Thứ bảy, 23/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ hai, 21/09/2020 15:18 (GMT+7)

Nối lại đường bay quốc tế có tạo 'cú hích' với thị trường hàng không?

Theo dõi KTMT trên

Việc nối lại đường bay quốc tế hiện đang dựa trên những thoả thuận chi tiết giữa các quốc gia sẽ tạo được niềm tin cho người dân đi lại an toàn lúc đó mới có thị trường.

Các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ từng bước được khôi phục lại tùy thuộc vào từng quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19 và việc này liệu có tạo “cú hích” hay sự hồi sinh của ngành hàng không?

Tăng dần chuyến bay theo nhu cầu thị trường

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines đã khởi hành chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên là chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản với 56 hành khách ngày 18/9 vừa qua. Đây là sự kiện đánh dấu sự phục hồi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và là tín hiệu khởi sắc cho hàng không Việt Nam khi nhiều quốc gia, khu vực đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, số lượng hành khách không lớn do đó việc đáp ứng các quy định về xếp chỗ giãn cách, đảm bảo phòng chống dịch bệnh trên chuyến bay được các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghiêm ngặt.

Các hãng hàng không Việt như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways cũng công bố khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) ngay trong tháng Chín này.

Nối lại đường bay quốc tế có tạo 'cú hích' với thị trường hàng không? - Ảnh 1
Các hãng hàng không đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho việc mở lại đường bay quốc tế sau thời gian dài bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo đại diện các hãng hàng không, tần suất khai thác chung các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ được từng bước tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của nhà chức trách.

Ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định việc mở lại đường bay quốc tế được các quốc gia ứng xử rất khác nhau. Có nước thận trọng, đánh đổi kinh tế để đảm bảo an toàn nhưng cũng có những quốc gia mở cửa nên sẽ cần phải có những dàn xếp, thoả thuận, mở cửa dần dần.

“Vấn đề an toàn vẫn là số 1, muốn mở lại phải phân tích kỹ cả điều kiện bảo đảm an toàn và nhu cầu đi lại của người dân. Về phòng và chống dịch, Việt Nam đều đã làm rất tốt và đây là điều kiện cho việc kiểm soát bệnh. Ngoài ra, việc test thử, cơ sở cách ly cũng đảm bảo”, ông Thiên nhìn nhận.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết trên thế giới, một số quốc gia đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhóm quốc gia đi lại an toàn (Travel Bubble - di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển). Theo đó, những quốc gia/vùng lãnh thổ đã có kết quả kiểm soát dịch COVID-19 mang tính khả quan sẽ từng bước mở việc đi lại với nhau.

“Trước mắt, có thể nghiên cứu việc mở dần với từng quốc gia/vùng lãnh thổ hoặc tham gia từng nhóm quốc gia đi lại an toàn nhưng mới hạn chế chỉ ở nguồn khách đi lại trực tiếp trong nội vùng, chưa cho phép vận chuyển khách nối chuyến từ các nước thứ 3 ngoài vùng để đảm bảo việc kiểm soát nguồn khách”, đại diện Cục Hàng không cho hay.

Tâm lý e ngại làm chậm “hồi sinh” đường bay

Trả lời câu hỏi mở cửa hàng không có lo ngại nhập dịch về Việt Nam hay không, tiến sỹ Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách mở, lựa chọn những quốc gia nào để bắt đầu việc mở và không thể nói chung là mở cửa sẽ nhập dịch về nếu công tác phối hợp kiểm dịch giữa các quốc gia tốt. Đó là lý do tại sao Thái Lan và Singapore mở được mà không quá lo ngại.

“Nếu chúng ta không tiếp cận lối du lịch theo khối du lịch an toàn trên cơ sở thoả thuận song phương hoặc đa phương thì không khu vực nào trên thế giới hiện nay có thể mở được chuyến bay quốc tế. Quan trọng là những thoả thuận này phải chi tiết và tỷ mỷ, là sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm dịch, các đơn vị khác tham gia vào công tác phòng chống dịch ở nước ta và các nước đối tác”, vị chuyên gia hàng không này nhấn mạnh.

Từ đó, ông Nam bày tỏ cảm nhận các bước đi của Việt Nam đang gợi mở về mặt hình thức nhưng về thực chất e rằng sẽ không tạo ra một “cú hích,” thay đổi đáng kể với thị trường hàng không và du lịch quốc tế.

Theo ông Jim Haas, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm, Tập đoàn Boeing, các chuyến bay quốc tế khi đến vẫn còn phải áp dụng thời gian cách ly nên sẽ khó khăn hơn.

“Các chuyến bay quốc tế sẽ từng bước được khôi phục lại tùy thuộc vào từng quốc gia khi các nước gỡ bỏ yêu cầu cách ly sau khi đến sân bay. Theo một khảo sát, hiện nay hành khách đang có tâm lý e ngại đối với việc di chuyển bằng máy bay bởi nỗi lo bị lây nhiễm trong quá trình di chuyển và phải cách ly một thời sau khi đến sân bay điểm đến. Tâm lý e ngại này cũng là một yếu tố làm chậm quá trình khôi phục các chuyến bay”, ông Jim Haas nhìn nhận.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản hoả tốc gửi các Cục Hàng không Việt Nam ó trách nhiệm thông báo về yêu cầu của Việt Nam đối với hãng hàng không và hành khách trên các chuyến bay này.

Theo đó, hãng hàng không chỉ bán vé cho người đã có thị thực nhập cảnh và địa điểm lưu trú cụ thể tại Việt Nam.

Khi bán vé, hãng hàng không chịu trách nhiệm kiểm tra giấy xác nhận âm tính với COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp. Hãng hàng không phải gửi Cảng vụ hàng không danh sách hành khách dự kiến thực hiện chuyến bay 12 giờ trước giờ khởi hành theo phép bay và danh sách chi tiết hành khách chuyến bay 30 phút trước giờ khởi hành thực tế của chuyến bay.

Ngoài ra, hành khách muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định trước khi lên máy bay (kiểm tra thân nhiệt, cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI), giấy xác nhận RT-PCR âm tính với COVID-19 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này).

Việt Hùng

Bạn đang đọc bài viết Nối lại đường bay quốc tế có tạo 'cú hích' với thị trường hàng không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới