Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, giảm dần phát thải ròng về '0' trong vận tải biển
Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận tại cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon, khí mê-tan trong lĩnh vực hàng hải.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Vụ Môi trường đã chủ trì cuộc họp về xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan trong lĩnh vực hàng hải.
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng Kế hoạch và Chương trình theo yêu cầu, Vụ Môi trường đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cần nêu rõ hiện trạng và xu thế phát triển đội tàu biển nội địa Việt Nam, hệ thống cảng biển, trang thiết bị tại các cảng biển và nhu cầu năng lượng.
Cùng với đó, nêu rõ thực tiễn chuyển đổi sử dụng năng lượng điện đối với trang thiết bị tại cảng biển Việt Nam và kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới. Thực tiễn áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng đối với tàu biển theo quy định của IMO và xu hướng chuyển đổi công nghệ động lực tàu biển sang sử dụng năng lượng xanh trên thế giới để đạt phát thải khí nhà kính bằng “0” trong hoạt động của tàu biển.
Về xác định mục tiêu cụ thể, đối với cảng biển, định rõ thời điểm bắt buộc áp dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng điện đối với các cảng biển đầu tư mới và lộ trình chuyển đổi sang năng lượng điện đối với các cảng biển đang hoạt động.
Với tàu biển nội địa, áp dụng quy định về hiệu quả năng lượng của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO). Định rõ thời điểm tàu biển nội địa đăng ký phải đáp ứng yêu cầu đạt phát thải khí nhà kính bằng “0” khi hoạt động và lộ trình chuyển đổi đối với tàu biển nội địa Việt Nam đang khai thác.
Đối với nhiệm vụ và giải pháp, cần tập trung đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đăng ký tàu biển, điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tàu biển nội địa.
Đồng thời, cần đề ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cần phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Viện Chiến lược & Phát triển giao thông vận tải trong dự thảo kế hoạch, chương trình, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan trong lĩnh vực hàng hải để hoàn thiện trước ngày 1/3/2022.
Vận tải hàng hóa bằng đường biển có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, báo cáo về việc triển khai, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 của Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Môi trường Trần Ánh Dương cho biết, hiện nay, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (như: xăng, dầu, ...) gây phát thải khí nhà kính.
Theo xu hướng của quốc tế, để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, ngành GTVT phải thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính chính là chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, amoniac, xăng tổng hợp, …; phát triển giao thông công cộng.
Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…
Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp.
Để phù hợp với nhu cầu của xã hội và để duy trì sự phù hợp với vai trò là một ngành công nghiệp then chốt - bây giờ là lúc phải hành động. Ngành vận tải biển phải đạt mức cân bằng carbon vào năm 2050 và để đạt được điều đó, tàu không phát thải phải trở thành sự lựa chọn ưu thế và cạnh tranh vào năm 2030, thời điểm mà chúng ta cần đạt được nguồn năng lượng không phát thải chiếm 5% trong vận tải biển quốc tế.
Lan Anh (T/h)