Thứ sáu, 29/03/2024 22:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/12/2021 12:00 (GMT+7)

Giảm thiểu rác thải nhựa ngành thủy sản, hướng tới nền kinh tế xanh

Theo dõi KTMT trên

Để bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh.

Thách thức môi trường lớn

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia “Quản lý Rác thải nhựa đại dương: hướng tới phát triển thủy sản bền vững”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, tình trạng “ô nhiễm trắng” này được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng, hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Giảm thiểu rác thải nhựa ngành thủy sản, hướng tới nền kinh tế xanh - Ảnh 1
Rác thải nhựa đang là vấn nạn toàn cầu, là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. (Ảnh: Diệp Bảo Tân)

Thông tin từ đại diện Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cho biết, từ năm 2019-2021, tổ chức này đã thực hiện một số hoạt động, dự án giám sát tình trạng rác thải nhựa trên bãi biển và trong rạn san hô; Quản lý ô nhiễm và ngăn ngừa ô nhiễm nhựa đại dương.

Kết quả thực hiện giám sát cho thấy, các bãi nằm trên đảo ven bờ (có hoạt động du lịch) có số lượng và khối lượng rác thấp hơn đáng kể so với các bãi trên đảo xa bờ và trên đất liền. Một số khu vực có sự suy giảm rác thải nhựa rõ rệt trong năm 2021 như các vùng biển Nha Trang, Bái Tử Long, Núi Chúa, Lý Sơn, Cát Bà, Quảng Trị...

Rác nhựa có nguồn từ các hoạt động liên quan đến ngành thủy sản chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt năm 2021 (48,2%), trong khi số lượng rác nhựa suy giảm thì rác từ thủy sản lại tăng; Phao xốp chiếm 60% số lượng rác nhựa từ thủy sản.

Trong đó, tại Quảng Ninh, khoảng 10 triệu phao xốp được sử dụng cho gần 5.500 ha mặt nước với trên 2.500 hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tuổi thọ của phao chỉ 2-3 năm.

"Trong quá trình sử dụng, nếu phao xốp bị hỏng người dân vứt bỏ xuống biển, hoặc quá trình sử dụng gặp bão gió dễ bị hỏng, tuột khỏi bè nuôi, trôi nổi trên mặt biển gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường", ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Ninh và cho biết mỗi năm tỉnh phải chi hàng chục tỷ để thu gom rác thải.

Theo ông Minh, việc xử lý rác thải nhựa đại dương gặp khó khăn, đặc biệt là chính sách liên quan đến vật liệu nổi chưa được áp dụng vào thực tiễn do phải xây dựng dự án liên kết theo chuỗi, khó triển khai. Đa phần dự án đều từ vốn phi chính phủ, khi kết thúc thì khó duy trì.

Trong khi đó, tại Phú Yên, đại diện Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh có hơn 4.100 tàu khai thác, gần 7.000 hộ nuôi trồng thủy sản nên lượng rác thải xả ra biển là rất lớn. Riêng vịnh Xuân Đài mỗi ngày có 7,5-11,5 tấn rác từ các nguồn thủy sản, sinh hoạt. Đa phần rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa được thu gom, tái chế.

Giảm thiểu rác thải nhựa ngành thủy sản, hướng tới nền kinh tế xanh - Ảnh 2
Hệ thống lồng nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Yến, huyện Tuy An (Phú Yên). (Ảnh: Trọng Ðạt)

Lý giải tồn tại trên, đại diện Phú Yên cho rằng, hiện chưa có quy định thu gom, xử lý rác thải từ các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, thậm chí chưa điều tra hiện trạng sử dụng, phát thải túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần trên các tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cảng cá. "Một phần do chính quyền chưa quan tâm đúng mức, thiếu nhân lực và kinh phí thu gom rác thải nhựa từ ngành thủy sản", lãnh đạo Sở NN&PTNT Phú Yên nói.

Từng bước thay thế sử dụng nhựa trong ngành thủy sản

Trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thủy sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng.

Bàn về các giải pháp, bà Nguyễn Thị Phương Dung - Vụ Khoa học Công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, vấn đề quan trọng trong quản lý rác thải nhựa đại dương là phải nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan trong việc thu gom, phân loại rác thải từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng nhựa trong ngành thủy sản.

Còn Phó Tổng thư ký Hiệp hội nước mắm cho rằng, cần quan tâm đến xử lý rác thải nhựa tại nguồn. Chung tay trong quản lý rác thải nhựa đại dương, Hiệp hội nước mắm sẽ vận động các cơ sở sản xuất dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, dùng những bao bì cói để đựng chai nước mắm thay cho túi nhựa... nhằm giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần xả ra môi trường.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, là một ngành sản xuất sử dụng vật liệu nhựa, tạo ra rác thải nhựa, nhưng ngành thủy sản cũng là lĩnh vực chịu tác động bất lợi từ rác thải nhựa của các lĩnh vực sản xuất khác và sinh hoạt khi các hoạt động này không được quản trị tốt “trăm sông đều đổ ra biển”.

Để bảo vệ môi trường biển, quản trị tốt rác thải nhựa đại dương, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, cần từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; Nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa. Đặc biệt, hàng triệu ngư dân ngày đêm bám biển sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc thu gom, giảm thiểu rác thải đại dương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Với việc sớm ban hành Kế hoạch hành động, ngành thủy sản được xem là một trong những ngành tiên phong, tạo được nền tảng cho các bên liên quan tham gia cùng hướng tới một mục tiêu chung. Đây là bước tiến quan trọng đánh dấu nỗ lực và sự chủ động của ngành thủy sản nhằm đưa ra các biện pháp quản lý rác thải nhựa, góp phần giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030.

Kế hoạch nêu rõ mục tiêu chung phải đạt được giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo cách tiếp cận từ đầu nguồn tới biển, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; Nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giảm thiểu rác thải nhựa ngành thủy sản, hướng tới nền kinh tế xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.