Thứ năm, 25/04/2024 17:38 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 17:44 (GMT+7)

‘Điệp khúc’ chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, bao giờ mới đến hồi kết?

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù bãi rác Nam Sơn đã hoạt động bình thường trở lại, nhưng nỗi lo khủng hoảng rác thải vẫn hiện hữu khi việc cốt lõi là đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân vẫn chưa thể giải quyết.

21 năm sống chung với ô nhiễm

Như một quy luật “đến hẹn lại lên,” người dân quanh bãi rác Nam Sơn lại tiếp tục chặn xe rác đòi quyền lợi vì những lời hứa của địa phương với dân vẫn chưa được thực hiện.

Từ tối 23/10, người dân thuộc xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã mang bàn ghế, căng bạt để chặn đường vào 2 cổng của khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 người dân chặn đường vào bãi rác lớn nhất Thủ đô. Cách đây 4 tháng, người dân xã Nam Sơn cũng chặn đường, liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đến 20h ngày 26/10, công tác tiếp nhận rác thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn) đã bình thường trở lại sau 3 ngày ngừng hoạt động. Tuy nhiên, nỗi lo khủng hoảng rác thải vẫn hiện hữu khi việc cốt lõi là đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân vẫn chưa thể giải quyết.

Báo cáo với Thành ủy, UBND TP.Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn thống kê khá nhiều nguyên nhân. Đó là do người dân bức xúc ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.

Đặc biệt những ngày gần đây, bãi rác bốc mùi nồng nặc, các xe chở rác bị ùn ứ, làm rò rỉ nước rác bốc mùi hôi thối dọc tuyến đường, nhất là tại khu vực thôn 2, xã Hồng Kỳ.

Các hộ dân cũng bức xúc về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn; đồng thời đề nghị được bồi thường, hỗ trợ diện tích đất ở theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, áp dụng với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt hạn mức đất ở 400m2 và đã chia tách, mua bán, chuyển nhượng.

Đối với các trường hợp đã chuyện nhượng hết đất ở, hiện các hộ dân sinh sống trên phần diện tích đất vườn cùng thửa đất ở, đề nghị được hưởng suất tái định cư để ổn định đời sống.

‘Điệp khúc’ chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, bao giờ mới đến hồi kết? - Ảnh 1
Người dân bức xúc khi ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. (Ảnh: Internet)

Tại buổi đối thoại giữa người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và chính quyền xã Hồng Kỳ về việc người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn diễn ra chiều 26/10, nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc khi phải chịu tình cảnh ô nhiễm của bãi rác thải trong suốt 21 năm qua.

Theo VOV, ông Ngô Văn Quý, người dân xóm Hòa Bình, thôn 2, xã Hồng Kỳ nêu ý kiến: “Chúng tôi là người dân cũng chịu khổ bao năm nay vì bao nhiêu điều thành phố hứa với dân nhưng chưa làm được. Chúng tôi bây giờ không biết tin tưởng, bấu víu vào ai. Chúng tôi mong các lãnh đạo mới lên hãy đối thoại trực tiếp với người dân và có lời hứa, thực hiện lời hứa với người dân”.

Còn theo bà Hoàng Thị Mai, đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, song đây là việc mà người dân buộc phải làm.

“Chúng tôi rất chia sẻ với thành phố nhưng lại rất bức xúc vì những lãnh đạo không giữ lời hứa. Chúng tôi cũng không phải là trẻ con để nay chặn, mai chặn xe rác. Chúng tôi hiểu việc chặn xe thế này cũng là vi phạm pháp luật, nhưng là người dân thấp cổ bé họng. Không chặn xe, chúng tôi không gặp được lãnh đạo để kêu cứu”, bà Mai bức xúc.

Bà Mai cũng mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại cách tính toán đền bù cho người dân, bởi nếu thực hiện đền bù với giá 866.000 đồng/m2 đối với đất thổ cư và 78.000 đồng/m2 đất trồng cây lâu năm, thì người dân không đủ khả năng để tiếp tục duy trì cuộc sống sau khi chuyển về nơi tái định cư.

“Cứ 10m2 đất trồng cây lâu năm của chúng tôi mới đổi được 1m2 đất tái định cư. Nếu đền bù như vậy thì mua được đất cũng không đủ tiền làm nhà, chưa nói lấy gì để sản xuất, sinh sống”, bà Mai nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến việc đền bù, ngày 26/10, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP.Hà Nội) thể hiện sự quan ngại vì là lần thứ hai trong năm nay, người dân 2 xã lập chốt chặn xe rác từ Hà Nội về.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về những cán bộ được phân công thanh toán, chi trả tiền đền bù cho người dân. Thực tế, vướng mắc trong thanh toán, chi trả tiền đền bù cho người dân ở đây đã kéo dài nhiều năm mà chưa được giải quyết triệt để.

“Tại sao lại không chi trả tiền đền bù cho dân, tiền đền bù cho dân hiện nay đang ở đâu và ai không chi trả. Từng cấp từ thành phố đến quận, huyện Sóc Sơn cũng như đối với địa phương cần xem người nào không thực hiện đúng quy định” – đại biểu Khánh đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, việc xem xét trách nhiệm từ các lãnh đạo thành phố, đến huyện, địa phương, cũng như các sở, ban, ngành không thực hiện việc thanh toán, chi trả đền bù cho người dân. Đặc biệt, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt, không chỉ giải quyết vấn đề mang tính chất tình thế để dẹp yên vài ba ngày, xong lại tiếp tục tái diễn như hiện nay. Việc này cũng tạo tiền lệ xấu cho người dân, cứ khi có xe rác từ Hà Nội về lại lập chốt chặn, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, lãnh đạo UBND thành phố cũng phải xem trách nhiệm của cán bộ được phân công phụ trách công việc này, tại sao lại để ách tắc dẫn đến bức xúc của người dân.

‘Điệp khúc’ chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, bao giờ mới đến hồi kết? - Ảnh 2

Bộc lộ nhiều yếu kém trong khâu quản lý

Bên cạnh việc đền bù GPMB, các chuyên gia môi trường cho rằng, chừng nào Hà Nội còn xử lý chất thải sinh hoạt (CTRSH) bằng phương pháp chôn lấp thì vẫn còn những mâu thuẫn, xung đột với người dân như câu chuyện Nam Sơn vừa qua.

Một số chuyên gia cho rằng, những bất cập của Hà Nội trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH hiện nay chủ yếu là ở một số vấn đề như: Công nghệ xử lý lạc hậu (chủ yếu sử dụng phương pháp chôn lấp); công tác quy hoạch quản lý (chất thải rắn) CTR chưa hợp lý; việc triển khai mô hình xử lý rác thải còn nhiều vướng mắc; hạ tầng thu gom, phân loại rác thải chưa đồng bộ; nhận thức, sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân Hà Nội còn hạn chế, dẫn tới những hệ lụy về môi trường và xã hội trong thời gian qua.

Đi vào hoạt động từ năm 1999 và là nơi tập kết, xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội, bãi rác Nam Sơn thuộc địa phận 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn), với diện tích ban đầu là 83,5 ha, trong đó 53,49 ha là diện tích bãi rác.

Theo Quy hoạch xử lý CTR của Thủ đô đến năm 2020, bãi rác Nam Sơn có công suất là 4.500 tấn/ngày, nhưng hàng ngày, bãi rác phải tiếp nhận và xử lý với công suất 5.000 tấn rác từ các quận nội thành của Hà Nội nên bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải.

Đến nay, chôn lấp vẫn là phương pháp xử lý CTRSH chủ yếu của Hà Nội - một phương pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nước rỉ rác không được thu gom, xử lý triệt để, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, thấm xuống đất làm ô nhiễm đất và nước ngầm. Chưa kể, lượng rác thải chưa được xử lý, chất đống tại các bãi hở, không có mái che, làm phát sinh mùi hôi, gây bức xúc trong nhân dân.

Rác không chỉ là rác mà thực sự nó đang trở thành vấn đề an ninh xã hội. Nhìn người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, nhìn bộ mặt Thủ đô ùn ứ rác chúng ta thấy rõ điều đó. “Khủng hoảng rác” xảy ra suốt thời gian qua ở nhiều đô thị lớn của nước ta, trong đó, có Thủ đô Hà Nội, không chỉ đơn thuần là chuyện của những cọng rác và bãi chôn lấp rác mà nó bộc lộ nhiều vấn đề ngay trong khâu quản lý.

‘Điệp khúc’ chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, bao giờ mới đến hồi kết? - Ảnh 3
 Thủ đô Hà Nội ùn ứ rác trong suốt nhiều ngày qua.

Nguyên nhân chính của thực trạng khủng hoảng này còn xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn.

Tiến sĩ Edward McBean, chuyên gia về các vấn đề môi trường và xử lý chất thải rắn của Đại học Guelph ở Ontario, Canada từng nhấn mạnh việc bắt buộc phân loại rác thải. Ông cho rằng dù công nghệ nào đi chăng nữa, chỉ khi rác được phân loại đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo được hiệu năng xử lý và ngăn các khí thải có hại sinh ra trong quá trình đốt. Việc phân loại rác không chỉ đáp ứng các yêu cầu về xử lý mà còn giúp đảm bảo độ bền, tuổi thọ cho hệ thống, máy móc xử lý.

Nếu mỗi gia đình tự phân loại rác tại nhà với mức độ chính xác khoảng 80% sẽ tiết kiệm cho chính phủ một khoản tiền khổng lồ để xử lý rác thải. Việt Nam cần bắt đầu với việc thay đổi thói quen, nhận thức của người dân nhất là nhận thức của trẻ em.

Ông Edward McBean nói đây là một thách thức rất lớn. Việc xử lý rác thải vẫn đang được bao cấp và gần như không có doanh nghiệp nào muốn tham gia vì khả năng sinh lời rất thấp. Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với người dân nhằm cải thiện việc phân loại và xử lý rác thải này. Chế tài và các biện pháp xử phạt cũng là một công cụ hữu hiệu thực thi các quy định về phân loại rác tại nguồn.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết ‘Điệp khúc’ chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, bao giờ mới đến hồi kết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.