Quy hoạch Điện VIII: Hướng tới năng lượng xanh, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện tập trung xanh hóa ngành năng lượng, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, công nghiệp sạch liên quan cả đến việc sử dụng các nhiên liệu mới.
“Kiên quyết dừng nhà máy nhiệt điện sử dụng hóa thạch”
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) với chủ đề: “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện tập trung xanh hóa ngành năng lượng.
Theo đó, chủ trương của Quy hoạch rất rõ ràng là hướng tới năng lượng xanh, năng lượng sạch, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.
Đặc biệt, tại COP26 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mới về phát triển năng lượng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát lại Quy hoạch Điện VII cũng như Quy hoạch Điện VII điều chỉnh để xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII trên tinh thần tập trung chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Trong đó, Dự thảo Quy hoạch ưu tiên phát triển các dự án điện sạch như: điện mặt trời, điện gió, thậm chí khuyến khích năng lượng gió ngoài khơi.
“Kiên quyết dừng nhà máy nhiệt điện có sử dụng năng lượng hóa thạch”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đánh giá về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham nói rằng, Quy hoạch Điện VIII vẫn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với một mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn. Sự thiếu quyết tâm này có thể dẫn đến chi phí sản xuất điện năng cao một cách không cần thiết.
Ông kiến nghị nên tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII. Cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các “Hợp đồng mua bán điện trực tiếp” trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ”. Điện gió ngoài khơi cũng rất cần được khuyến khích phát triển.
Bên cạnh đó, các thành viên liên kết của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng bằng pin và năng lượng hydro.
Theo đó, để phù hợp với các cam kết tại COP26, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam sẽ cần xem xét các xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo trong phiên bản sắp tới để hoàn thiện Quy hoạch Điện 8 cũng như trong một số quy hoạch khác và cơ chế thực hiện để triển khai Quy hoạch Điện.
Gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió, điện mặt trời
"Cần có quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và không kịp vận hành thương mại trước thời hạn đề ra để được hưởng cơ chế giá FIT ưu đãi do đại dịch Covid-19 để hỗ trợ tiếp tục hoàn thành các dự án đó và tận dụng các nguồn lực kinh tế đã đầu tư cho thị trường năng lượng", là đề nghị được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đưa ra tại VBF năm nay.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam Kenneth Atkinson, “Giá FIT hiện tại đối với điện gió hết hạn vào ngày 1/11/2021, khiến các nhà phát triển gió không đủ thời gian để đưa các dự án của họ vào hoạt động trước thời điểm đó.
Có 91 dự án điện gió đã được phê duyệt trong tháng 7/2020 được đưa vào Quy hoạch Điện VII và vẫn đang chờ Bộ Công Thương cấp phép. Chúng tôi khuyến nghị gia hạn FIT tối thiểu 2 năm, đến ngày 31/12/2023 để các dự án này có thời gian triển khai”, ông Kenneth Atkinson nêu.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, công suất các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch hiện là 11.921 MW. Trong số này, có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất là 8.171,475 MW.
Các dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 là 84 dự án với tổng công suất là 3.980,265 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là 325,15 MW và tổng công suất chưa COD là 1.031,1 MW.
Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ (AmCham) cũng cho rằng, Chính phủ ban hành các chính sách tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực này - bao gồm cả hỗ trợ cho các dự án gặp phải sự chậm trễ trong xây dựng do Covid-19 và phát triển một cơ chế đấu giá mới giúp tăng trưởng hơn nữa.
Gió ngoài khơi mang lại tiềm năng lớn với ước tính cả công suất đáy cố định và công suất nổi vào khoảng 600 GW. AmCham cũng ủng hộ việc tăng cường năng lượng gió ngoài khơi theo kế hoạch trong Quy hoạch Điện 8 để mang lại các tổ hợp khai thác gió ngoài khơi quy mô lớn khả thi về mặt kinh tế để hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế và các Hiệp định Mua bán có khả năng thu hút đầu tư tư nhân. Theo đó, các tổ hợp khai thác gió ngoài khơi này nên được phát triển với các đơn vị lưu trữ xanh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một tương lai không carbon.
Xem xét điện hạt nhân vào năm 2035
Tại Diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo nguồn điện năng phát triển kinh tế trong dài hạn, Việt Nam nên xem xét việc phát triển điện hạt nhân và nguồn năng lượng tái tạo.
Trước những đề xuất được nêu ra, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện lưới Quốc gia giai đoạn 2030 - 2045 (Tổng sơ đồ VIII), trong đó có đề cập việc sẽ xem xét vấn đề điện hạt nhân sau 2035.
Ngoài ra, Tổng sơ đồ điện VII vẫn đặt vấn đề tiếp tục sử dụng các nhà máy điện than, tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phát thải cũng như biến đổi khí hậu, Tổng sơ đồ VIII sẽ không bổ sung tiếp các nhà máy điện than, mà chỉ duy trì các nhà máy trong Sơ đồ VII đã được quy hoạch. Chính phủ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như xây dựng các nhà máy chạy bằng khí hóa lỏng, khí thiên nhiên ngoài khơi.
Lan Anh (T/h)