Thứ bảy, 23/11/2024 03:46 (GMT+7)
Thứ tư, 12/08/2020 06:45 (GMT+7)

Ô nhiễm không khí, bụi mịn - Kẻ giết người thầm lặng

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm không khí có nhiều loại như ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe. Trong đó, bụi là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Theo các chuyên gia y tế, bụi là tập hợp nhiều hạt vật chất, có kích thước nhỏ, lơ lửng trong không khí. PM2.5 và PM10 là những chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước của những hạt bụi (PM trong PM2.5 hay PM10 là viết tắt của Particulate Matter).

Các hạt bụi thô có đường kính khoảng từ 2,5 đến 10 micromet. Riêng các hạt bụi mịn có đường kính trong khoảng từ 0,1 micromet đến 2,5 micromet; còn được gọi là PM2.5 (tức kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, nhỏ hơn 1/30 đường kính của một sợi tóc). Riêng bụi siêu mịn có đường kính nhỏ hơn 0,1 micromet. Bụi mịn nhỏ đến mức chúng ta chỉ nhìn thấy khi chúng bám theo số đông trên các vật thể khác như mặt lá cây, mặt kính, mặt bàn ghế…

Các loại bụi to, bụi thô và cỡ vừa là các loại bụi nặng và nhanh chóng lắng xuống mặt đất và dễ bị cuốn đi theo nước. Bụi đường và bụi xây dựng phần lớn là loại bụi này và thường được cuốn lên bởi phương tiện giao thông hay những cơn gió to.

Loại bụi này chủ yếu gây bẩn, gây khó chịu, gây dị ứng tức thời nhưng không ảnh hưởng tới sức khỏe một cách lâu dài trừ trường hợp nồng độ quá cao như trường hợp công nhân mỏ than, cơ sở sản xuất xi măng, đá. Bụi thô cho đến bụi cỡ nhỡ có thể được lọc bởi khẩu trang. Hệ hô hấp của con người cũng có hệ thống ngăn chặn, lọc và đào thải bụi này một cách tự động.

Với các loại bụi mịn, được hình thành từ các chất như: carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác (xuất phát từ việc đốt than, đốt củi, đốt rạ, đốt rác, khí xả động cơ....), loại bụi này lơ lửng nhiều trong không khí, kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ nên rất ít lắng, chúng bay lơ lửng trong không khí. Các loại bụi này gây nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là bụi siêu mịn PM2.5. Sự nguy hại này là việc sức khỏe bị ảnh hưởng về lâu dài chứ không phải gây ra các vấn đề cấp tính, bởi loại bụi này có kích thước vô cùng nhỏ, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Khác với bụi thô và bụi nhỡ (bụi đường, bụi công nghiệp) có thể quan sát được, phần lớn bụi mịn và siêu mịn không thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường. Tuy nhiên, chúng ta có thể quan sát được ở quy mô lớn vì bụi mịn làm tán xạ các tia sáng và làm không khí trở nên đặc hơn, có lớp mù đục màu xám, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, làm ta không thể nhìn rõ những tòa nhà cách xa từ vài trăm mét đến vài km. Khác với hiện tượng sương mù - xuất hiện khi độ ẩm cao, màu trắng tinh, tầm nhìn trong sương chỉ vài chục mét, và thường chỉ xuất hiện sáng sớm, khi nắng lên sẽ tan.

Ô nhiễm không khí, bụi mịn - Kẻ giết người thầm lặng - Ảnh 1
Hiện tượng mù quang hóa tại TP.HCM. (Ảnh: TL)

Về tác động đến sức khỏe, các hạt bụi lớn hơn 10 micromet có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng nhưng thường không đến được phổi. Bụi mịn và siêu mịn là đáng lo ngại nhất vì chúng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất. Do kích thước nhỏ nên chúng đi vào phần sâu của phổi và thậm chí vào máu. Trong thành phần bụi có thể có nhiều chất khác nhau như sunfat, nitrat, amoniac, carbon, bụi khoáng... chúng rất có hại.

Theo WHO, cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

WHO chỉ ra, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỉ lệ đột qụy não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm làm gia tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em; làm cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị phát bệnh cấp và nhập viện nhiều hơn.

Ô nhiễm không khí, bụi mịn - Kẻ giết người thầm lặng - Ảnh 2
Số liệu thống kê của Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam đã cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 và bụi mịn PM1.0 trong không khí tại khu vực Hà Nội và TP.HCM đang ở mức báo động, vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia y tế, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, thay đổi hành vi; ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của trẻ em. Ô nhiễm không khí có thể gây ra tình trạng rối loạn tâm lý và mất cảm giác khỏe mạnh. Trong môi trường làm việc có nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu sẽ làm người tiếp xúc dễ cáu gắt, giảm hành vi giúp đỡ người khác.

Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ em, người già và những người mắc bệnh về hô hấp. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.

Theo GS.TS, Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân Y, Bộ Quốc phòng, các bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bệnh nhân vẫn khó thở, không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp cho nên khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn.

Nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus là không được giặt, nếu bẩn thì loại bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên mua ở những công ty vật tư y tế có thương hiệu, uy tín. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm phải có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2; chữ in phải sắc nét, không bị mờ, nhòe. Tuy nhiên, việc mua được hàng đảm bảo chất lượng mới là điều kiện cần, điều kiện đủ để bảo vệ tốt sức khỏe là sử dụng khẩu trang đúng cách. Nên sử dụng khẩu trang ôm khít mặt, nên thay khẩu trang sau 10-15 ngày sử dụng.

Các biện pháp phòng bụi:

1. Khi đi ngoài đường, đeo khẩu trang đúng tiêu chuẩn để bảo vệ khỏi bụi trong không khí.

2. Không tập thể dục hay làm việc ở nơi bị ô nhiễm không khí, tránh các hoạt động mạnh khiến phải hít thở nhanh hơn hoặc sâu như đạp xe, chạy bộ...

- Hạn chế di chuyển trên những con đường và đường cao tốc đông đúc, những nơi này chất lượng không khí thường xấu hơn vì khí thải từ các phương tiện giao thông.

3. Trồng nhiều cây xanh xung quanh nhà, trên đường đi giúp làm sạch không khí.

4. Nếu nhà ở trong khu vực có mức độ ô nhiễm bụi cao: giữ nhà sạch sẽ, lau khăn ướt, sử dụng máy hút bụi có bộ lọc, sử dụng máy lọc không khí đúng tiêu chuẩn.

5. Hạn chế làm ô nhiễm thêm không khí như đun nấu bằng than củi, đốt nhang...

6. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ sức khỏe và tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.

7. Nếu xuất hiện những triệu chứng như ho, khó thở, đau mắt, ngứa họng, cần đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt khi những hiện tượng này kéo dài rất có thể đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mạn tính khác.

Ở những người nhạy cảm (dễ bị ảnh hưởng) với ô nhiễm không khí (người già, phụ nữ mang thai, người đang mắc bệnh hô hấp và tim mạch, trẻ sơ sinh, trẻ em), các hành động phòng ngừa, hạn chế hoạt động ngoài trời là cần thiết khi chỉ số chất lượng không khí từ mức độ 3 trở lên.

Các loại bụi gây bệnh bụi phổi:

1. Theo Bộ Y tế, bệnh bụi phổi có thể gây nên do nhiều loại bụi vô cơ và bụi hữu cơ khác nhau, trong đó quan trọng nhất là bụi vô cơ silic.

2. Bụi vô cơ gồm có loại bụi trơ như bụi than, bụi sắt, bụi silic, bụi xi măng, bụi cao lanh, bụi đá, bụi sa thạch, bụi granit, bụi mica, bụi thạch anh... Ngoài ra còn có loại bụi có hoạt tính hóa học như bụi silic, bụi amiăng, bụi magie, bụi berili...

3. Bụi hữu cơ gồm có loại bụi chứa vi khuẩn, nấm mốc; bụi từ các sản phẩm của động vật như bụi lông chim, lông thú, lông gia súc; bụi từ các vảy tróc của da động vật, bụi chứa các bọ mạt nhỏ như mạt bụi nhà, cái ghẻ...

4. Ngoài ra còn có loại bụi thực vật như bụi cây phong, bụi bông, bụi mía, bụi phấn hoa...

5. Thực tế các nhà khoa học ghi nhận trong các loại bụi đã nêu trên, loại bụi gây nên bệnh bụi phổi quan trọng nhất là bụi vô cơ thuộc nhóm bụi silic. Nhóm người dễ mắc bệnh bụi phổi là công nhân, người lao động hoặc người đang sinh sống, làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm bụi. Thời gian tiếp xúc với không khí có chứa nhiều bụi bẩn càng lâu, nồng độ bụi trong không khí càng cao, diễn biến bệnh càng nặng và càng tăng nhanh thời gian bị mắc bệnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển - Nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm không khí, bụi mịn - Kẻ giết người thầm lặng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới