Thứ sáu, 22/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/06/2021 06:30 (GMT+7)

Mối nguy hại sức khỏe do ô nhiễm không khí từ cháy rừng

Theo dõi KTMT trên

Các đám cháy rừng lớn hơn, thường xuyên hơn đang ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và công tác quản lý đất đai kém hiệu quả.

Báo cáo “Các giới hạn khả năng sống sót - Mối đe dọa đang nổi lên từ ảnh hưởng của khói bụi đến sức khỏe do cháy rừng và biến đổi khí hậu”, với các nghiên cứu thực tế tại Australia, Brazil và Canada đã chỉ ra: Theo các kịch bản về phát thải khí nhà kính hiện tại, số lượng các vụ cháy rừng trên thế giới sẽ tăng lên tới trên 74% vào năm 2100, tạo ra một vòng lặp mất rừng do cháy rừng và gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. 

Đặc biệt tại rừng Amazon, tình trạng phá rừng, cháy rừng kết hợp với hạn hán do biến đổi khí hậu có thể hủy hoại nơi được mệnh danh là lá phổi xanh của Trái đất - một trong những hệ thống dự trữ các-bon lớn của thế giới, làm BĐKH ngày càng trầm trọng hơn.

Mối nguy hại sức khỏe do ô nhiễm không khí từ cháy rừng - Ảnh 1
Sự gia tăng các vụ cháy rừng nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.

Khói từ các đám cháy rừng di chuyển vượt ra khỏi biên giới các nước với khoảng cách rất xa. Điển hình là khói từ các đám cháy rừng ở Australia 2019 - 2020 đã di chuyển 66.000km, khiến 80% dân số nước này phải chịu mức độ ô nhiễm không khí cao do khói bụi. Khói từ các đám cháy ở Alberta, Canada vào năm 2019 cũng bay tới tận châu Âu. Khói bụi từ cháy rừng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí tăng đột biến, trong khi đó, các đám cháy kéo dài lâu hơn có thể làm ô nhiễm không khí gia tăng trong một thời gian dài. Các đám cháy lớn tái diễn hàng năm làm tăng mức độ phơi nhiễm hàng năm.

Theo nghiên cứu, khói bụi từ các đám cháy gây ra ước tính khoảng 339.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Các nguy cơ đối với sức khỏe là gây sinh non, nhẹ cân và tiểu đường thai kỳ; bệnh hen suyễn nghiêm trọng cũng như các bệnh hô hấp khác; bệnh tim mạch; và bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, tiếp xúc lâu dài với khói bụi từ cháy rừng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương đối với Covid-19. Bởi thực tế, những người bản địa tiếp xúc lâu dài với khói bụi có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn 250% so với dân số chung của Brazil.

Tiến sĩ Frances MacGuire, Chuyên gia tư vấn của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu, tác giả chính của báo cáo cho biết: Các tác động ngắn hạn đến sức khỏe do khói bụi cháy rừng hiện đã được ghi nhận đầy đủ, nhưng về dài hạn, vẫn đang có lỗ hổng lớn trong nghiên cứu để hiểu được đầy đủ tác động đến sức khỏe từ khói bụi do cháy rừng gia tăng khi thế giới đang nóng lên và có cả lỗ hổng trong các dịch vụ y tế sơ cấp và thứ cấp.

Theo bà Jeni Miller, Giám đốc Điều hành của Liên minh Khí hậu và Sức khỏe Toàn cầu, trước việc gia tăng nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng do ô nhiễm không khí từ cháy rừng, không chỉ có Australia, Brazil và Canada, mà trên toàn thế giới, các Chính phủ cần nâng cao năng lực hệ thống y tế để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người có bệnh lý về hô hấp, trẻ em, người già.

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa biến đổi khí hậu, các tác động khí hậu và sức khỏe và khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách phải đặt mối quan tâm về sức khỏe lên hàng đầu khi thiết lập các chính sách đối phó với biến đổi khí hậu - bao gồm các cam kết quốc gia theo Thỏa thuận Paris, còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việc thực hiện cả biện pháp giám sát có hệ thống và giảm thiểu ô nhiễm không khí do cháy rừng phải đi đôi với việc giảm thiểu các nguyên nhân gây cháy rừng và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hơn thế nữa, các nhà lãnh đạo toàn cầu, bao gồm cả các nguyên thủ quốc gia của những nước đang trải qua những vụ cháy rừng tồi tệ nhất, phải từng bước hạn chế sự nóng lên toàn cầu thông qua các hành động khẩn trương vì khí hậu - bà Miller nhấn mạnh.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Mối nguy hại sức khỏe do ô nhiễm không khí từ cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.