Thứ năm, 28/03/2024 20:50 (GMT+7)
Thứ năm, 24/02/2022 17:00 (GMT+7)

Năng lượng sạch sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu ‘Net Zero’

Theo dõi KTMT trên

Đặc phái viên Mỹ nhận định, chìa khóa then chốt trong công cuộc chống biến đổi khí hậu là Việt Nam cần giảm sử dụng than đá và tiến đến từ bỏ nguồn năng lượng này, tạo tiền đề thực hiện cam kết tiến tới "phát thải zero" tại COP26.

Việt Nam cần tiến đến từ bỏ sử dụng than đá

Phát biểu tại sự kiện công bố “Quỹ Thách thức Đổi mới sáng tạo”, ông John Kerry - Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, đánh giá cao tiềm lực năng lượng xanh của Việt Nam, tạo tiền đề thực hiện cam kết tiến tới "phát thải zero" tại COP26.

Theo thông tin của USAID, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể nhu cầu về điện và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức 8% đến năm 2030.

Như vậy, Việt Nam sẽ cần 8 - 10 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong thập kỷ tới nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã được dự báo.

Trên cơ sở đó, Đặc phái viên John Kerry gợi ý rằng chìa khóa then chốt trong công cuộc chống biến đổi khí hậu là Việt Nam cần giảm sử dụng than đá và tiến đến từ bỏ nguồn năng lượng này.

Thay cho than đá trong nhiệt điện, Việt Nam có thể dựa vào thủy điện, điện gió, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi. Do đó, Việt Nam có thể có một nguồn cung cấp điện rất cân bằng và thân thiện môi trường hơn so với than đá.

Năng lượng sạch sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu ‘Net Zero’ - Ảnh 1
Việt Nam có tiềm lực về năng lượng xanh, tạo tiền đề thực hiện cam kết tiến tới "phát thải zero" tại COP26. 

“Dù than tạo nên khí thải bẩn, đến nay nhiều nước vẫn tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng này cho hoạt động kinh tế”, theo Đặc phái viên Tổng thống Mỹ. Ông cho rằng đã đến lúc nói không với nhiệt điện, tạo nên sự chuyển đổi nguồn năng lượng phù hợp hướng đến làm sạch không khí, cải thiện môi trường sống và bảo vệ sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, ông Kerry khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào 2050, trong đó có Quy hoạch điện VIII, cũng như thúc đẩy phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, đồng thời xem xét đề ra chính sách để loại bỏ điện than.

Ông Kerry nhắc lại một cảnh báo đã được nhiều báo cáo đề cập trước đó, bao gồm từ Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Đơn cử như tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang bị đe dọa bởi nước biển dâng và nguồn lương thực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có sự chuyển đổi phù hợp.

Xu thế chuyển dịch năng lượng bền vững

Xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo đang là cuộc chạy đua quyết liệt giữa các nước nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Trên “đường đua” này, để không bị tụt lại phía sau, Việt Nam cần phải tăng tốc nhanh hơn nữa.

Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững. Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam hiện có công suất điện mặt trời được lắp đặt toàn diện nhất ở Đông Nam Á, với 16.500 MW được sản xuất vào năm 2020. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất trên toàn cầu vào năm 2020.

Với tiềm năng lớn về điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050, Việt Nam có nhiều cơ hội để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Ngoài ra, có lý do thuyết phục để thành lập các dự án năng lượng gió ở Việt Nam do Việt Nam có nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng 311 GW.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng, nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ thăng hạng hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và sáng tạo.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng.

Dù còn nhiều khó khăn thách thức, song các chuyên gia năng lượng đồng tình nhận định, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Trao đổi với VietNamNet, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng chia sẻ: Năng lượng tái sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện Net Zero. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, phát thải khí nhà kính không phải chỉ có từ nhiệt điện. Nền công nghiệp của Việt Nam cũng đốt nhiều than. Nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh những lĩnh vực phát thải ra khí nhà kính, chúng ta cũng có những phương thức giảm nhẹ, để khí CO2 không thải ra môi trường. Đó là lâm nghiệp, trồng rừng.

“Rừng hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển của Trái Đất. Qua đó, rừng trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các cánh rừng là bể hấp thu CO2 phát ra nên phải trồng rừng, không được phá rừng. Nếu Việt Nam phát thải ra nhiều CO2 nhưng có các cánh rừng hấp thụ lại thì là một trong các yếu tố để tạo thành Net Zero”, TS Ngô Đức Lâm khuyến nghị.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng sạch sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu ‘Net Zero’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.