Phương tiện giao thông công cộng có góp phần bảo vệ môi trường?
Hoạt động giao thông vận tải đã và đang là thách thức lớn cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ là hướng đi đúng đắn trong tương lai, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn không chỉ riêng một quốc gia, một khu vực mà là mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới đã dẫn đến những tác động to lớn đến môi trường, làm cho môi trường sống biến đổi và có xu hướng ngày càng trở nên xuống cấp trầm trọng. Đó là sự biến đổi của khí hậu - nóng lên toàn cầu, sự suy giảm tầng ozone và mưa axit… đặc biệt là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải gây ra. Ở Việt Nam ô nhiễm môi trường trên địa bàn các đô thị lớn đang trở thành một vấn đề bức xúc.
Vấn đề ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải đô thị gây ra ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó là ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa gắn liền với quá trình công nghiệp hóa. Quá trình đô thị hóa một mặt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và kéo theo đó dân số đô thị sẽ không ngừng gia tăng.
Thực tế, phương tiện giao thông đã và đang là thách thức lớn cho đất nước ta sự phát triển không đúng hướng đã dẫn đến nhiều vấn nạn về an toàn, ùn tắc giao thông cho đến sự lãng phí và gây ô nhiễm đến môi trường.
Di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng sẽ là một sự lựa chọn cho tất cả mọi người. Đồng thời, xu hướng phát triển giao thông xanh - thông minh đang là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự bền vững.
Các phương tiện giao thông công cộng có thể giúp cải thiện được cơ cấu đô thị bằng cách giải phóng được không gian lẽ ra được sử dụng để làm đường và nơi đỗ xe. Đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khác như khu vực cho người đi bộ và các khoảng không thoáng có sức hấp dẫn về môi trường.
Bên cạnh đó, giao thông công cộng cũng ít gây hại cho môi trường trên mỗi kilomet/hành khách so với các xe tư nhân về yêu cầu không gian, tiêu thụ nhiên liệu, ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn và mức độ an toàn. Sức kéo bằng điện không gây ô nhiễm khi sử dụng và năng lượng cần thiết có thể được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện, nơi có thể kiểm soát ô nhiễm một cách chặt chẽ.
Phương tiện giao thông công cộng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho an toàn giao thông, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng cần khẳng định vai trò của mình trong cách tiếp cận tổng thể đối với môi trường và cải thiện đô thị. Người vận hành phải có trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ thường xuyên, đáng tin cậy và an toàn để đáp ứng được các yêu cầu của hành khách.
Thùy Linh (T/h)