Ô nhiễm không khí gia tăng đột biến do cháy rừng khốc liệt
Theo Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu, khói bụi từ các đám cháy rừng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng đột biến, ước tính gây ra khoảng 339.000 ca tử vong sớm mỗi năm.
Báo cáo “Các giới hạn khả năng sống sót - Mối đe dọa đang nổi lên từ ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe do cháy rừng và biến đổi khí hậu" của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu mới đây được công bố phổ biến.
Theo đó, báo cáo cảnh báo rằng, các đám cháy rừng lớn hơn, thường xuyên hơn đang ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và công tác quản lý đất đai kém hiệu quả. Vì vậy, các Chính phủ trên toàn thế giới cần phải chuẩn bị hệ thống y tế công để giúp người dân đối phó với các tác động của đợt ô nhiễm không khí định kỳ từ hỏa hoạn.
Với các nghiên cứu thực tế tại Australia, Brazil và Canada, các nhà khoa học đã chỉ ra, theo các kịch bản về phát thải khí nhà kính hiện tại, số lượng các vụ cháy rừng trên thế giới sẽ tăng lên tới trên 74% vào năm 2100, tạo ra một vòng lặp mất rừng do cháy rừng và gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt tại rừng Amazon, vào năm 2019, cháy rừng trên diện rộng đã làm dấy lên mối quan ngại của cộng đồng về việc khu rừng nhiệt đới với mức độ đa dạng sinh học lớn nhất trên trái đất đang bị tàn phá. Cháy rừng kết hợp với hạn hán do biến đổi khí hậu còn có thể hủy hoại nơi được mệnh danh là "lá phổi xanh của Trái Đất" - một trong những hệ thống dự trữ carbon lớn của thế giới, làm biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.
Khói từ các đám cháy rừng di chuyển vượt ra khỏi biên giới các nước với khoảng cách rất xa. Điển hình là khói từ các đám cháy rừng ở Australia 2019 - 2020 đã di chuyển 66.000 km, khiến 80% dân số nước này phải chịu mức độ ô nhiễm không khí cao do khói bụi. Khói từ các đám cháy ở Alberta, Canada vào năm 2019 cũng bay tới tận châu Âu. Khói bụi từ cháy rừng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí tăng đột biến, trong khi đó, các đám cháy kéo dài lâu hơn có thể làm ô nhiễm không khí gia tăng trong một thời gian dài. Các đám cháy lớn tái diễn hàng năm làm tăng mức độ phơi nhiễm hàng năm.
Theo nghiên cứu, khói bụi từ các đám cháy gây ra ước tính khoảng 339.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Các nguy cơ đối với sức khỏe là gây sinh non, nhẹ cân và tiểu đường thai kỳ; bệnh hen suyễn nghiêm trọng cũng như các bệnh hô hấp khác; bệnh tim mạch; và bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tiếp xúc lâu dài với khói bụi từ cháy rừng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương đối với Covid-19. Bởi thực tế, những người bản địa tiếp xúc lâu dài với khói bụi có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn 250% so với dân số chung của Brazil.
Ngoài ra, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 từ các vụ cháy rừng trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với y tế công cộng. Phơi nhiễm PM2.5 gây hậu quả từ ảnh hưởng tới đường thở cho tới bệnh hen, giảm chức năng phổi, suy tim và tử vong sớm. Các đám cháy rừng còn sản sinh ra chất ô nhiễm không khí nguy hại (HAP), có khả năng gây biến chứng sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những ai đã mắc các vấn đề về phổi, tim hay gan.
TS Frances MacGuire, Chuyên gia tư vấn của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu, tác giả chính của báo cáo cho biết, các tác động ngắn hạn đến sức khỏe do khói bụi cháy rừng hiện đã được ghi nhận đầy đủ, nhưng về dài hạn, vẫn đang có lỗ hổng lớn trong nghiên cứu để hiểu được đầy đủ tác động đến sức khỏe từ khói bụi do cháy rừng gia tăng khi thế giới đang nóng lên và có cả lỗ hổng trong các dịch vụ y tế sơ cấp và thứ cấp.
Hơn thế nữa, "các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia của những nước đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất, phải từng bước hạn chế sự nóng lên toàn cầu thông qua các hành động khẩn trương vì khí hậu", bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu nhận định.
Mới đây, các cơ quan bảo vệ môi trường của New York đã ban bố cảnh báo về chất lượng không khí do chất dạng hạt mịn dự kiến sẽ tăng 35 microgram/mét khối không khí. Theo ghi nhận trong ngày 20/7, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của chất dạng hạt mịn ở mức 170 tại New York. Con số này được đánh giá là có hại ngay cả đối với những người trưởng thành, khỏe mạnh và cao hơn đến 9 lần so với khuyến nghị về phơi nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hiện có hơn 80 vụ cháy rừng đang hoạt động và đã thiêu rụi khoảng 526.090 ha đất thảm thực vật khô hạn trong những tuần gần đây tại 13 bang miền Tây nước Mỹ. Tại Canada, hàng trăm đám cháy khác cũng đang hoành hành ở miền Tây và miền Trung nước này. Trong đó, chỉ tính riêng ở British Columbia, trong ngày 20/7, có 86 vụ cháy nghiêm trọng, “ngoài tầm kiểm soát” khiến các quan chức tỉnh này phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến nạn hạn hán thêm trầm trọng, tạo điều kiện cho các đám cháy bùng phát mạnh hơn.
Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe toàn cầu Jeni Miller nhấn mạnh, trước việc gia tăng nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng do ô nhiễm không khí từ cháy rừng, không chỉ có Australia, Brazil và Canada mà trên toàn thế giới. Do đó, các Chính phủ cần nâng cao năng lực hệ thống y tế để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người có bệnh lý về hô hấp, trẻ em, người già.
Các nhà khoa học cũng đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu, các tác động khí hậu và sức khỏe và khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách phải đặt mối quan tâm về sức khỏe lên hàng đầu khi thiết lập các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu - bao gồm các cam kết quốc gia theo Thỏa thuận Paris, còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việc thực hiện cả biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng. Tuy nhiên, phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Lan Anh (T/h)