Thứ bảy, 20/04/2024 21:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/07/2021 17:09 (GMT+7)

Cảnh báo: Cháy rừng Amazon sẽ tăng cao trong các tháng tới

Theo dõi KTMT trên

Các tổ chức môi trường tại Brazil lên tiếng cảnh báo, số vụ hỏa hoạn tại Amazon có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt là vào tháng 8 và tháng 9, đỉnh điểm mùa khô tại quốc gia Nam Mỹ này.

Mới đây, Cơ quan Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) ghi nhận 2.308 điểm nóng về cháy rừng tại rừng nhiệt đới Amazon chỉ trong tháng 6 vừa qua, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là thời điểm cháy rừng đạt đỉnh điểm trong vòng 13 năm. Tuy nhiên, số vụ cháy rừng trong tháng 6 chỉ bằng một phần nhỏ so với số vụ cháy xảy ra vào cao điểm của mùa khô trong tháng 8 và 9.

Trước thực trạng đó, các tổ chức môi trường tại Brazil lên tiếng cảnh báo số vụ hỏa hoạn tại Amazon có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, đặc biệt là vào tháng 8 và tháng 9, đỉnh điểm của mùa khô tại quốc gia Nam Mỹ này. Để ngăn chặn nguy cơ, Chính phủ Brazil ngày 29/6 công bố một sắc lệnh cấm sử dụng lửa cho mục đích nông nghiệp trong vòng 120 ngày trên phạm vi toàn quốc.

Cảnh báo: Cháy rừng Amazon sẽ tăng cao trong các tháng tới - Ảnh 1
Số vụ hỏa hoạn tại rừng nhiệt đới Amazon tăng kỷ lục trong tháng 6. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, quân đội cũng được yêu cầu tiếp tục triển khai nhiệm vụ chống chặt phá rừng và cháy rừng ở khu vực rừng rậm lớn nhất hành tinh này. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, quân đội Brazil tham gia các hoạt động chống cháy rừng và khai thác gỗ trái phép ở Amazon.

Bên cạnh đó, Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo về mối liên hệ giữa tình trạng cháy rừng và nạn phá rừng Amazon tại Brazil với biến đổi khí hậu. Theo đó, tình trạng thời tiết khô hạn tại Amazon và vùng đầm lầy Pantanal có thể dẫn đến một mùa cháy nghiêm trọng hơn. Đồng thời, hạn hán khốc liệt khiến lượng nước tại các nhà máy thủy điện trên khắp Brazil ở mức thấp nhất trong 91 năm. Tổ chức phi chính phủ này cũng nhấn mạnh việc đốt rừng và các thảm thực vật bản địa khác là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.

Do đó, áp lực đặt ra đối với Chính phủ Brazil là rất lớn vì đất nước này chiếm tới 60% diện tích rừng rậm Amazon và phần lớn các vụ cháy rừng xảy ra do người dân đốt rừng lấy đất làm nương và chăn nuôi gia súc.

Được biết, thống kê từ Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon (IPAM) và Quỹ Khí hậu Woodwell cho thấy, diện tích rừng rộng 5.000 km2 ở Amazon, tương đương với 500.000 sân bóng đá và gấp 4 lần diện tích thành phố Sao Paulo, có nguy cơ bị thiêu rụi trong mùa khô năm nay.

Rừng Amazon trở thành nguồn xả khí thải gây ô nhiễm không khí

Theo báo cáo mới được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change, trong 10 năm qua (2010 - 2019), lượng khí thải CO2 mà rừng Amazon tỏa ra nhiều hơn 20% lượng nó hấp thụ. Con số chênh lệch này cho thấy, chúng ta không thể tiếp tục dựa dẫm vào lá phổi xanh để có được một hành tinh trong lành. Trong khoảng thời gian từ 2010 tới 2019, rừng Amazon tỏa ra 16,6 tỉ tấn CO2, trong khi đó chỉ hấp thụ 13,9 tỉ tấn.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cũng phát hiện ra rằng, nạn phá rừng bởi các vụ cháy rừng và chặt phá đã tăng gấp gần 4 lần vào năm 2019 so với 1 - 2 năm trước đó, từ khoảng 1 triệu ha lên 3,9 triệu ha. 

Trong cùng khoảng thời gian 10 năm này, sự suy thoái do lấy đất rừng, tàn phá hoặc cháy rừng gây thiệt hại nhưng không phá hủy cây đã gây ra lượng phát thải nhiều gấp 3 lần so với việc chặt phá hoàn toàn khu rừng.

Dữ liệu được kiểm tra trong nghiên cứu chỉ bao gồm Brazil, nơi chiếm khoảng 60% diện tích rừng nhiệt đới Amazon. Theo các nhà khoa học, ở các quốc gia khác có rừng nhiệt đới Amazon, nạn phá rừng cũng đang gia tăng và tình trạng hạn hán diễn ra ngày càng khốc liệt hơn.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa nghiêm trọng và ở một ngưỡng nhiệt độ toàn cầu nhất định có thể khiến rừng nhiệt đới của lục địa này chuyển sang trạng thái thảo nguyên khô hạn hơn nhiều. Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với khu vực này, nơi có số lượng đáng kể các loài động vật hoang dã trên thế giới, mà còn trên toàn cầu.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, khói bụi từ các đám cháy gây ra ước tính khoảng 339.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Các nguy cơ đối với sức khỏe là gây sinh non, nhẹ cân và tiểu đường thai kỳ; bệnh hen suyễn nghiêm trọng cũng như các bệnh hô hấp khác; bệnh tim mạch; và bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tiếp xúc lâu dài với khói bụi từ cháy rừng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương đối với Covid-19. Bởi thực tế, những người bản địa tiếp xúc lâu dài với khói bụi có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn 250% so với dân số chung của Brazil.

“Trước việc gia tăng nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng do ô nhiễm không khí từ cháy rừng, không chỉ có Australia, Brazil và Canada, mà trên toàn thế giới, các Chính phủ cần nâng cao năng lực hệ thống y tế để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người có bệnh lý về hô hấp, trẻ em, người già” - bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo: Cháy rừng Amazon sẽ tăng cao trong các tháng tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới