Thứ tư, 17/04/2024 00:34 (GMT+7)
Thứ ba, 18/08/2020 14:30 (GMT+7)

'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Bắt đầu từ chính sách

Theo dõi KTMT trên

Ở nhiều thời điểm, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM ở mức báo động khiến người dân lo lắng, các cơ quan quản lý tìm cách giảm thiểu, song dường như chưa có giải pháp căn cơ. Việc ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ hơn là điều cần thiết.

Đã có Kế hoạch hành động

Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2016 và đang được các Bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai.

Ngay sau khi Kế hoạch được ban hành, Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan đầu mối đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Quyết định này. Bộ đã xây dựng Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí; đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật.

Đặc biệt, Bộ TN&MT đã tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN.

'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Bắt đầu từ chính sách - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở mức báo động khiến người dân lo lắng. (Ảnh: Hoàng Minh)

Các Bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn.

Các tỉnh phải có Kế hoạch quản lý chất lượng không khí

Tháng 6 vừa qua, trong Tờ trình lên Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chính phủ thừa nhận: Ô nhiễm không khí đang là vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn của Việt Nam, trong khi đó, còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý chất lượng môi trường không khí, thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm này.

Chính bởi thế, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã tính đến việc bổ sung nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường không khí như: Quy định việc lập và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia và cấp tỉnh về quản lý chất lượng môi trường không khí.

Dự thảo Luật đưa ra quy định UBND cấp tỉnh phải xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Kế hoạch phải đánh giá được chất lượng không khí; mục tiêu quản lý chất lượng không khí; hiện trạng quản lý chất lượng không khí (bao gồm quan trắc chất lượng, xác định và đánh giá các nguồn phát, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra); đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các nguyên nhân; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó, xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

Ưu tiên đánh giá ô nhiễm bụi mịn

Dự kiến, trước khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua, để hành động quyết liệt và gấp rút hơn, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam.

Sở dĩ các đô thị Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cần có sự kiểm soát đặc biệt về chất lượng không khí bởi tình hình ô nhiễm có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian.

Theo phân tích của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; xây dựng; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong; ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu...

Chính bởi thế, trong dự thảo Chỉ thị đang được lấy ý kiến, các quy định về quản lý chất lượng không khí riêng cho hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM đã được đưa ra. Theo đó, đối với Hà Nội, TP. HCM, cần ưu tiên việc kiểm kê nguồn thải, quan trắc, phân tích, đánh giá nguồn ô nhiễm bụi PM10, PM2.5, từ đó kiểm soát và khắc phục. Thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Đồng thời, các thành phố có nguy cơ ô nhiễm cao như Hà Nội và TP.HCM cần bố trí nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung, tăng cường số lượng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí; phải thường xuyên thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ.

Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt, khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán… Bố trí nhiều khu vực không gian xanh, mặt nước, đảm bảo tỷ lệ cây xanh đô thị theo quy định.

Đặc biệt, cần xử lý các điểm nóng ô nhiễm không khí do bụi và khí thải phát sinh trên địa bàn, kiên quyết xử nghiêm hành vi vi phạm hoặc đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định. Trường hợp không bảo đảm yêu cầu môi trường, yêu cầu dừng hoạt động sản xuất, khai thác.

Mai Chi

Bạn đang đọc bài viết 'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Bắt đầu từ chính sách. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023