Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ 5): Thủy điện nuốt trọn rừng nguyên sinh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ dự án thủy điện ở quy mô nào, nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.
Đất rừng nhường chỗ cho thủy điện 'cóc'
Theo báo cáo, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở quy mô khác nhau, dung tích trữ nước khoảng 56 tỉ m3, đóng góp công suất khoảng 20 nghìn MW.
Bên cạnh những mặt tích cực mà các dự án thủy điện mang lại, trong quá trình phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, chúng ta lại chưa có biện pháp thích hợp để loại bỏ những dự án kém hiệu quả, nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, dẫn tới những hậu quả như mất rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước hạ du,...
Ðặc biệt, còn có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Thậm chí, có những thủy điện đã không nghiêm túc chấp hành chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai cũng như quy trình vận hành hồ chứa của các địa phương.
Nhiều năm trước, đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trở thành “gà đẻ trứng vàng”, khiến doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư. Không chỉ hấp dẫn doanh nghiệp nhờ lãi lớn, thủy điện vừa và nhỏ còn hấp dẫn địa phương nhờ nguồn thu thuế ổn định, nên trước đây các dự án này được xin bổ sung quy hoạch thủy điện.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) cho biết, tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có 3 nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến khoảng 200 ha rừng bị mất.
Riêng dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, sau hai đợt tiến hành thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2016 và 2019), UBND tỉnh đã thu hồi tổng cộng 46 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý là 44,4 ha. Đất sông ngòi, kênh rạch, suối là 1,7 ha. Như vậy, một thủy điện với công suất 13 MW đã lấy đi 44,4 ha đất rừng trong khu bảo tồn bị mất.
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định “gánh” 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW. Trong đó có đến 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã và đang triển khai.
Để xây dựng các công trình thủy điện trên, hàng trăm ha rừng đầu nguồn bị xóa sổ, triệt hạ. Chẳng hạn, thủy điện Trà Xom làm mất hơn 633 ha rừng phòng hộ, các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 lấy đi hàng trăm ha rừng nguyên sinh, thủy điện Vĩnh Sơn 2 làm mất hàng trăm ha rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai.
Tại Quảng Nam, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển mục đích hơn 545 ha rừng tự nhiên để thực hiện các dự án thủy điện, kinh doanh và công trình công cộng. Trong 5 năm gần nhất, diện tích rừng tự nhiên được chuyển đổi để thực hiện các dự án thủy điện là hơn 58 ha, chủ yếu vào năm 2016 (51 ha).
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được Bộ Công Thương phê duyệt, với tổng diện tích cả ngàn ha. Trong số những dự án này, Thủy điện Sông Giang 2 lớn nhất cũng chỉ 37 MW, những dự án khác đều “lít nhít” như Thủy điện Sông Trang 5 MW, Hoa Sơn 4 MW và Sông Cái chỉ 2 MW, nhưng diện tích “chiếm” rừng cho mỗi dự án siêu nhỏ này lên cả trăm ha.
Trong số 8 dự án thủy điện nói trên, hiện mới có 3 dự án đã đi vào hoạt động. Ba dự án khác là Sông Giang 1, Sông Giang 2, Sông Chò 2 đều đã giải phóng mặt bằng xong và đang thực hiện rất chậm.
Siết quy hoạch để bảo vệ rừng
Sự phát triển quá nóng của các dự án thủy điện vừa và nhỏ khiến hàng nghìn ha rừng các loại bị “xóa sổ” khỏi bản đồ. Hậu quả từ việc mất rừng, từ việc làm thủy điện nhỏ đã được đề cập đến nhiều, đơn cử như trận lũ lụt kinh hoàng tại các tỉnh miền Trung vào tháng 10/2020 để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia môi trường, hậu quả của việc phát triển “quá nóng” thủy điện vừa và nhỏ hơn ai hết người dân địa phương đang phải gánh chịu. Hơn một năm sau khi cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra, những người dân ở thôn La Ve xã Bản Hồ, Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vẫn không tin đó là sự thật.
Toàn bộ tài sản bị cướp đi khiến 60 hộ dân để đến bây giờ vẫn còn phải khốn đốn trông chờ hỗ trợ trong mòn mỏi, trong khi nguyên nhân được cơ quan chức năng kết luận phần lớn là do trách nhiệm của thủy điện Sử Pán 1 ở thượng nguồn. Việc doanh nghiệp nợ hỗ trợ người dân vùng lũ xuất phát từ việc nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế do khô hạn.
“Sự có mặt của thủy điện vừa và nhỏ trong vùng lõi của các vườn quốc gia còn ảnh đến bảo tồn, đa dạng sinh học vì tiếng ồn của các nhà máy, dự án làm đứt gãy nhiều con đường di cư của động vật”, ông Lê Ngọc Tuấn – Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Còn theo bà Lê Thu Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh mặt tích cực của các dự án thủy điện thì mặt tiêu cực cũng không nhỏ. Đó là phải thu hồi khá nhiều diện tích đất các loại.
Theo tính toán, trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm dụng khoảng 7,4 ha đất, điều này ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Bên cạnh đó, việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công, vận hành công trình bị lâm tặc lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép.
Đánh giá về việc phát triển thủy điện ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, KTS Hồ Duy Diệm - Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường Việt Nam cho rằng, lâu nay nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối việc tỉnh nào cũng cho xây hàng chục thủy điện. Ở Quảng Nam gần 50 thủy điện lớn nhỏ, có đến cả chục bậc thang thủy điện, phá biết bao nhiêu rừng, phá rừng để làm hồ chứa nước, làm đường đi.
Theo KTS Hồ Duy Diệm, dự án nào cũng mở đường lấy gỗ, xây hồ lấy gỗ rồi mới làm thủy điện. Chính phủ phải có một hội thảo khoa học về chuyện này, từ đó phải dừng ngay chuyện làm thủy điện tràn lan, thậm chí lần lượt tháo dỡ bớt thủy điện bởi vấn đề cung cấp năng lượng ở nước ta cơ bản đảm bảo rồi.
Hiện có một số tỉnh đang xem xét lại việc phát triển thủy điện tại địa phương và mạnh dạn loại bỏ nhiều dự án thủy điện nhỏ, việc này rất đáng hoan nghênh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ ra, thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ.
Nhìn nhận về việc lập Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh một lần nữa khẳng định, Bộ Công Thương sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không cho phép triển khai thực hiện.
Hà Nam - Xuân Hòa