Du khảo Pù Luông, miền đất thiêng của Chúa Chổm (Kỳ cuối): Giải mã tên gọi Chúa Chổm
Hai học giả lừng danh là Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú từng nằm suốt 7 ngày 7 đêm để đọc sách ở Pù Luông, tìm hiểu về thân thế các vua Lê, trong đó có vua Lê Trang Tông.
Vua Lê Trang Tông có phải là vị vua bê tha tai tiếng nhất trong các vị vua? Bởi trong dân gian lưu truyền rất nhiều giai thoại về ông, gắn với biệt danh là “Chúa Chổm”. Mà ngày nay, hiếm có người Việt nào chưa từng nghe đến câu: “Nợ như Chúa Chổm”.
Chúa Chổm là ai?
Trong ngôn ngữ dân gian, “Chúa Chổm” từ lâu đã là danh từ chung chỉ những người ngập trong nợ nần. Người ta luôn hình dung rằng, Chúa Chổm là một người thanh niên nghèo, sống khá phóng khoáng, nợ nần rất nhiều. Mỗi khi có người đòi nợ, ông luôn bảo: “Để mai mốt làm vua, ta sẽ trả đầy đủ”.
Quả nhiên, sau này người đó lên làm vua. Các chủ nợ kéo đến, nhưng Chúa Chổm không nhớ hết nổi các món nợ, bèn sai người mở kho tung từng nắm tiền vàng ra cho mọi người nhặt. Nợ nần nhiều đến thế là cùng.
Nhưng Chúa Chổm là ai? Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và nhân dân Thanh Hóa thừa nhận vua Lê Anh Tông (ở ngôi từ năm 1556 – 1573) chính là Chúa Chổm.
Ông tên thật là Lê Duy Bang, dòng dõi của Lam Quốc công Lê Trừ, người anh thứ hai của vua Lê Lợi, được Thái sư Lượng Quốc công Trịnh Kiểm sai người dò tìm thấy ở Bố Vệ (TP.Thanh Hóa), tôn lập làm vua.
Giai thoại ở Bố Vệ kể, sinh thời Lê Duy Bang là một chàng trai hào sảng, phóng khoáng, thích uống rượu, sành rượu và uống rượu rất khỏe. Chuyện Lê Duy Bang là người uống rượu khỏe, ca dao có câu “Chúa Chổm uống rượu tì tì”, dường như không biết say.
Ông mê mẩn loại rượu làng Quảng của bà con trong vùng thường gánh đến bán ở chợ Cầu Bố. Ông đi khắp chợ, gặp hàng rượu nào cũng nếm, luôn miệng tấm tắc khen ngon. Hàng nào làm ông phật ý, thì cả ngày ế ẩm.
Những hàng rượu mà ông khen thường được người ta đổ xô đến mua và nhanh chóng hết veo. Các chủ hàng thích lắm, thường mời mọc ông đến thử rượu, biếu tặng rượu, mong nhờ vía tốt của ông để mở hàng, đem lại may mắn cho buổi chợ. Thích uống rượu, lại chẳng dư dả gì, nên ông thường phải mua chịu rượu. Số nợ ngày một nhiều, nhưng bà con không ai lấy đó mà phiền lòng cả.
Nợ mãi cũng ngại, gặp chủ nợ nào Lê Duy Bang cũng cười đùa mà rằng: “Bao giờ tớ làm vua, có nhiều tiền, sẽ đem trả”. Những dấu tích, di tích còn nhiều ở Bố Vệ, như hòn đá Chúa Chổm hay ngồi câu cá, rượu làng Quảng, cầu Bố Vệ, hai mảnh ruộng khao thưởng…
Nhưng có rất nhiều ý kiến khác của các học giả và nhân dân cả nước, đa phần đều cho rằng Chúa Chổm chính là vua Lê Trang Tông (húy là Lê Ninh hoặc Lê Duy Ninh, ở ngôi từ năm 1533 – 1548), người được Thái sư Nguyễn Kim phò lập tại miền thượng du xứ Thanh.
Tuy lên ngôi trước và lớn tuổi hơn, nhưng trong vai vế dòng tộc, Lê Duy Ninh thuộc hàng cháu, gọi Lê Duy Bang bằng bác. Giai thoại về vua Lê Trang Tông thường được gắn với các cửa ô của thành Đông Đô (Hà Nội), rất nhiều phi lí, nên không được nhiều người ủng hộ. Cũng như dị bản về vua Lê Anh Tông, các nhà nghiên cứu không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng về nguồn gốc tên gọi Chúa Chổm…
Những ngày cùng ông Hà Nam Ninh điền dã ở vùng núi Pù Luông, chúng tôi ghi nhận một kiến giải khác, khẳng định rằng Chúa Chổm là vua Lê Trang Tông và giai thoại về các món nợ chồng chất đều xảy ra tại vùng đất này. Chuyện có liên quan mật thiết đến công cuộc trung hưng nhà Hậu Lê mà chúng tôi đã kể rải rác trong các phần trước của bài viết.
LẬT GIỞ TRANG SỬ CŨ
Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú chép: “Nguyễn Kim tìm thấy Lê Duy Ninh ở vùng thượng du Thanh Hóa, đón sang Ai Lao lập làm vua”, nhưng không nói rõ địa danh nào. Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn cũng chép sơ lược như vậy.
Miền thượng du Thanh Hóa hiện nay có đến 11 huyện, rộng gần 8.000 km2. Người địa phương quen gọi người Ai Lao (Lào) và người Thái là một, nên đất Ai Lao mà Nguyễn Kim lập vua có thể là miền đất cư trú của người Thái ở Thanh - Nghệ và Tây Bắc nước ta hiện nay.
Không hề ngẫu nhiên, hai học giả lừng danh là Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú lại cùng đến Mường Khoòng tìm hiểu, thu thập tài liệu để viết hai bộ sử nói trên.
Hai vị nằm trong một ngôi nhà gỗ dựng ở gò Đon Ngốn (nay là phố Đoàn, xã Cổ Lũng) cách nhà Phủ Mường Khoòng vài trăm mét, đóng cửa đọc sách suốt 7 ngày 7 đêm, hết cả kho sách của nhà các ông Quận công Hà Thọ Tường, Hà Thọ Lộc… Chuyện này được các nhà nghiên cứu lịch sử ở Thanh Hóa là Lê Bá Chức, Lê Xuân Kỳ sưu tầm và viết lại.
Dòng dõi của vua Lê Lợi lâu nay vẫn được coi là người Mường, mẹ của vua Lê Trang Tông là hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người Mường ở huyện Ngọc Lặc. Mấy năm trước khi bị bức hại, vua Lê Chiêu Tông từng nhiều lần đi về vùng đất này. Việc các trung thần của nhà Hậu Lê sớm đoán chuyện họ Mạc tiếm ngôi mà đưa những người trong hoàng tộc về xứ Thanh xây dựng căn cứ tính kế lâu dài là có thể hiểu được.
Theo gia phả dòng họ Hà Công, ông tạo Mường Khoòng vốn là người huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), trung thần của nhà Lê từng khởi binh chống Mạc Đăng Dung, rồi vào xứ Thanh mưu việc lớn từ trước. Truyện thơ của người Thái cũng ghi nhận việc ông Hà Thọ Tường (Khun Ha) có mâu thuẫn với ông tạo bản xứ là Khăm Panh ở đất Pù Luông, trong quá trình củng cố uy tín và quyền lực.
Quá trình điền dã của ông Hà Nam Ninh và dựa trên những câu chuyện trong sử Thái chép tay còn lưu giữ trong các gia tộc tại Mường Khoòng, Mường Hạ, Mường Ánh, Mường Ca Da... Chuyện chép về chuyện Chúa Chổm sinh động hơn rất nhiều.
Bắt đầu từ việc ông quan Dộc nuôi giấu người phụ nữ mang thai, sinh ra một cậu bé khôi ngô có điềm lạ. Rồi đến chuyện các trung thần tìm ấn để tôn lập nhà vua, các mường xa gần tìm về ứng nghĩa, chuyện ban thưởng công trạng..., tuy mộc mạc nhưng phản ánh khá đầy đủ thân thế và sự nghiệp của vua Lê Trang Tông.
“Cậu bé được đặt tên là Chù Chốm, theo tiếng địa phương nghĩa là Giấu Trộm, do thời gian được sinh nở và nuôi nấng phải tuyệt đối bảo đảm bí mật. Người Mường các vùng khác đều gọi “giấu trộm” là Chù Nôm.
Duy ở vùng Pù Luông, nơi giao thoa giữa vùng văn hóa Mường - Thái, Mường Trong – Mường Ngoài, thì phát âm cao giọng hơn, nên gọi là Chù Chốm. Sau này, đọc chệch theo tiếng Kinh, thì Chù Chốm biến thành Chúa Chổm thôi. Đó là tên gọi của vua Lê Trang Tông thuở thiếu thời” – ông Hà Nam Ninh giải thích.
Người Pù Luông đến nay vẫn kể về chuyện Chúa Chổm và quan Dộc. Khoảng năm Lê triều thứ 8 (1541), quan tạo Mường Ánh (xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa) bị phạt vạ rất nặng vì tội làm chết con voi của triều đình. Nguyên do là con voi của nhà vua trên đường đánh giặc phải chở quá nặng, leo qua dốc Chạng Háy đã khó nhọc đến chảy nước mắt, mà quản tượng vẫn thúc đi.
Đến dốc Kéo Đó thì voi già kiệt sức, ngã xuống vực mà chết. Voi bị chết trên đất Mường Ánh, nên viên quản tượng mượn cớ vu họa cho ông tạo mường này đi săn rồi bắn chết voi của nhà vua.
Dân Mường Ánh bị phạt vạ, phải đền một con voi to như voi thật, thân bằng đồng, vòi bằng bạc, ngà bằng vàng. Lấy tre nứa đan hình nộm voi, đem hết của cải trong mường ra để phủ lên, nhưng chiếc ngà voi bằng vàng thì cả mường không thể kham nổi. Ông tạo Mường Khoòng khuyên nên cầu cứu bố nuôi của nhà vua. Ông quan Dộc bằng lòng, dặn quan tạo Mường Ánh sắm sửa quà cáp, rồi đi.
Đến hành dinh Yên Trường (huyện Thọ Xuân), hai người xin vào gặp vua thì bị quân lính ngăn cản. Ông quan Dộc bèn đứng ngoài gọi toáng lên: “Chù Chốm ơi, Chù Chốm ơi! Bố đến tìm mày đây này”. Quân lính ùa ra bắt lại.
Quan Dộc bảo: “Bắt cũng được, nhưng hãy đem mấy thứ này vào cho nhà vua đi, kẻo hỏng hết”. Rồi ông chỉ vào một con hon, một đôi sóc, hai cái hoa chuối rừng, hai bó gừng, hai gói chẻo tời đã chuẩn bị sẵn, vốn là những món ăn ưa thích của Chúa Chổm khi xưa.
Quân lính đem quà vào, nhà vua nhận ra ngay bố nuôi mình, bèn chạy ra ngoài đón rước vào. Vua nghe bố kể chuyện, bèn minh oan cho tạo Mường Ánh, rồi tặng hai người rất nhiều quà, đưa trở về quê cũ.
Sau này, ông quan Dộc còn tìm đến hành dinh một lần nữa, để cứu Quận công Thiếu úy Tư mã Hà Thọ Lộc thoát khỏi tội khi quân, đã nói ở trên. Lần ấy, biết ơn người Mường Khoòng nhiều công lao, nhà vua không chỉ tha tội cho ông tạo mà ban thưởng thêm của cải để mang về.
Con cháu của ông Tạo bèn lập lời thề đời đời miễn thuế má lao dịch cho toàn dân bản Dộc, bản Kén. Trong văn tự, cả 9 người con của Hà Thọ Lộc đều đặt bàn tay hoặc điểm chỉ vào làm bằng chứng. Còn 52 gánh của cải vua ban, Hà Thọ Lộc sai người sửa sang lại Mường Khoòng nội phủ.
Món nợ ân tình của Chúa Chổm đối với các trung thần nhà Lê như Nguyễn Kim, Trịnh Duy Thuân, Trịnh Duy Liêu, Trịnh Kiểm… cùng nhân dân vùng thượng du người Mường, người Thái là rất lớn lao, không dễ gì trả hết bằng bổng lộc, tiền bạc được.
Rất nhiều người có công đã được phong chức tước, nhiều mường được vinh hiển, nhưng vẫn là chưa đủ. Người hậu duệ của dòng tộc vua Lê hiển hách vẫn chịu ơn sâu đối với các tướng lĩnh trung thành và hàng vạn người dân đã theo mình trong sự nghiệp trung hưng một triều đại tưởng đã sụp đổ.
Khi đã lên ngôi, việc tìm ấn vàng để thu phục nhân tâm, kết giao với các thủ lĩnh khắp các miền, chiêu mộ và úy lạo nghĩa quân, tích lũy vũ khí và lương thảo… cần rất nhiều tiền bạc và công sức. Có thể, ngoài sự trân trọng tinh thần “phù Lê diệt Mạc” thì những hứa hẹn một mai công cuộc trung hưng thành công, sẽ có những ban thưởng hào phóng.
Đó là những “món nợ” khổng lồ mà Chúa Chổm đã gánh trên vai trước khi trở thành một vị quân vương đích thực của nhà Hậu Lê? Món nợ này cao cả hơn rất nhiều lần so với những món nợ xôi thịt, cờ bạc tầm thường mà Chúa Chổm bị hàm oan suốt nhiều thế kỷ nay?
Lê Quân