Những cánh tay nối dài vì màu xanh đất nước
Truyền thông về bảo vệ môi trường giữ một vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để việc bảo vệ, gìn giữ môi trường trở nên hiệu quả nhờ sự thống nhất ý chí và hành động trên phạm vi rộng rãi nhất.
Nghị quyết số 41/NQ-TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường là giải pháp hàng đầu. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cho cộng đồng; đồng thời lên án nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… tăng cường giáo dục đạo đức môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Điều này, một lần nữa đã được khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối với ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành như: Quản lý đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của công dân, doanh nghiệp. Do vậy, hầu hết, các cơ quan hoạt động báo chí từ Trung ương đến địa phương đều có chuyên mục, chuyên đề, chương trình về lĩnh vực TN&MT.
|
Riêng với lĩnh vực môi trường, theo Tổng cục Môi trường, từ nhiều năm nay, Tổng cục đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, hướng tới nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tập trung vào phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; các vấn đề môi trường nổi cộm, bức xúc, các “điểm nóng” về môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường; công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để tạo áp lực xã hội, sức ép dư luận buộc các cơ sở này phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục và xử lý môi trường.
Thông tin về TN&MT đã luôn được thể hiện thường xuyên, liên tục cập nhật, đa dạng trên các loại hình báo chí như: Báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử với lưu lượng, dung lượng khá lớn, phương thức truyền tải và cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn. Trung bình mỗi tháng, trên các phương tiện thông tin đại chúng có hơn 1.000 tin, bài về TN&MT, riêng lĩnh vực môi trường có trên 300 tin, bài. Rất nhiều báo in, điện tử đã xây dựng các chương trình, chuyên trang chuyên mục định kỳ về môi trường.
Những thông tin phản ảnh về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tạo định hướng và tư duy mới trong xã hội về về công tác bảo vệ môi trường. Từ đó, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình về việc thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Những minh chứng đó đã khẳng định, báo chí là phương tiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường đến với từng người dân, các tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội.
Thiên Trường