Cõi về, thật...!
Thời gian trôi đi, vẫn lạnh lùng trôi không đợi chờ ai, và tôi cùng bạn cũng trôi theo thời gian, chúng ta giờ đây không còn trẻ nữa như ngày ấy, ngày mới trở về cố hương tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và phát triển trên mảnh đất còn nhiều vùng trũng.

Những năm 1995 – 1997 cũng là những năm tôi xuất nhập khẩu nhiều xe ô tô cũ (second hand) vào Việt Nam nên bay qua bay lại Việt Nam và Canada nhiều lần trong năm. Hà Nội - Sài Gòn cùng không ít những chuyến bay tôi góp mặt trong tháng. Từ đó tôi có cơ hội quen biết nhiều thành phần trong đất nước Việt Nam, người thật việc thật có, người ảo việc láo có. Dù sao đi nữa cũng là trải nghiệm đáng quý của một đời người, những địa chỉ nổi tiếng của Sài Gòn tôi cũng có dịp ghé qua, dừng lại, chiêm nghiệm và rồi để nhớ, để quên như con đường Tú Xương có những căn biệt thự đầy ắp quyền uy, có những người trên vạn người và chỉ dưới một vài người.
Sau đó, tôi dành hết thời gian cho đầu tư, cho kinh doanh từ buôn bán nhỏ lẻ đến kinh doanh nhỏ và vừa cho đến nay hơn 30 năm có lẻ.
Trong lúc rảnh rỗi tôi cũng viết bài đăng trên Tạp chí Quê Hương của Bộ Ngoại giao, viết những tâm huyết của tôi nói riêng, của người Việt Nam ở nước ngoài nói chung về Tổ quốc của mình, khi họ ra đi bằng nhiều cách khác nhau. Còn nhớ tháng 4 năm 2008 (mồng 10 tháng 3 năm Mậu Tý) trong chuyến đi dâng hương 18 vị Vua Hùng trên núi Hồng Lĩnh, Phú Thọ tôi có viết bài “Cõi Về” để tri ân các vị Vua Hùng và nói lên nỗi lòng của người Việt đang sống định cư ở nước ngoài, họ mong muốn được trở về cố hương, được nhập lại quốc tịch Việt Nam, họ đã có hộ chiếu nước sở tại và mong có hộ chiếu của Việt Nam.

Tiếp theo là năm 2009 tôi trăn trở về tâm nguyện của những người được gọi là “cây đa, cây đề” trong văn hoá Việt hải ngoại như Nhạc sỹ Phạm Duy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh,... và trong đó có tôi cùng hàng trăm ngàn bà con kiều bào khác muốn có mảnh giấy trên tay do cấp có thẩm quyền của nhà nước Việt Nam xác nhận tôi là “Người Việt Nam” nên tôi đã viết bài “Xa Xứ” cũng đăng trên Tạp chí Quê Hương của Bộ Ngoại giao.

Từ đó đến nay, không biết đã có bao nhiêu cuộc họp của các bộ ban ngành có liên quan, của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bàn về vấn đề cho phép người Việt Nam ở nước ngoài nhập lại quốc tịch Việt Nam. Các diễn đàn trong nước và nước ngoài có liên quan đến kiều bào đều nói về vấn đề này. Thiết nghĩ cho dù bà con kiều bào ra đi bằng nhiều lý do khác biệt, có thể bằng chính kiến khác nhau nhưng tựu chung họ vẫn yêu nước Việt Nam, không chống đối lại chính quyền và nhà nước Việt Nam thì nên cho phép họ mang lại quốc tịch Việt Nam là chính đáng.
Đã 50 năm trôi qua, 50 năm rồi mọi hận thù, mọi trăn trở, mọi bất hoà cần triệt để tháo gỡ, vết thương do chiến tranh để lại đã lành, có chăng chỉ còn vết thẹo của thời gian, hãy vì một nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng. Hãy vì hoà hợp hoà giải dân tộc, vì nguồn lực của 100 triệu người Việt trong nước và 6,5 triệu bà con Việt kiều cùng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giầu mạnh hơn, tươi đẹp hơn.
Hôm nay, trên cổng Thông tin Chính phủ có đăng tin về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phép người Việt Nam ở nước ngoài nhập lại quốc tịch Việt Nam. Đây là một chính sách có ý nghĩa chính trị cực kỳ quan trọng, cực kỳ kịp thời bởi chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này - ‘Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, muốn Tổ quốc hùng mạnh, quốc gia vững bền thì “đại đoàn kết dân tộc’ là việc cần làm ngay.'
Xa xứ để cầu tiến bộ, cõi về để tìm lại cố hương, cố hương níu kéo tâm hồn và cõi về để hiến dâng, để phụng sự. Hãy ban hành chính sách thuận lợi nhất để người Việt Nam định cư ở nước ngoài ra đi để trở về, cõi về là có thật. Họ - những người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập quốc tịch nước sở tại Tốt; nhập lại quốc tịch Việt Nam Tốt; đầu tư chất xanh chất xám về Việt Nam cực kỳ Tốt./.
Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada
Uỷ viên Trung ương MTTQVN
Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam Canada (VCBA)
Chủ tịch Đại Sơn Group