Thứ bảy, 23/11/2024 06:45 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/10/2020 17:23 (GMT+7)

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường

Theo dõi KTMT trên

Người dân đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường do mức hỗ trợ hiện nay thấp.

Chiều 30/10, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội diễn ra Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn liên quan đến các vấn đề tại khu xử lý rác Nam Sơn.

Đến dự Hội nghị có Phó bí thư Thành ủy Hà Nội - Nguyễn Thanh Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Quốc Hùng; lãnh đạo Huyện Sóc Sơn cùng đông đảo nhân dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn.

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường - Ảnh 1
Hàng cây hoa sữa trước cổng bãi rác Nam Sơn.

Phát biểu tại Hội nghị ông Lê Văn Hộ (82 tuổi, thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có 5 anh em sống quanh khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đều bị ung thư, riêng tôi bị ung thư phổi nhưng không hút thuốc từ bé. Chúng tôi quá khổ, bức xúc nhất là lãnh đạo chính quyền cứ hứa với dân xong đâu lại vào đó trong khi ô nhiễm tại bãi rác Nam Sơn hiện đang ô nhiễm quá nặng. Tôi là Đảng viên, chúng tôi biết việc chặn xe đó là vi phạm pháp luật nhưng cực chẳng đã, không còn cách nào nữa. Chính quyền địa phương cứ hứa để chúng tôi không chặn xe rác nữa xong dân rút thì lại như cũ. Chính sách đền bù không đủ tài chính tối thiểu cho dân di chuyển đi đến nơi ở mới, chúng tôi chỉ mong đất đổi đất. Chính quyền cần rút kinh nghiệm nhất là trong việc chọn các địa điểm tái định cư”.

Trong Hội nghị, rất đông người dân 3 xã kiến nghị ý kiến, các ý kiến tập trung vào các nội dung như: Xem xét nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường do mức hỗ trợ hiện nay thấp và tăng bán kính hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường đến 200m do bãi rác nâng cốt quá cao và quá tải, vòng bán kính 1000-2000m cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ bãi rác ( mùi hôi thối, ruồi muỗi).

Chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, cấp nước sạch và nạo vét, cải tạo, kè cứng suối Lai Sơn.

Có văn bản trả lời về việc có thông tin Khu LHXLCT Sóc Sơn hiện nay đã quá tải nhưng vẫn tiếp tục đổ rác có đúng với các quy trình, quy định của pháp luật không?

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn liên quan đến các vấn đề tại khu xử lý rác Nam Sơn.

Toàn cảnh Hội nghị đối thoại của Thường trực Thành ủy Hà Nội với nhân dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn thuộc huyện Sóc Sơn liên quan đến các vấn đề tại khu xử lý rác Nam Sơn.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình vận hành của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo quy định, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm trách nhiệm của Lãnh đạo Khu LHXLCT Sóc Sơn và các đơn vị liên quan.

Nhân dân phản ánh việc phun thuốc ruồi muỗi trong Khu LHXLCT Sóc Sơn chưa đạt chất lượng, phun qua loa, có hiện tượng người tham gia Tổ công tác phun thuốc bán thuốc ra ngoài.

Công khai kết quả quan trắc môi trường để nhân dân kiểm tra, giám sát; Di chuyển hàng cây hoa sữa đã trồng dọc đường vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn vì mùi hoa sữa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Nhóm vấn đề về giải phóng mặt bằng: Về Tái định cư: Đề nghị UBND thành phố sớm ra Quyết định đầu tư xây dựng khu tái định cư xóm Ninh Liệt, thôn 9, Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội. Công khai mức giá khu Tái định cư với người dân để nhân dân được biết; Trong khi chờ đợi đầu tư tái định cư, đề nghị sớm phê duyệt phương án đền bù theo Biên bản đã kiểm đếm và chi trả cho các hộ dân. Đề nghị cho nhân dân tạm cư tại chỗ. Khi nào UBND thành phố bàn giao Tái định cư cho nhân dân thì nhân dân sẽ nộp tiền sử dụng đất vào khu tái định cư.

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường - Ảnh 3
Người dân phát biểu tại Hội nghị.

Hiện nay Nhà nước đền bù cho nhân dân giáp đường tỉnh lộ theo vị trí từ 0 đến 200m theo vị trí 1,2,3,4, Từ 201 (m2) trở lên được đền bù theo giá đất nông thôn. Vậy, đề nghị Thành phố áp dụng khung giá đất khu Tái định cư cách tỉnh lộ trên 200m2 trở lên theo giá đất nông thôn.

Các hộ đang sinh sống ổn định trên các thửa đất không phải là đất ở, đề nghị UBND thành phố hỗ trợ 1 suất Tái định cư tối thiểu = 120m.

Về giá đất: Đề nghị UBND thành phố áp dụng khung giá đất mới 2020-2024 (tăng 10 %) và nhân với hệ số k đã đang thực hiện (Tăng giá đất).

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường - Ảnh 4
Người dân chặn xe chở rác vào khu xử lý Nam Sơn ngày 25/10.

Đối với đất vườn: Vị trí các thửa đất nhân dân đã nộp thuế đất phi nông nghiệp theo vị trí 1,2,3,4 đường 35 đi Bắc Sơn giá rất cao nhưng khi áp dụng chính sách đền bù GPMB, lại áp theo giá đền bù của các thửa đất liền kề ở nông thôn (500.000 đồng/m2). Đề nghị UBND thành phố có chính sách đặc thù trợ giá đất vườn cùng thửa đất có đất ở theo vị trí như: Tại xã Hồng Kỳ, vị trí 1=2.860.280đ. Vị trí 2 = 2.201.315 đồng. Vị trí 3=1.914.157 đồng, Vị trí 4=1.777.653 đồng;

Tại xã Bắc Sơn: Vị trí 1=2.352.196 đồng; Vị trí 2=1.838.688 đồng, Vị trí 3 = 1.601.093, vị trí 4=1,488,675 đồng.

Đề nghị UBND Thành phố xem xét nghiệm điều chỉnh giá các loại đất và có chính sách hỗ trợ ngoài đối với các trường hợp đã được cấp GCN QSD đất vượt hạn mức 400m2.

Đối với các thửa đất nông nghiệp trồng cây lâu năm không cùng thửa đất ở được áp dụng theo văn bản số: 2819/UBND -GPMB ngày 05/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác GPMB khi nhà nước thu hồi đất tại các dự án khu vực Khu LHXLCT Sóc Sơn.

Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường - Ảnh 5
Rác ùn ứ ở nội thành Hà Nội.

Về Bồi thường, hỗ trợ tài sản: Đề nghị Thành phố có chính sách bồi thường, hỗ trợ 100% giá trị bể bioga và bể phốt như các công trình phụ trong đất liền kề.

Về chính sách GPMB: Đề nghị Thành phố nghiên cứu, xem xét chính sách, áp dụng chế độ đặc thủ đối với dự án di dân vùng AHMT, giải quyết các nội dung bất cập hiện nay trong công tác GPMB đảm bảo quyền lợi cho người dân di chuyển, tránh tái nghèo sau di chuyển.

Về cơ sở hạ tầng: Đề nghị Thành phố đầu tư cho vùng ảnh hưởng môi trường các tuyến đường giao thông nông thôn vì hiện nay cơ sở hạ tầng cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường đã xuống cấp và đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.

Đề nghị Thành phố đầu tư xây dựng cho thôn 2, thôn 3, xã Hồng Kỳ Nhà văn hóa mới vì Nhà văn hóa cũ nhỏ, đã xuống cấp, không đảm bảo hội họp. (Nằm trong phạm vi 0-1000m).

Trước đó, vào tối 23/10, một lần nữa người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lại dựng lều, trực canh, ngăn xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Đến tối 26/10, sau những nỗ lực từ các bên, lều canh đã được tháo dỡ cho các xe rác vào khu xử lý rác Nam Sơn (Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 tính từ năm 1999 đến nay, người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn khiến nội thành Hà Nội ngập rác). Đến tối 26/10, lều bạt đã được dỡ bỏ, 2 đường vào bãi rác đã được thông dưới sự đồng thuận chưa cao của người dân.

Giá bồi thường

Đất nông nghiệp trồng cây lâu năm: 500.000 đồng/m2 (bao gồm cả bồi thường và hỗ trợ).

Đất ở: khu vực nông thôn: 866.040 đồng/m2; Vị trí 1,2,3,4 đường 35 đi Bắc Sơn đoạn xã Hồng Kỳ: Từ 2.539.508 đến 4.086.120 đồng/m2 (tăng 1,2 lần so với giá đất TP Hà Nội quy định QĐ 96); Vị trí 1,2,3,4 đường 35 đi Bắc Sơn đoạn xã Bắc Sơn: Từ 2.126.678 đến 3.360.280 đồng/m2 (tăng 1,2 lần so với giá đất TP Hà Nội quy định QĐ 96).

Bãi rác Nam Sơn quy hoạch đến năm 2020 có quy mô 157ha, đến năm 2030: 257ha, đến năm 2050 là 280ha tại các xã Bắc Sơn, Hồng Kỳ và Nam Sơn. Giai đoạn 1 được bầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 83,83ha.

Giai đoạn 2 với diện tích 73,73ha, đến nay đã hoành thành GPMB khu phía Nam (xã Hồng Kỳ, Nam Sơn 36,26ha), còn 37,47ha thuộc xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn đang tiếp tục thực hiện công tác GPMB.

Tháng 10/2016, khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 1 được phủ vải bạt đóng bãi, bắt đầu đổ rác sang ô chôn lấp của giai đoạn 2, thiết kế đổ cao độ cos +35m đối với ô 1.6, các ô còn lại nở cos +23m, ô hợp nhất cao độ cos+32m.

Sau hơn 20 năm hoạt động khu xử lý Nam Sơn hiện nay tiếp nhận khoảng 5000 tấn/ ngày đêm. Xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận huyện, chiếm 77% lượng rác của toàn TP Hà Nội.

Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng 2000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa xử lý vẫn còn. Hàng ngày có khoảng 550 xe chở rác lên khu xử lý.

Văn Ngân

Bạn đang đọc bài viết Người dân quanh bãi rác Nam Sơn đề nghị nâng mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới