Lư Sơn, khát vọng tầm long
Câu chuyện về núi tổ Lư Sơn, nhà sư núi Đá Trắng và Lê Lợi..., phảng phất ẩn chứa không khí đi tìm những long mạch nhằm sản sinh ra hiền tài, linh khí, khát vọng ngàn năm về sự trường tồn và thịnh vượng của dân tộc.
Cách đây hơn 600 năm, vào ngày Canh Thân, mồng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất, tức ngày 13 tháng 2 năm 1418, Lê Lợi tuyên bố khởi nghĩa, công khai vũ trang chống lại quân xâm lược nhà Minh. Sử sách đã ghi chép nhiều về chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc. Nhiều câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Và trong số đó là một tổ sơn đặc biệt quan trọng về mặt tinh thần, về cội nguồn sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn: Lư Sơn.
1. Ông Hà Văn Huyện lựa theo dòng nước, chèo chống chiếc mảng luồng vượt sông Lò. Sông không rộng nhưng nước chảy rất xiết, có thể làm lật mảng. Vừa đặt chân lên bờ, ông đứng lặng im, nghiêm trang hướng vào núi chắp tay, lầm rầm khấn bằng tiếng Thái. Đoạn, ông khoát tay: “Tôi xin phép thần núi Su Lú rồi, chúng ta lên thôi”.
Núi Su Lú là nguyên khối đá vôi khổng lồ nằm sừng sững bên dòng sông Lò, cách trung tâm thị trấn Quan Sơn một quãng dài, thuộc vùng đất Mường Mò cổ xưa. Đúng như tên gọi, núi Đá Trượt, từ mép nước trở lên đến gần đỉnh là một thác đá dựng đứng, màu trắng toát. Ngay mép nước có một động ngầm, ít người biết đến. Muốn vào trong, người ta phải đợi mùa nước cạn thì cửa động mới lộ ra, rồi lặn qua một quãng hang ngầm mới vào tới bên trong.
“Tôi từng vào trong. Động rất rộng rãi, có một bãi cát vàng lớn, khô ráo, không khí mát lạnh. Kỳ lạ, càng vào trong, động càng sáng. Không rõ ánh sáng phát ra từ đâu, đi một mình nên tôi chưa dám vào đến tận cùng. Trước đây, các cụ hay giấu thức ăn trong động, cả tuần không hỏng”, ông Huyện nói.
Theo lối dốc đá nhỏ hẹp 405 bậc, chúng tôi đến một động lớn, đủ che chở cho vài chục người. Gần đây, bà con gọi là động Nang Non. Phía bên trái động núi mở ra một triền đồi rộng rãi, thoáng đãng và khá bằng phẳng. Con dốc ấy hướng dần lên đỉnh núi cao, mây trắng bao phủ. Thì ra, thác đá Su Lú là cửa của dãy núi Pha Su Lú hùng vĩ kéo dài hàng chục cây số về phía đông nam.
Pha Su Lú là đỉnh đầu tiên và cao nhất dãy núi ấy, đột khởi giữa đồng bằng, tròn như nắm xôi, ngẩng cao lên như trán rồng. Đứng trên đỉnh cao nhất ấy có thể nhìn thấy những con đường, dòng sông và các dãy núi Pha Lang, Pha Dùa hay núi bên nước bạn Lào.
Theo lời ông Hà Văn Huyện, từ xa xưa, dòng họ Hà nối đời làm Tạo (trưởng bản) bản Bon, sống ngay dưới chân núi. Họ Hà cũng nối đời trông coi hương khói cho ngọn núi Su Lú suốt hàng trăm năm nay. Ông Huyện bắt đầu công việc từ năm 1988. Nhờ lo việc thờ cúng, họ Hà từng được hưởng nhiều quyền lợi lớn ở núi Su Lú.
Mỗi năm có hai dịp lễ lớn vào ngày 5 tháng Giêng, hoặc ngày rằm tháng 5 âm lịch, đều do ông Tạo bản Bon chủ trì. Người từ các mường bản xa kéo đến rất đông nhưng đều phải nộp lễ vật mới được đi theo vào núi cầu cúng. Núi rất thiêng, không ai dám tự tiện vào núi kiếm củi, săn bắn, nên muông thú rất nhiều.
Hỏi về sự tích, thần phả, nguồn gốc của việc thờ thần núi Su Lú, mối quan hệ với dòng họ Hà..., ông Huyện lắc đầu: “Chỉ thấy người xưa truyền dặn thì vâng lời làm theo thôi”. Tiếc thay, thời gian sau tôi trở lại, ông Hà Văn Huyện đã về với tổ tiên, đem theo nhiều hoài nghi còn chưa được giải mã.
2. Họa sỹ Phan Bảo là một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, từng điền dã và chiêm nghiệm nhiều trên khắp vùng đất xứ Thanh. Nghe câu chuyện của tôi, họa sỹ Phan Bảo cười: “Muốn giải mã bí mật này, thử bắt đầu từ các địa danh sông núi, mường bản ở vùng đất đó. Tôi từng tìm hiểu, tên chữ của Pha Su Lú thực chất là Lư Sơn, có chép trong sách Đại Nam nhất thống chí”.
Quả thật, trong sách của Quốc sử giám triều Nguyễn ghi rất ngắn gọn: “Lư Sơn cách châu Quan Hóa 97 dặm về phía tây, đá núi trắng toát, sắc cây xanh rờn, bên núi có sông nhỏ, trong núi có động, trong động có hai con tê ngưu đen và trắng, sừng sáng như đuốc, lại có một đàn linh dương ra vào cửa động, vì núi thiêng nên không ai dám săn bắn”.
Tôi như bừng tỉnh với chìa khóa này. Hai chi lưu quan trọng của sông Mã là sông Luồng và sông Lò đều vào Việt Nam trên đất người Thái. Sông Lò do chảy ra từ đất Mường Mò, nên người Thái gọi là Nậm Mò, biến âm thành sông Lò. Cũng như sông Luồng vốn chảy ra từ đất Mường Tuồng, tên chệch đi là do phát âm. Nhưng về mặt ngữ âm, chữ Lò không ghi được bằng chữ Hán nên chuyển thành Lô, Lư, đều cùng chỉ dụng cụ để đốt hương.
Căn cứ về mặt ngữ âm cũng như địa chí, ngọn núi Pha Su Lú chính xác là ngọn núi có tên chữ là Lư Sơn (Lô Sơn), được chép trong “Đại Nam nhất thống chí”. Ngọn núi thiêng có hình dáng tròn đẹp, bên trên thường có lớp mây trắng rộng như chiếc lọng bao phủ, thoạt trông như lò hương đang tỏa khói. Tên Lư Sơn thường chỉ được đặt tên cho những ngọn núi đặc biệt linh thiêng và quan trọng đối với một vương triều nào đó.
“Không ngẫu nhiên ngọn Lư Sơn nơi biên ải được ghi chép bằng những lời nghiêm cẩn trong cuốn địa chí. Đơn giản, đó là một tổ sơn đặc biệt quan trọng về mặt phong thủy của vương triều Hậu Lê”, Họa sỹ Phan Bảo lý giải thêm.
Xưa kia, các nhà phong thủy luôn đi tìm những ngôi đất tốt nhất (huyệt đạo) đảm bảo sự thịnh vượng và trường tồn cho vương triều. Với nhà Hậu Lê mà cụ thể là vua Lê Lợi, nơi phát tích, cội nguồn sức mạnh chính là từ vùng đất phía tây Thanh Hóa.
Theo các nhà phong thủy, cả hai khu đất này đều nằm trên một cán long. Sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ và “Sử học bị khảo” của Đặng Xuân Bảng chỉ ra rằng, từ núi tổ Hy Mã Lạp Sơn (Đại cán long) có một mạch phong thủy chạy vào nước ta, rồi chia ra làm ba cán long. Một trong ba cán long này chạy dọc bên hữu ngạn sông Đà, trên địa phận Thanh Hóa lại chia làm hai chi long nằm dọc hai bên sông Mã, là miền đất kẹp giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chu.
Có hai ngôi đất đặc biệt quan trọng đối với nhà Hậu Lê là khu Vĩnh Lăng (nay là Lam Sơn, nơi táng Lê Lợi) và động Chiêu Nghi xứ Phật Hoàng (nơi táng thân sinh nhà vua) là các huyệt đạo nằm trên chi long đó.
Mỗi huyệt đất tốt đều có một tổ sơn. Các nhà phong thủy đã xác định, núi Lư Sơn chính là tổ sơn của xứ Phật Hoàng, nhà cũ của vua Lê Lợi. Cách đó không xa, núi Chí Linh là tổ sơn của huyệt đạo đẹp nhất, khu Vĩnh Lăng (Lam Sơn), nơi có lăng mộ Lê Lợi và các vua thời Lê sơ. Sử sách không chép kỹ về Lư Sơn có lẽ là cố tình giấu, không muốn cho người thiên hạ biết.
Là ngọn núi thiêng của vương triều Hậu Lê, đương nhiên núi Lư Sơn (Pha Su Lú) được nhà vua và hoàng tộc coi trọng, bốn mùa hương khói. Cảnh quan của núi thiêng được bảo vệ, thường dân không được phép tiếp cận ngọn núi. Có quân đội và quan lại địa phương, người dân trong vùng được ăn lương bổng, thay mặt nhà vua để coi sóc đặc biệt nghiêm ngặt cho ngọn núi này.
Suốt gần 600 năm, ở Lư Sơn, cây cỏ tốt tươi, các loài linh thú nô giỡn trong núi mà không ai dám săn bắn, xâm hại là một minh chứng sống động. Theo cách nói hiện đại, một khía cạnh nào đó trong việc bảo vệ rừng, có thể coi núi Lư Sơn là “khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia đầu tiên của nước Nam” này. Dòng họ Hà ở bản Bon có lẽ là hậu nhân của một trong số người đó?
3. Xung quanh ngọn núi thiêng Lư Sơn, ta thấy có nhiều mối liên hệ tưởng như vô hình mà khá bền chặt. Truyền rằng nhà vua được một nhà sư áo trắng đạo hiệu là Bạch Thạch sơn tăng (sư núi Đá Trắng) trao tặng ngôi đất phát đế vương ở xứ Phật Hoàng. Nhà sư ấy đến từ phía tây, mạn Ai Lao (nước Lào), chắc đã lần theo ngọn núi tổ mà tìm nơi huyệt phát, duyên số tìm thấy Lê Lợi. Vậy núi Đá Trắng ở đâu?
Vẫn trên vùng đất Quan Sơn, cách núi Lư Sơn không xa về phía biên giới Việt Lào, có một dãy núi đặc biệt kỳ lạ. Đường vào núi gập ghềnh hiểm trở, cư dân thưa thớt. Vượt qua các chòm bản nằm cách xa nhau dọc bờ con suối Xia, đến bản Xía Nọi (xã Sơn Thủy) thì nhìn thấy ngọn núi đó. Sát chân núi, một con suối nhỏ nước trong vắt, mát lạnh róc rách chảy.
Đứng từ dưới nhìn lên, núi như một lẵng hoa khổng lồ, đủ màu sắc hồng tía đẹp đẽ. Nhất là vào mùa xuân, cây cỏ mơn mởn, những khóm hoa đua nhau khoe sắc, rực rỡ khác biệt hẳn những ngọn núi xung quanh, nên dân trong vùng gọi là núi Lá Hoa. Núi không quá cao, nhưng hẹp và hai triền dốc đứng trơn nhẫy rêu xanh.
Điều kỳ lạ, vừa thoát ra khỏi lùm cây rậm rạp thì chạm ngay đến một nền cẩm thạch trắng toát. Những ngọn núi đá vôi vách trắng tôi gặp nhiều, núi Bạch Thạch bên sông nhà Lê cũng từng qua, nhưng loại đá núi này quả thực rất hiếm thấy. Cầm trên tay những mảnh đá vụn vỡ tự nhiên rất đều tay, hình kim cương, dễ nhận ra, đây là kết cấu của thạch anh trắng. Khắp miền tây Thanh Hóa và vùng phụ cận, duy có ngọn núi này có sự kỳ lạ ấy.
Vùng đất Mường Xôi, Mường Mò, Mường Chự, Mường Sàn... (thuộc tổng Tam Lư cũ), là địa bàn quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn những năm đầu khởi nghĩa. Suốt 10 năm nếm mật nằm gai, có lúc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn bị tổn thất nặng nề. Mấy lần nhà vua phải vào núi Chí Linh ẩn trốn, rồi ngược lên núi Lư Sơn chiêu mộ nghĩa binh. Sau mỗi lần, binh lực lại cường mạnh, khí thế cao hơn trước. Chưa nói về mặt phong thủy, riêng điểm này cũng khiến Chí Linh, Lư Sơn là núi thiêng của vương triều Lê.
Tương tự, nhà sư từng sống ở núi Lá Hoa đá trắng, ở động đá trắng núi Su Lú hay một vạt núi trắng nào ở miền biên ải này, chưa thấy tài liệu nào ghi chép. Cũng có thể, Bạch Thạch sơn tăng không phải là một ẩn sĩ cụ thể, mà là biểu tượng kết tinh của trí tuệ và sức mạnh nhân dân có công lao trong công cuộc vĩ đại của vua Lê.
Họa sỹ Phan Bảo chia sẻ: “Trước khi phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh vào năm 1418, Lê Lợi đã đưa hài cốt phụ thân mình đến huyệt đạo để an táng. Giặc đào phá mộ, ông tìm cách thu hồi, ngầm đưa lại chỗ cũ. Mấy chục năm sau, trước khi băng hà, nhà vua lại đích thân chọn nơi làm lăng mộ mình, ở Lam Sơn.
Việc tìm long mạch không chỉ quan trọng để thờ cúng bản thân Lê Lợi và hậu duệ của ngài, mà còn để thờ cúng các vua của nhiều triều đại trước, những người sáng lập nước Đại Việt, quốc gia ngài kế tục, gọi là quốc thống. Công việc tôn vinh quốc thống đó luôn được Lê Lợi đặc biệt quan tâm”.
Câu chuyện về núi tổ Lư Sơn, nhà sư núi Đá Trắng và Lê Lợi, phảng phất ẩn chứa không khí đi tìm những long mạch nhằm sản sinh ra hiền tài, linh khí, khát vọng ngàn năm về sự trường tồn và thịnh vượng của dân tộc ta.
Lê Quân