Xây dựng quy chuẩn khí thải đối với ô tô lưu hành có thực sự cấp thiết?
Hạn chế phát thải giao thông là mảnh ghép quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Quốc hội đã thông qua Luật BVMT 2020, trong đó yêu cầu ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông.
Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay trên toàn quốc có 241 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (Hà Nội 29 trung tâm, TP.HCM 19 trung tâm, Bình Dương 9 trung tâm, Nghệ An 8, Hải Phòng 7 trung tâm, Đồng Nai 6 trung tâm và các tỉnh thành khác có khoảng 3-4 trung tâm).
Kết quả đăng kiểm trong năm 2020 cho thấy đối với các xe từ 20 năm trở lại đây cho thấy, đối với xe sử dụng nhiên liệu xăng: Lần 1 đạt: 95%; Sau khi bảo dưỡng lại thì đạt 97,68%. Đối với xe sử dụng nhiên liệu diesel: Lần 1 đạt: 83,6%; Sau khi bảo dưỡng lại thì đạt 92,18% (so sánh với mức 2 TCVN 6438).
Việc chỉ quy định khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ đang lưu hành ở Mức 2 nên các phương tiện giao thông dễ dàng đáp ứng dẫn đến tác động ô nhiễm môi trường không khí vẫn chưa được cải thiện. Theo Bộ TN&MT, tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với một số nước thuộc khu vực châu Âu, châu Á (Nhật Bản, Đài Loan...) và trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan).
Hiện Việt Nam chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia đối với khí thải ô tô đang lưu hành, trong đó, quy định giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm: Cacbonmonoxit (CO), Hydrocacbon (HC) trong khí thải của động cơ cháy cưỡng bức và độ khói trong khí thải của động cơ cháy do nén được lắp trên xe đang lưu hành là hết sức cấp thiết.
Hiện nay, quy định hiện hành giới hạn xác định tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện ô tô đang lưu hành quy định tại TCVN 6438:2018 Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải. Tuy nhiên, từ thời điểm ban hành TCVN 6438:2005 đến nay là TCVN 6438:2018 không thay đổi giá trị các mức 1, 2, 3 và 4. Việc áp dụng đối với xe ô tô đang lưu hành sản xuất từ năm 2008 đến nay vẫn áp dụng mức 2.
Sau khi nghiên cứu, đánh giá, Bộ TN&MT Dự thảo Quy chuẩn quy định ngưỡng giới hạn cho 4 thông số (CO, HC, hệ số dư lượng không khí Lamđa và độ khói đối với khí thải của các loại phương tiện ô tô) trên cơ sở tiếp tục kế thừa các thông số từ TCVN 6438:2018. Đồng thời, căn cứ vào số liệu đo kiểm thực tế của Cục Đăng kiểm và kết hợp kinh nghiệm quốc tế các nước trong khu vực châu Á và châu Âu, bổ sung các giá trị ở mức 5.
Theo đó, Dự thảo quy chuẩn này nếu được ban hành sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành tại Việt Nam. Ngoại trừ các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.
Giảm thiểu khí thải phương tiện giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ con người
Trong một báo cáo được công bố vài ngày trước tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học cũng kết luận rằng, nếu các phương tiện tiếp tục phát thải ô nhiễm không khí ở mức năm 2008 trong suốt khoảng thời gian vừa qua, tổng số người chết trong năm 2017 sẽ cao hơn 2,4 lần.
Theo nghiên cứu, các loại xe hạng nhẹ như ô tô con, xe bán tải và xe SUV đã giảm bớt gánh nặng sức khỏe nhờ các quy định khắt khe hơn đối với các công ty sản xuất xe và nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, những lợi ích này đang bị hạn chế bởi dân số ngày càng tăng và già đi cũng như do nhiều người mua xe có lượng khí thải lớn hơn và di chuyển thường xuyên.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực miền Nam, trong đó có TP.HCM, môi trường không khí đã bị tác động do bụi lơ lửng tổng số và tiếng ồn, gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng. Tại khu vực miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, trong tháng 7 và tháng 11 năm 2020 có một số ngày chất lượng không khí có diễn biến xấu đi, do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu.
Một trong nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu khoa học của một số chuyên gia môi trường tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tỉ lệ ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 40% đến 60%.
Gần đây nhất, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ 1/1/2022 các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải mức 5, nhằm hạn chế cao nhất thành phần thải chất độc hại có trong khói xe ô tô.
Được biết, mức khí thải 5 tương ứng mức Euro 5 (trong quy định kỹ thuật về khí thải xe cơ giới của Ủy ban kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc hoặc trong chỉ thị của Liên minh châu Âu) và là mức khí thải cao nhất theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay, có mức hạn chế cao nhất thành phần thải chất độc hại có trong khói xe ô tô.
Theo đó, các xe mới trước khi bán ra thị trường đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp kiểm định cho từng xe nhập khẩu nguyên chiếc hoặc cho kiểu loại xe sản xuất trong nước, giấy chứng nhận xuất xưởng chiếc xe sản xuất trong nước để chứng nhận phương tiện thỏa mãn các quy định kỹ thuật của Việt Nam để lưu hành. So với mức 4 áp dụng từ 1/1/2017, tiêu chuẩn khí thải mức 5 có những yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn cũng như công nghệ mới hơn.
Lan Anh (T/h)