Thứ bảy, 27/04/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/06/2020 14:13 (GMT+7)

Kỳ 2: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả?

Theo dõi KTMT trên

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể chiến thắng hay thất bại trên trên truyền thông phụ thuộc rất lớn vào người làm báo. Nhà báo môi trường có thể thúc đẩy người dân hành động chống BĐKH và đẩy mạnh phát triển bền vững chỉ khi hoạt động nghề nghiệp của họ chính xác, đúng thời điểm và đúng đối tượng.

Để đề tài về biến đổi khí hậu không còn khô khan

Đáng tiếc là số lượng nhà báo môi trường hiện vẫn còn rất mỏng, còn yếu về chuyên môn và năng lực nghiệp vụ. Hầu hết các tòa báo chỉ có một hoặc hai phóng viên phụ trách mảng này, có tờ chỉ có phóng viên kiêm nhiệm từ mảng khác.

Kỳ 2: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang gây ra các điều kiện ngày càng tồi tệ hơn trên khắp hành tinh, bao gồm: Mất an ninh nguồn nước, hạn hán nghiêm trọng, cháy rừng,... (Ảnh: Bloomberg)

Tiến sĩ Mike Shanahan, Viện Nghiên cứu quốc tế về Môi trường và Phát triển cho rằng, năng lực của người làm báo tác động rất lớn đến hiệu quả đưa tin và tuyên truyền. Tuy nhiên, ở nhiều nước đang phát triển, nơi có nhiều vấn đề môi trường nóng bỏng, nhà báo môi trường gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp bởi thiếu đào tạo, thiếu sự ủng hộ của lãnh đạo và khó tiếp cận các nhà hoạch định chính sách trong nước.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, tuy số lượng người làm báo về môi trường đã tăng, không ít tờ báo mở chuyên mục riêng về môi trường, nhưng chất lượng của các bài báo và tác động đến công chúng vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Báo chí về BĐKH có thể sẽ nhàm chán với đại đa số công chúng khi chứa nhiều thông tin khoa học phức tạp và đôi khi phản ánh bức tranh u ám. Nhiệm vụ của nhà báo là tìm cách truyền tải để độc giả thấy hứng thú với những chủ đề được cho là khô khan này. Theo Giáo sư Ang Peng Hwa, Khoa Thông tin và Truyền thông Wee Kim Wee, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, thông tin về BĐKH ít hấp dẫn hơn so với thông tin về tội phạm, kinh doanh hay chính trị bởi các vấn đề về môi trường thường âm thầm tiến triển, một thời gian mới thấy hậu quả nên độc giả cảm thấy không liên quan đến cuộc sống của họ.

Vì vậy, để thu hút sự quan tâm của công chúng, các nhà báo cần gắn các vấn đề BĐKH với cuộc sống đời thường, cho độc giả thấy sự liên quan của thông tin BĐKH với cuộc sống của họ. Một ví dụ điển hình cho cách làm này có thể kể đến bài báo đăng hồi tháng 9/2016 của tờ Vice ở New York, Mỹ. Vice thu hút sự chú ý của công chúng về nạn phá rừng ở Campuchia bằng câu chuyện của một nhà báo bị sát hại khi đang điều tra về khai thác gỗ trái phép ở quốc gia này.

Kỳ 2: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 2Kỳ 1: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả?

Tham gia vào công tác hoạch định chính sách về môi trường

Kỳ 2: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả? - Ảnh 3
Hành tinh của chúng ta đang ấm dần lên, từ Bắc Cực cho đến Nam Cực. (Ảnh: Bloomberg)

BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhà báo môi trường sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề “khó nhằn” hơn rất nhiều. Để đối mặt với những thay đổi trong tương lai, các nhà báo cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để viết về BĐKH.

Nâng cao năng lực của báo chí về BĐKH có thể giúp các quốc gia lập kế hoạch và thực thi các chính sách bảo vệ môi trường vừa đạt hiệu quả trong nước vừa phù hợp với các giao ước quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách có vai trò rất lớn trong vấn đề này.

Năm 2010, nhà báo môi trường ở Namibia phản ánh rằng, các bộ ngành chịu trách nhiệm về BĐKH của nước này “không đủ tầm nhìn” và cần phải tuyển nhân sự phụ trách quan hệ với báo chí, lên kế hoạch truyền thông và phát ngôn với báo chí. Sau phản ánh này, Bộ Môi trường và Du lịch của Namibia đã cải thiện mối quan hệ với báo chí, tạo điều kiện để báo chí tham gia nhiều hơn vào công tác hoạch định chính sách về môi trường.Bằng cách tạo điều kiện để các nhà báo tiếp cận với các thông tin chính sách môi trường ở địa phương, hỗ trợ nhà báo tác nghiệp ở các vùng nông thôn và các chuyến công tác nước ngoài, gắn kết với báo chí trong quá trình hoạch định chính sách, đồng thời tự nâng cao hiểu biết của bản thân về báo chí và khả năng truyền tải thông điệp BĐKH cho báo chí.

Như vậy, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp cải thiện chất lượng báo chí chống BĐKH bằng mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” với nhà báo.

Hiện nay, nhà báo môi trường có thể dễ dàng tiếp cận các tài liệu miễn phí hướng dẫn về cách truyền thông chống BĐKH của các tổ chức môi trường quốc tế. Có thể kể đến cuốn sổ tay cho phép tải về bản điện tử miễn phí Getting the message across: Reporting on Climate Change and Sustainable Development in Asia and the Pacific: A Handbook for Journalists (Tạm dịch là Để thông điệp đi xa: Đưa tin về BĐKH và Phát triển bền vững ở Châu Á Thái Bình Dương: Sổ tay cho nhà báo) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) biên soạn.

Ngoài ra, còn có các cuốn tài liệu miễn phí khác như: Climate-Smart Reporting: A Handbook for Journalists and Communications Professionals do UNDP biên soạn; A child friendly climate change handbook của UNICEF. Mạng lưới nhà báo môi trường có thể tổ chức dịch thuật các tài liệu này để phổ biến rộng rãi đến các nhà báo trong nước.

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: Truyền thông về biến đổi khí hậu thế nào để hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới