Thứ sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT+7)
Thứ năm, 02/12/2021 16:00 (GMT+7)

Kiểm soát khí thải giao thông đường bộ đã thực sự đúng hướng?

Theo dõi KTMT trên

Lượng khí thải, bụi gây ô nhiễm đang tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông đường bộ. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thiện kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải.

Ô nhiễm từ hoạt động giao thông ngày càng tăng

Theo các chuyên gia môi trường, thời gian qua, hoạt động giao thông vận tải đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tuy nhiên, việc tăng cường các hoạt động GTVT làm phát sinh không ít các vấn đề môi trường không khí.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí.

Kiểm soát khí thải giao thông đường bộ đã thực sự đúng hướng? - Ảnh 1
Các tuyến đường tắc mọi khung giờ. (Ảnh: Báo Lao động)

Lượng khí thải, bụi… gây ô nhiễm đang tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,5 lần.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian trước năm 2010, cả nước có khoảng 20 triệu mô tô và xe máy, năm 2010 đã tăng lên khoảng 24 triệu xe và đến năm 2015, dự báo lượng xe máy lưu hành trong cả nước khoảng 31 triệu xe. Hàng ngày, chỉ cần một nửa số phương tiện trên hoạt động cũng đã xả ra môi trường một lượng lớn các khí độc hại, trong đó có nhiều thành phần gây nên hiệu ứng nhà kính, gây ra các loại bệnh như: Viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, viêm mũi…

Đặc biệt, tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ô nhiễm. Có 60 – 80% các nguyên nhân do tiếng ồn từ động cơ như: Do ống xả, do rung động các bộ phận xe, đóng cửa xe, còi xe, phanh xe, do sự tương tác giữa lốp xe và mặt đường… Tiếng ồn gây tác hại rất lớn đến toàn bộ cơ thể nói chung và cơ quan thính giác nói riêng. Tiếng ồn mạnh, thường xuyên gây nên bệnh đau đầu, chóng mặt, trạng thái tâm thần bất ổn, mệt mỏi…

Báo cáo cũng cho thấy, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các loại xe. Đối với các phương tiện như xe ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao… là nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là các khí thải CO, VOC… Xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2.

Tại các khu dân cư, mức độ ô nhiễm thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với các trục đường giao thông. Tuy nhiên, đối với khu dân cư nằm trong các đô thị lớn chịu ảnh hưởng rõ rệt của giao thông, mức độ ô nhiễm vẫn vượt nhiều lần ngưỡng cho phép quy chuẩn Việt Nam (QCVN), đáng kể như các điểm tại: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương. Ngược lại, ở các khu dân cư đô thị quy mô nhỏ và vừa, chất lượng không khí đo được còn khá tốt.

Áp dụng tiêu chuẩn khí thải của phương tiện giao thông đường bộ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát chất lượng không khí xung quanh, cảnh báo, dự báo chất lượng không khí nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh việc kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải.

Về các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát nguồn khí thải từ hoạt động giao thông vận tải, Chính phủ giao nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan. Trong đó, đến năm 2025, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và khí thải cho các ngành sản xuất và phương tiện giao thông vận tải.

Kiểm soát khí thải giao thông đường bộ đã thực sự đúng hướng? - Ảnh 2
Kể cả phương tiện công cộng cũng phát thải một lượng CO2 rất lớn. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2022, hoàn thành rà soát, hoàn thiện và trình ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và đang lưu hành ở Việt Nam.

Về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007. Trong đó, cần tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhiên liệu sinh học và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng sử dụng nhiên liệu sinh học.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, xây dựng kế hoạch cung ứng nhiên liệu phù hợp với quy chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Kiểm soát chất lượng nhiên liệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phát triển các phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng, nhiên liệu thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển giao thông công cộng trong các đô thị…

Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thiện kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải và phổ biến thông tin về chất lượng không khí, trong đó có ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kiểm soát khí thải giao thông đường bộ đã thực sự đúng hướng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.