cả ngày thôi”.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Yến (đường Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), mùi hôi thối dưới sông bốc lên rất nồng nặc và vô cùng độc hại.
“Cứ khi trời nắng lên nhất là mùa he hoặc nổi gió, là y như rằng hơi độc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu, các hộ kinh doanh hàng quán dọc bờ sông luôn bị nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi... Không ít gia đình sống tại đây vì không chịu nổi không khí ô nhiễm, đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống. Có thể thấy ngần ấy năm trôi qua dòng sông Tô Lịch này vẫn nguyên chỉ là một màu đen kịt, mức độ ô nhiễm ở đây thì đủ loại, đặc biệt phải kể tới mùi hôi thối đặc trưng của nước con sông, mùi xú uế bốc lên từ xác động vật trôi nổi... Nên dù có thể giờ đây dòng sông đen hơn, nặng mùi hơn người dân cũng không còn sức kêu than nữa. Chúng tôi không biết cấp trên thí nghiệm, thí điểm ra sao chứ cứ khắc mục hết mùi hôi thối độc hại này là dân chúng tôi thấy được nhờ lắm rồi”.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định: “Theo kết quả phân tích kết quả và thức tế cho thấy, các vi khuẩn có hại thì bị giảm đi, còn vi sinh vật có lợi thì tiếp tục phát huy chức năng của nó trong hệ sinh thái nước. Nó làm cho không còn mùi hôi nữa và giải quyết được các chất hôi, thối trong bùn mà từ lâu nay các công nghệ khác chưa giải quyết được triệt để”.
TS. Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản. |
Trong khi đó, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia LHQ về môi trường, Chủ tịch tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho biết: “Bên đất nước Nhật Bản, ngoài các quy định về quy chuẩn chất lượng nước như quy chuẩn Việt nam (QCVN) còn có quy chuẩn về “Thế nào là một dòng sông an toàn, không bốc mùi hôi thối”. Người dân Việt Nam sống cạnh các dòng sông chết không biết và không quan tâm về các chỉ số kỹ thuật nhưng điều họ mong mỏi nhất là cơ quan quản lý nhà nước xử lý được triệt để vấn đề mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông ô nhiễm đang hàng ngày, hàng giờ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, TP Hà Nội và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước suốt thời gian qua, hy vọng một ngày không xa sông Tô Lịch sẽ được hồi sinh và giải quyết triệt để mùi hôi thối giúp người dân đảm bảo sức khỏe và an tâm cuộc sống.