Du khảo Pù Luông, miền đất thiêng của Chúa Chổm (Kỳ 2): Biệt phủ đầu tiên của nước Việt
Ít ai biết rằng, từ thời Lê trung hưng, trước khi có phủ Chúa Trịnh, phủ Chúa Nguyễn, đã từng có một phủ Mường Khoòng uy nghi của vua Lê Trang Tông và giới quý tộc người Thái tồn tại suốt mấy trăm năm.
Chiều nắng quái, đường núi quanh co, chúng tôi lên xe máy ngược về bản Thung (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước), cách đầu nguồn suối Nủa chừng 8 km. Nơi đây từng nổi tiếng khắp miền Tây Thanh Hóa vì là vị trí trung tâm của Pù Luông, có đồn Cổ Lũng kiên cố và sân bay Nong Bang do người Pháp lập trước năm 1945.
Tòa biệt phủ đầu tiên của nước Việt
Qua một khúc cua nhỏ như rắn lượn, có ngọn đồi đất nhỏ nằm bên đường, phía trước cánh đồng rộng rãi những thửa ruộng bậc thang, ông Hà Nam Ninh bảo: “Đồn Cổ Lũng xưa nằm trên ngọn đồi này, án ngữ ngã tư đường đi từ bốn phía Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng và đường sang Hòa Bình”.
Ngoảnh sang dải đồi nhỏ bên kia đường, ông Ninh nói thêm: “Trước đây, nhà các quan lại, lang đạo có thế lực trong vùng đều nằm trên sườn đồi, nhìn ra cánh đồng Nong Bang này. Trước đây vẫn còn nhiều nhà sàn lớn làm bằng gỗ quý, liên tiếp hàng cây số. Quan trọng nhất là ngôi nhà cổ có tên là Mường Khoòng nội phủ, được xây dựng cách đây chừng 500 năm”.
Thấy tôi há hốc mồm kinh ngạc, ông Hà Nam Ninh giải thích: “So với các Phủ của Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn sau này, thì Phủ Mường Khoòng có từ trước mấy chục năm. Phủ Mường Khoòng dựng cho vua Lê Trang Tông ở, Chúa Trịnh Chúa Nguyễn là bề tôi, thế hệ sau”.
Chủ nền đất cũ của Phủ Mường Khoòng hiện là anh Hà Văn Tân (SN 1988), người bản Thung mới tách hộ. Khi nghe hỏi về con ngựa đá còn ở trên nền đất này, con trai của Tân hớn hở dẫn khách ra vườn. Chui qua đám ngô cao ngang đầu người, nó cúi xuống vơ một đám cỏ khô vứt sang bên, để lộ ra một phiến đá xanh bạc màu thời gian. Ông Ninh reo lên: “Đúng rồi, con ngựa đá trong khuôn viên Phủ Mường Khoòng”.
Trước đây, nhà Phủ bị phá dỡ vào năm 1953 sau khi ta chiến thắng ở đồn Cổ Lũng, trơ trọi lại hai cặp voi đá và ngựa đá, một tấm bia đá ở phía trước. Sau này, tấm bia và một con voi bị phá vỡ.
“Khi đó tôi đang là thầy giáo, bèn vận động một số cán bộ và trai tráng trong bản khiêng một con voi và một con ngựa về xã, nay đang còn đặt tại Trường THCS Cổ Lũng. Con voi nặng chừng nửa tấn, con ngựa nặng chừng ba trăm cân. Khiêng mệt quá, chúng tôi để lại một con ngựa mất đầu, chính là con này đấy” - ông Ninh nói.
Con ngựa đá được chế tác theo phong cách khá đơn giản của thời nhà Lê, dù vẫn đầy đủ chi tiết tả thực, dễ nhận. Các phần chân ngựa, đuôi ngựa đều được tạc trên nền đá như bức phù điêu. Những con voi ngựa lành lặn hơn đang được bảo quản tại xã cũng có phong cách tương tự.
Hai con voi, hai con ngựa đá này do Đô đốc Hà Mỹ Hào lấy về từ núi Nhồi (huyện Đông Sơn). Người ta chở chúng bằng thuyền theo sông Mã, đến cửa suối Nủa thì đặt lên bè cho trâu kéo, đoạn nào đường khó thì tời và khiêng bộ.
Cùng đó là một tấm bia đá lớn ghi lại sự tích nhà Phủ bằng chữ Nho đặt ở cổng ra vào. Ông Hà Mỹ Hào là con cháu những trung thần lập quốc của nhà Lê Trung hưng nhiều đời làm tạo cai quản đất Mường Khoòng này.
Ai xây dựng nhà Phủ?
Người dân địa phương cho rằng: Pù Luông, Mường Luông, Mường Khoòng, Mường Khoòng nội phủ… là những tên gọi khác nhau của vùng đất này, có gắn bó hữu cơ với nhà Phủ Mường Khoòng. Những thầy mo dòng họ Kha Khun (Hà Công) khi cúng thường xưng danh với câu “quê ông cha Mường Khoòng nội phủ, quê cũ chính thực đất Chiềng Thung”.
Thời điểm đó, tạo Mường Khoòng là ông Khun Ha (tên thật là Hà Nhâm Chính, sử sách chép là Hà Thọ Tường). Ông được phong tước Thụy Quận công, chức Tư đồ nội dinh, vì có công chiêu mộ và liên kết nhân dân ở Mường Hạ, Mường Mộc, Mường Sang, Mường Xôi, Mường Thàng…
Ông vốn người Phú Thọ, rất có thể, được các trung thần nhà Lê sai phái trở về Pù Luông lập căn cứ, mộ quân và tích lương từ trước khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi.
Sử Thái ghi nhận ông có công nuôi giấu vua Lê Trang Tông từ thuở hàn vi, lại giúp tìm được ấn ngọc tỉ ở suối Nủa để nhà vua lên ngôi. Ông cũng là người xây dựng nhà Phủ Mường Khoòng để nhà vua ngự bàn việc nước.
Sau này, chức tạo Mường Khoòng được truyền lại cho Lân Quận công Hà Thọ Lộc, là danh tướng của chúa Trịnh Tùng, có nhiều chiến công hiển hách thay đổi cục diện cuộc chiến Lê Trịnh – Mạc, thống nhất đất nước. Người địa phương gọi ông là Khun Ý Lân.
Ông Hà Thọ Lộc nối tiếp công việc sửa sang, xây dựng lại nhà Phủ to đẹp hơn, trên nền móng cũ. Chuyện kể, lúc cuối đời, quan Thiếu úy Hà Thọ Lộc mắc phải tội khi quân, chờ xử chém. Người nhà bèn tìm đến một ông già áo vải là tạo bản Dộc, xin cứu giúp. Ông già áo vải tuy sống đơn sơ đạm bạc giữa núi rừng nhưng lại là bố nuôi của vua Lê Trang Tông.
Ông quan Dộc trở về hành dinh Yên Trường - Vạn Lại, đem hết các sắc phong, biểu ghi công của các tạo Mường Khoòng dâng lên. Lúc này, vua Lê Trang Tông đã mất, truyền đến đời vua Lê Anh Tông. Biết chuyện vì nước của người Mường Khoòng, nhà vua lập tức tha tội cho ông Hà Thọ Lộc, còn ban thêm 52 gánh của cải để đem về sửa sang Phủ Mường Khoòng.
Sau này, con trai ông Hà Thọ Lộc là Quận công Đô đốc Hà Mỹ Hào lại dựng đắp thêm voi ngựa. Con cháu các quan Mường Khoòng tiếp tục tu sửa nhà Phủ nhiều lần. Đến thời Nguyễn, các ông Lãnh binh Hà Công Tú và Tri châu Tân Hóa Hà Văn Cao đã trang bị nội thất cơ bản ổn định...
Trong những ngày cùng nhau đi điền dã, ông Hà Nam Ninh chia sẻ với tôi những tư liệu được dịch ra từ sách chữ Thái cổ mà ông dày công sưu tầm. Trong đó có những trang miêu tả về nhà Phủ:
“Nhà Phủ kiến trúc theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân Mường Khoòng, gồm 3 gian, lợp lá cọ, cột chôn bằng gỗ kiêng vững chắc. Sàn lát bằng tre là ngà. Xung quanh thưng ván nửa dưới, còn nửa trên đan thưa như vách thưng các nhà thờ thần khác. So với nhà 3 gian thông thường thì nhà Phủ có phần rộng hơn.
Trong lòng nhà để sàn trống, không ngăn vách, nhưng vẫn bài trí theo từng gian. Phía trên cùng của mỗi gian đặt một cái bàn thờ. Trên mỗi bàn thờ đặt 1 cái ngai, sơn son thếp vàng. Tay ngai có hình rồng.
Bàn thờ ở gian giữa là để thờ vua (Lê Trang Tông), bên phải thờ ông Quốc công (Nguyễn Kim), bên trái thờ ông Hà Thọ Lộc. Bốn cái lọng cắm xen kẽ giữa hai bàn thờ. Mỗi bàn thờ có hai câu đối. Dựa vào vách có gươm, giáo, bát xà mâu. Phía cuối nhà treo một trống đồng, một trống đại sơn son thếp vàng, một trống con. Dưới gầm sàn đặt hai cái sanh đồng lớn...”.
Dấu tích cũ
Thực tế, chỉ có vua Lê Trang Tông gắn bó với Phủ Mường Khoòng, trong khoảng thời gian không dài. Các đời vua sau thế lực đã lớn mạnh, dời hành dinh về Yên Trường – Vạn Lại cách Pù Luông mấy chục cây số, rồi định đô tại Thăng Long.
Nhà Phủ Mường Khoòng vẫn nằm ở trung tâm Pù Luông, dần trở thành một cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian gắn liền với lễ hội văn hóa cộng đồng, không phải Biệt phủ của Chúa Chổm nữa.
Hàng trăm năm nay, mỗi năm hai lần người Mường Khoòng tổ chức lễ hội toàn mường. Lần thứ nhất vào tháng 3, lần thứ hai vào tháng 8. Địa điểm thờ có 3 nơi, đó là đỉnh Xộp Ngài thờ thần Pu Mới, giữ hồn vía của cả mường; Nhà Phủ thờ thần là Vua quan, tạo mường; Suối Nủa thờ Long vương.
Tháng 3, cả ba nơi đều cúng thịt lợn. Tháng 8, Xộp Ngài cúng thịt bò đen, Mó Nủa (suối Nủa) cúng thịt trâu trắng, Nhà Phủ cúng thịt trâu đực. Chủ lễ là ông tạo mường họ Kha Khun, thầy cúng là người họ Kha Đắm.
Dân trong mường gồm 54 bản, có đủ thành phần già, trẻ, gái trai, quan bản, tạo bản, mang theo quần áo, gạo tiền tập trung về vùng xã Chiềng (Cổ Lũng), trọ lại ba bốn ngày để tham gia thờ thần, giao lưu văn nghệ thể thao. Mỗi ngày thờ ở một địa điểm vào buổi sáng, sau đó thì xuống đồng vui chơi, thi thố tài năng và uống rượu cần, bàn bạc công việc của mường.
Việc khôi phục lại Lễ hội và không gian văn hóa Mường Khoòng đang được quan tâm, không thể thiếu di sản là nhà Phủ đầu tiên của nước Việt và hang Nủa linh thiêng. Rất may, thông tin phản hồi từ sau chuyến du khảo, huyện Bá Thước đang có những động thái cụ thể và tích cực về vấn đề này...
(Kỳ sau, chúng tôi xin kể chi tiết về Ông già áo vải là bố nuôi của vua Lê Trang Tông. Người Thái tin rằng ông là người đến suối Nủa đem ngọc tỉ về cho nhà vua).
Lê Quân