Mở đường bay quốc tế - Tín hiệu tích cực cho phục hồi kinh tế
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, việc đóng/mở đường bay quốc tế không còn đơn giản là điều hành linh hoạt lịch khai thác của hãng hàng không để tối ưu hóa doanh thu. Thay vào đó, nghiệp vụ này mang sắc thái của hoạt động đóng/mở cửa nền kinh tế.
(Ảnh minh hoạ: VNA) |
Theo kế hoạch, chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến Việt Nam đầu tiên sau Covid-19 sẽ khởi hành từ Seoul (Hàn Quốc) về Hà Nội sáng 25/9. Như vậy, hoạt động bay quốc tế của Việt Nam chính thức được khôi phục cả hai chiều chở khách đến và đi, được thực hiện đối với một số thị trường quốc tế.
Sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực
Dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 mặc dù tích cực so với khu vực và quốc tế nhưng cũng chỉ được khoảng hơn 2%.
"Dù chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2, nhưng chúng ta đã có thể kỳ vọng tình hình kinh tế quý 3 khả quan hơn quý 2. Đó là nhờ tín hiệu phục hồi của một số ngành quan trọng, trong đó có hàng không.”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Theo vị chuyên gia này, việc mở cửa lại một số đường bay quốc tế sẽ giúp các hãng hàng không dần phục hồi sản xuất kinh doanh và đó là điều tốt cho cả nền kinh tế. Vì sự phục hồi của ngành hàng không sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác như du lịch, lưu trú, ăn uống, tiêu dùng…
Mở cửa trở lại nền kinh tế, trước tiên là mở lại các đường bay quốc tế, khôi phục lại xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai hoạt động hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiếp theo sẽ là hoạt động thăm thân, du lịch... và cũng mang ý nghĩa là một sự bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi hơn về thủ tục tại các thị trường nhập khẩu.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch cho biết, việc Chính phủ cho phép nối lại một số đường bay quốc tế thường lệ đến châu Á trước mắt sẽ chưa thể mang lại dòng tiền đáng kể cho các hãng hàng không nhưng cũng giúp hãng có thêm doanh thu bù lại một phần chi phí biến đổi".
Doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động phải có dòng tiền vào, thị trường nội địa không phải nguồn thu chính của hàng không và các công ty lữ hành. Một đường bay quốc tế tầm xa có doanh thu gấp hơn 10 lần đường bay nội địa. Nên doanh thu quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài chính của một hãng hàng không, còn tiêu dùng của khách quốc tế đem lại doanh thu chính cho các hãng lữ hành.
Với tần suất bay 6 chuyến/tuần đến các nước châu Á trong thời gian đầu khôi phục đường bay thương mại quốc tế, Vietnam Airlines coi đây là giai đoạn xây dựng luồng khách. Nghĩa là doanh thu có thể chưa đủ bù đắp chi phí nhưng vẫn phải tập trung ưu tiên nhằm tạo niềm tin cho hành khách và thu hút đủ dung lượng thị trường cho lịch bay thường lệ.
“Chỉ ngừng bay hơn 5 tháng do tác động của dịch Covid-19 nhưng khôi phục đường bay quốc tế vào thời điểm này giống như xóa đi làm lại từ đầu. Quan trọng là cần công bố công khai, chi tiết và đầy đủ thông tin về khách nhập cảnh để những người có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu, lựa chọn và ra quyết định cho hành trình của họ”, ông Lê Hồng Hà nói.
Chỉ định hãng bay, cấp phép từng chuyến
Theo kế hoạch do Vietnam Airlines và Vietjet Air đệ trình, hàng tuần sẽ có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội vào các ngày thứ 3,4,5 với tổng số tối đa 1.304 ghế và 5 chuyến bay hạ cánh TP.Hồ Chí Minh vào các ngày thứ 3, 4, 5, 6 với tổng số tối đa 1.290 ghế.
Theo kế hoạch, ngày 25 và 30-9 sẽ có thêm 2 chuyến bay thương mại của Vietnam Airlines từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Tokyo. Hành khách chủ yếu là du học sinh, người lao động Việt Nam đến Nhật Bản để tiếp tục học tập, lao động và sinh sống cùng một số công dân Nhật Bản về nước. Bên cạnh chở hành khách, chuyến bay còn kết hợp chở hàng hóa nhằm phục vụ giao thương, sản xuất.
Vietjet cũng dự kiến khôi phục chuyến bay quốc tế đầu tiên từ ngày 29/9, gồm đường bay TP.Hồ Chí Minh đi Tokyo, Seoul và Hà Nội đi Đài Bắc. Trước dịch Covid-19, Vietjet có tần suất khai thác lớn đến Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù là khôi phục các đường bay thường lệ nhưng trong thời gian này, Cục Hàng không thực hiện cấp phép cho từng chuyến bay.
Trao đổi với Nhân Dân điện tử, Phó Cục trưởng Hàng không Võ Huy Cường cho biết, trong thời gian đầu khôi phục lại một số đường bay quốc tế, phía Việt Nam và các đối tác sẽ thực hiện chỉ định hãng hàng không được khai thác bay.
Việt Nam đã chỉ định 2 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines và Vietjet, khi tình hình tốt hơn sẽ bổ sung thêm Pacific Airlines và Bamboo Airways.
Về phía các đối tác, đến nay Cục Hàng không Việt Nam đã được xác nhận bởi nhà chức trách hàng không Trung Quốc về việc chỉ định hãng hàng không China Southern Airlines khai thác đường bay Quảng Châu - TP.Hồ Chí Minh.
Phía Nhật Bản và Đài Loan đều chỉ định 2 hãng khai thác, gồm: Japan Airlines và All Nippon bay luân phiên từ Tokyo đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; China Airlines và Eva Air bay Đài Bắc đến Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Riêng Hàn Quốc chưa có kế hoạch khai thác cụ thể.
Tất cả các đường bay đến Việt Nam đều chỉ khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần.
“Hiện nay, các hãng hàng không quốc tế đều sẵn sàng chở khách đến Việt Nam. Nhưng khi nào bay được là tuỳ thuộc vào việc hướng dẫn đầy đủ của cấp có thẩm quyền của Việt Nam về kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh và quy trình tiếp nhận, cách ly hành khách tại điểm đến. Như vậy mới có cơ sở cho các bên thực hiện thống nhất, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19, không để lây nhiễm chéo, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, ông Võ Huy Cường chia sẻ.
Trong công văn báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai lịch bay và các yêu cầu đối với các hãng hàng không vận chuyển khách vào Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất 3 phương án vận chuyển khách trung chuyển quốc tế.
Ông Võ Huy Cường cho biết, Cục Hàng không Việt Nam nghiêng về phương án 1 là chưa chấp nhận vận chuyển khách nối chuyến. Vì theo kế hoạch ban đầu, Việt Nam chỉ thực hiện mở lại đường bay với những quốc gia/vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tương đồng với Việt Nam.
Nếu mở rộng cho khách nối chuyến từ nước thứ ba sẽ không đủ dữ liệu để xác định khách đi từ vùng có kiểm soát dịch hay không và cũng khó bố trí chỗ ngồi trên khoang máy bay. Ở những chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam về nước, những người đi từ vùng dịch về phải bố trí chỗ ngồi riêng biệt thay vì giãn cách.
Tô Hà - Khánh Giang